Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành lịch sử Đảng, 65 năm Ngày truyền thống Viện Triết học và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
TCCS - Ngày 28-10-2022, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành lịch sử Đảng (1962 - 2022), 65 năm Ngày truyền thống Viện Triết học (1957 - 2022). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong chặng đường xây dựng và phát triển của ngành lịch sử Đảng và Viện Triết học. Nhân dịp này, Viện Lịch sử Đảng và Viện Triết học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự lễ kỷ niệm còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các vụ, viện, đơn vị chức năng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội; đại diện các tỉnh, thành phố, cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên của ngành và Viện Lịch sử Đảng, Viện Triết học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
* Tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành lịch sử Đảng, trong diễn văn khai mạc, PGS, TS. Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, ngày 24-1-1962, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trực thuộc Trung ương Đảng và chỉ định đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban. Sự kiện quan trọng này đánh dấu sự ra đời và phát triển của một chuyên ngành khoa học mới ở Việt Nam - chuyên ngành khoa học lịch sử Đảng.
Tiếp đó, ngày 28-9-1962, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri số 91-TT/TW "Về việc thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng ở các khu, thành, tỉnh". Thực hiện thông tri của Ban Bí thư, các ban nghiên cứu lịch sử Đảng ở các địa phương miền Bắc được thành lập. Ngày 30-7-1965, Ban Bí thư ra Thông tri số 164-TT/TW "Về nhiệm vụ và quyền hạn của các Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng địa phương miền Nam". Thực hiện thông tri của Ban Bí thư, các ban nghiên cứu lịch sử Đảng địa phương miền Nam được thành lập. Từ năm 1962 đến năm 1982, ở Trung ương có Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương; ở địa phương có ban nghiên cứu lịch sử Đảng khu (đến khi các khu giải thể), ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh, thành phố. Từ năm 1982 đến năm 1997, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định sáp nhập một số đơn vị, thành lập Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh...
Mặc dù có sự biến động, song tổ chức, bộ máy của ngành lịch sử Đảng và đội ngũ những người làm công tác lịch sử Đảng phát triển trong phạm vi cả nước; các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học công lập và dân lập góp phần cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành về lịch sử Đảng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, sau này là Viện Lịch sử Đảng, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, xuất bản hằng trăm đầu sách, chuyên luận về lịch sử Đảng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Học viện, Viện Lịch sử Đảng đã tham mưu Giám đốc Học viện trình Ban Bí thư Trung ương phê duyệt và triển khai nghiên cứu các công trình khoa học về lịch sử toàn Đảng. Cùng với việc tập trung nghiên cứu các công trình khoa học của toàn Đảng, ngành lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Đảng, các nhà khoa học đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, biên soạn và xuất bản nhiều công trình khoa học. Bên cạnh đó, Viện Lịch sử Đảng đã được Đảng, Chính phủ và Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao nghiên cứu và triển khai nhiều đề tài khoa học quan trọng. Công tác giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua giảng dạy lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Tại các trường đại học, cao đẳng, lịch sử Đảng là nội dung học bắt buộc.
Thay mặt lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương biểu dương những thành tựu mà ngành lịch sử Đảng nói chung, Viện Lịch sử Đảng nói riêng đã đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 60 năm qua, ngành lịch sử Đảng đã đóng góp hiệu quả vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng; giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng; khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần làm cho bạn bè quốc tế nhận thức đúng đắn, chân thực về Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trong cả nước cần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, bồi đắp lòng yêu nước trở thành sức mạnh nội sinh và động lực to lớn, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo đi đến thành công.
Ngành lịch sử Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo hướng tập trung nghiên cứu làm rõ các những điều chưa rõ, cần bổ sung trong lịch sử toàn Đảng và lịch sử các đảng bộ địa phương.
Lưu ý công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng phải gắn chặt với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo lịch sử Đảng - hạt nhân là Viện Lịch sử Đảng không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; đẩy mạnh việc áp dụng sâu rộng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng và đưa kết quả nghiên cứu mới về khoa học lý luận chính trị nói chung và khoa học lịch sử Đảng nói riêng vào giảng dạy để có những bài giảng thực sự chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống...
Tại buổi lễ, đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Viện Lịch sử Đảng.
** Tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Viện Triết học (1957 - 2022), PGS, TS. Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức của Viện Triết học đã trình bày diễn văn kỷ niệm, ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Viện Triết học trong suốt 65 năm qua.
Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khởi đầu là Tổ Triết học được thành lập tháng 9-1957, với chức năng, nhiệm vụ làm trợ lý cho các chuyên gia và phụ đạo học viên tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1960, Khoa Triết học được thành lập với chức năng trực tiếp giảng dạy triết học Mác - Lê-nin cho các lớp hệ lý luận trung, cao cấp của trường. Năm 1964, khoa đã bắt đầu mở các lớp nghiên cứu sinh. Năm 1990, bắt đầu mở các lớp đào tạo thạc sĩ triết học. Hiện nay, Viện Triết học có chức năng giảng dạy triết học Mác - Lê-nin và các chuyên ngành triết học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; nghiên cứu các vấn đề triết học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần vào việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Viện Triết học đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học. Nổi bật là các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; lớp đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức triết học Mác - Lê-nin cho cán bộ giảng dạy trong hệ thống Học viện; các lớp tập huấn chương trình, giáo trình các hệ lớp (trung cấp, đại học, cao cấp) cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện, các trường chính trị, trường bộ, ngành và các cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức. Qua đó đã đào tạo hàng vạn lượt học viên.
Viện cũng đào tạo, hướng dẫn bảo vệ thành công nhiều tiến sĩ, học viên cao học chuyên ngành; tham gia hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận triết học Mác - Lê-nin, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh ở nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước. Viện hoàn thành xuất sắc công tác đào tạo học viên quốc tế cho nước bạn Lào, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Lào và Việt Nam. Cán bộ của Viện tham gia biên soạn và trực tiếp giảng dạy cho các lớp nguồn Trung ương khóa XII, XIII và lớp cán bộ nguồn các địa phương trên cả nước, các lớp nguồn của Đảng và Nhà nước Lào.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương biểu dương những thành tựu mà Viện Triết học đã đạt được trong 65 năm xây dựng và phát triển. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thông qua việc giảng dạy, cán bộ của Viện Triết học đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung mà Viện Triết học đảm nhiệm giảng dạy đã phản ánh đúng bản chất khoa học và cách mạng, tính chất nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phân tích sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin của Đảng ta trong việc xây dựng đường lối, chính sách, hình thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, góp phần bồi dưỡng lập trường, tư tưởng, ý thức hệ, thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học; hình thành tư duy lý luận chính trị cho những người xây dựng và hoạch định chính sách, cũng như những nhà nghiên cứu khoa học lý luận nói chung; góp phần định hướng nhận thức chính trị đúng đắn, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng.
Đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, qua 65 năm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Viện Triết học đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân đã lựa chọn, xây dựng tình cảm cách mạng trong sáng, hành động một cách tự giác, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thông qua công tác nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ, giảng viên Viện Triết học đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm lệch lạc, tiêu cực, sai trái trong nhận thức về các vấn đề chính trị; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng của học viên, góp phần tạo nên sự vững vàng về lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, là tiền đề tạo ra bước chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định chính trị, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là thời kỳ đổi mới đất nước.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đã có, đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng mong muốn trong những năm tới, Viện Triết học tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học; mở rộng nghiên cứu và giảng dạy triết học ứng dụng để nâng cao vai trò của triết học với đời sống xã hội. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ của viện có chất lượng chuyên môn tốt, tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ của Viện Triết học phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt phải chú ý nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học để làm sâu sắc thêm tính khoa học, cách mạng của triết học Mác - Lê-nin, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, mở rộng nghiên cứu và giảng dạy triết học, đặc biệt là triết học ứng dụng để nâng cao vai trò của triết học với đời sống xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo cán bộ cho Đảng, Nhà nước, góp phần đổi mới tư duy lý luận, tư duy lãnh đạo của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị trong Học viện, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của Viện Triết học nói riêng, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói chung, qua đó bảo đảm tính hệ thống của Học viện. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị ngoài Học viện nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm của mỗi cán bộ, giảng viên Viện Triết học, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng, Viện Triết học sẽ tiếp tục phát huy được truyền thống tốt đẹp, đạt nhiều thành tích mới trong công tác và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Tại buổi lễ, đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Viện Triết học./.
Trao giải Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch  (24/10/2022)
Quyết tâm đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trở thành một ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa  (11/10/2022)
Hoàn thiện hệ thống chính sách hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội dựa trên quyền con người  (16/09/2022)
Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam  (06/09/2022)
Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (01/09/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam