TCCS - Quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội được hiến định trong Điều 80, Hiến pháp năm 2013 và là một trong những phương thức thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tạo sinh khí mới trong sinh hoạt của Quốc hội và nâng lên một tầm cao hiệu lực và hiệu quả của hình thức hoạt động giám sát này.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật quy định 7 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó Điều 15 quy định về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội. Đồng thời, Luật cũng quy định 10 hình thức giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong đó, Điều 26 quy định về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH giữa hai kỳ họp Quốc hội. Trên thực tế, hoạt động chất vấn của Quốc hội và UBTVQH chỉ khác nhau về quy mô (một bên là toàn thể Quốc hội với thời gian từ 2,5 ngày đến 3 ngày, một bên chỉ là các thành viên UBTVQH cùng một số đại biểu với thời gian thường là 1 ngày); một bên là giám sát tối cao, một bên là giám sát của cơ quan thường trực của Quốc hội, còn quy trình, thủ tục thì tương tự.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành viên Chính phủ tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường_Ảnh: TTXVN

Thực tiễn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 - 2021

Quốc hội khóa XIV đã tiến hành 6 kỳ hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề và 2 kỳ hoạt động chất vấn tổng thể (giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ); UBTVQH có 4 lần hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề và 1 lần hoạt động chất vấn tổng thể. Thực tiễn cho thấy, ở các khóa Quốc hội gần đây, trong các hình thức giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH thì hình thức chất vấn thường có hiệu lực lớn và mang lại hiệu quả cao. Vì trách nhiệm ở mỗi lĩnh vực chất vấn được gắn chặt với trách nhiệm cá nhân từng chức danh bị chất vấn. Đánh giá kết quả của hoạt động chất vấn cũng là đánh giá đối với cá nhân từng người bị chất vấn. Các khiếm khuyết, hạn chế ở mỗi lĩnh vực không thể “đổ thừa” cho ai được, không có chuyện tập thể chịu trách nhiệm chung. Vì vậy, bản thân mỗi chức danh phải tự giác phấn đấu vươn lên trên vị trí công tác của mình. Chính vì vậy mà cần phát huy mạnh mẽ hình thức giám sát hoạt động chất vấn.

Theo đánh giá của chủ tọa các kỳ chất vấn thì nhìn chung, nhiều đại biểu chất vấn ngắn gọn, cụ thể, rõ địa chỉ; tranh luận với tinh thần trách nhiệm, xây dựng... Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành bao quát được phạm vi lãnh đạo, quản lý, nắm vững tình hình; trả lời thẳng thắn, rõ ràng, cụ thể, súc tích, không né tránh, làm rõ được nhiều vấn đề và dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri. Cụ thể đối với mỗi chủ thể như sau:

Một là, đối với đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn.

Trong cả nhiệm kỳ (hoạt động chất vấn cả ở Quốc hội và cả ở UBTVQH), hầu như tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội cơ bản đã được đề cập, đặc biệt được nhấn đậm là các lĩnh vực: công - thương; nông nghiệp, nông thôn; tài chính, tiền tệ; kế hoạch, đầu tư; giao thông; xây dựng; giáo dục, đào tạo; tài nguyên, môi trường; lao động - xã hội. Hoạt động của đại biểu ở khắp mọi miền đất nước, đến kỳ họp, phiên họp như một lăng kính lớn hội tụ tình hình cơ bản nền kinh tế - xã hội của đất nước. Các đại biểu đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến cử tri, có ý thức thu thập, xử lý thông tin, đem hơi thở nóng hổi từ cuộc sống tới nghị trường, góp phần quan trọng làm cho sinh hoạt của Quốc hội, UBTVQH sôi động hẳn lên. Những thông tin có được của các đại biểu vừa phục vụ tức thời cho hoạt động chất vấn, vừa phục vụ đắc lực cho các cuộc thảo luận kinh tế - xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ và chỉ tính riêng hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cũng cho thấy, trong 8 kỳ chất vấn có 1.824 lượt đại biểu đăng ký chất vấn, có 1.426 lượt đại biểu được trả lời, có 396 lượt đại biểu tranh luận với các chức danh bị chất vấn.

Các chất vấn của các đại biểu đã phát lộ khá nhiều vấn đề bức xúc, bất cập. Có thể nêu một vài ví dụ: Về lĩnh vực môi trường, nhất là môi trường nông thôn, ở nhiều nơi, xu thế ngày càng xấu đi (không khí, mặt đất, mặt nước đều bị ô nhiễm nặng, nhiều dòng sông đã bị bức tử...), trong khi có đến 17 bộ, ngành và tất cả các địa phương có trách nhiệm quản lý. Thực tế này là không đúng với chủ trương của Chính phủ, một việc chỉ giao cho một người chủ trì. Về tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hầu như năm nào cũng phải giải cứu, giá trị đã thấp nhưng thiệt hại lại vô cùng lớn, mà nguyên nhân chủ yếu là do một chuỗi “các sự mù mờ”: Nông dân - người sản xuất mù mờ về nhu cầu thị trường tiêu thụ, số lượng, quy chuẩn chất lượng (chỉ nghe loáng thoáng, truyền miệng). Nhà kinh doanh mù mờ về nơi sản xuất khiến việc kết nối tiêu thụ gặp khó khăn. Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng, số lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp mù mờ về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Về trường, lớp, dạy và học bậc đại học ở một số địa phương: trường, lớp phát triển ồ ạt song chất lượng thấp. Có ý kiến cho rằng, đó là tình trạng “cơm chấm cơm; rau muống luộc chấm nước rau muống luộc”, “thà có một trường cao đẳng tốt còn hơn có một trường đại học tồi”. Trong lĩnh vực tư pháp, rất nhiều vụ kiện hành chính mà tòa án cấp cao đã xét xử có triệu tập đại diện của chủ tịch hoặc người được ủy quyền là phó chủ tịch ủy ban nhân dân (cấp tỉnh) tham gia phiên tòa với tư cách là bên bị kiện, nhưng đều vắng mặt tại phiên tòa (công dân thì có mặt, người đại diện chính quyền thì không). Nhiều trường hợp vắng mặt không lý do, hoặc đề nghị tòa án xử vắng mặt người bị kiện. Từ đó, không chỉ gây khó khăn trong hoạt động xét xử của tòa án mà nhiều trường hợp gây nên tâm lý bức xúc cho nhân dân.

Các đại biểu đã chất vấn thẳng thắn, trí tuệ, phần lớn các chất vấn đều trình bày ngắn gọn, xác đáng, đúng nội dung, rõ ràng, chân tình, mang tính xây dựng, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội.

Hai là, đối với người trả lời chất vấn.

Sau 8 kỳ chất vấn cho thấy, gần như toàn bộ các thành viên của Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đều đã trả lời chất vấn tại nghị trường. Các chức danh có tần suất xuất hiện nhiều nhất là bộ trưởng các bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương... Đặc biệt, tại kỳ hoạt động chất vấn cuối cùng (chất vấn tổng thể trong 2,5 ngày), nhiều bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trả lời từ 5 lần trở lên(1).

Người bị chất vấn trả lời tương đối đầy đủ các câu chất vấn của đại biểu cả hai mặt (thành tích và yếu kém, nhược điểm). Có những bộ trưởng có phương pháp trình bày khá lô-gíc, báo cáo tình hình đến đâu có số liệu cụ thể minh họa rõ ràng đến đó, chứng tỏ khả năng bao quát công việc rất tốt. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành tự giác nhận những yếu kém, khuyết điểm, bất cập. Có bộ trưởng thừa nhận, loay hoay mãi chưa tìm được giải pháp khả thi, hữu hiệu chắc chắn nhất để tiêu thụ nông sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân; có bộ trưởng thừa nhận còn rất khó khăn trong quản lý thông tin trên các trang mạng xã hội; có bộ trưởng thấy nan giải trong đề xuất chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính (cấp xã, cấp huyện...). Nhìn chung, người trả lời chất vấn đều trung thực và có trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri.

Trong hai lần chất vấn tổng thể, dù bất thình lình phải trả lời, nhưng hầu như không có chức danh nào tỏ ra quá khó khăn, lúng túng mà ngược lại là trả lời được ngay, một số trường hợp trả lời khá sắc sảo, minh bạch. Cũng cần phải nói rằng, chất vấn tổng thể đã làm tăng lên tinh thần trách nhiệm, sự động não của các bên lên một tầm cao mới, nhất là người bị chất vấn. Từ đây sẽ bớt đi tình trạng, một chức danh kết thúc phần trả lời theo nhóm vấn đề của mình là cảm thấy thong dong, nhẹ nhõm, “nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc”. Điều đó chứng tỏ chất vấn tổng thể là một quy định đúng đắn, hiệu quả cao của luật pháp.

Ba là, chủ tọa điều hành hoạt động chất vấn.

Có thể nói, trong tất cả các kỳ, các phiên hoạt động chất vấn, chủ tọa đều điều hành mạch lạc, thẳng thắn, kiên quyết, linh hoạt, mạnh mẽ và dứt điểm. Nội quy kỳ họp cho phép chủ tọa: “Trường hợp cần thiết, chủ tọa quyết định kéo dài thời gian trả lời chất vấn” (khoản 2, Điều 17, Nội quy kỳ họp hiện hành). Chủ tọa đã thực thi chính xác quy định này: một số trường hợp cần chỉ rõ ngọn ngành của sự việc, làm tiền đề cho việc xử lý nhiều việc khác, như giải ngân đầu tư công, chủ tọa đã cho phép người trả lời lý giải thêm cho minh bạch, cho phép đại biểu tranh luận thêm để làm sáng tỏ câu chất vấn. Những chất vấn ngoài phạm vi nhưng cần thiết thì cho trả lời bằng văn bản. Nếu trả lời sót ý, sót câu thì được nhắc lại để trả lời đầy đủ. Trong thời gian điều hành, chủ tọa tập trung tư tưởng cao độ, ghi chép tỷ mỉ, gợi ý nhiều vấn đề thiết thực.

Một số hạn chế, yếu kém

Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu có quyền chất vấn và nhiều chức danh bị chất vấn đều ham nói dài. Theo Điều 17, khoản 2, Nội quy kỳ họp: “Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 2 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 5 phút”. Sau này, chủ tọa cho phép, một lần chất vấn không quá 3 phút, trả lời không quá 5 phút. Nhưng nhiều đại biểu chất vấn quá 3 phút với nhiều câu hỏi (một số đại biểu hỏi tới 3 hoặc 4 câu; hoặc 1 đến 2 câu nhưng nhiều vấn đề khác nhau) gây khó khăn cho người trả lời. Không ít trường hợp đại biểu nêu tình hình quá dài rồi mới chất vấn nên không kịp thời gian. Lại có đại biểu, giơ biển tranh luận nhưng thực ra là phát biểu như thảo luận kinh tế - xã hội. Mặc dù nửa nhiệm kỳ sau đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều trưởng, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội không tham gia chất vấn.

Người trả lời chất vấn: Bình thường 3 đại biểu chất vấn sẽ có 3 đến 5 câu hỏi; nếu theo “công thức” hỏi 1 phút, trả lời 3 phút thì một lần trả lời sẽ từ 9 đến 15 phút. Nhưng hiếm có trường hợp thực hiện đúng. Nhiều chức danh bị chất vấn nói quá thời lượng quy định (ngay lần chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2), chủ tọa đã phải nhắc cả 3 bộ trưởng một số vấn đề nói quá dài! Tình trạng này dù có thuyên giảm nhưng vẫn tồn tại đến cuối nhiệm kỳ. Một số trường hợp trả lời không bật ra được vấn đề mấu chốt (lần chất vấn tại Kỳ họp thứ 3), chủ tọa phiên họp phải nhận xét về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rằng, một số vấn đề trả lời không rõ, đại biểu chưa thỏa mãn. Còn ở Kỳ họp thứ 4, chủ tọa cũng lưu ý, đại biểu và cử tri chưa biết rõ ngân hàng đã làm những gì! Có bộ trưởng thay cho trả lời là đọc một “bài diễn văn”. Ở Kỳ họp thứ 5, chủ tọa đã nhận xét một bộ trưởng là có xu hướng đẩy việc lên Chính phủ... Nhìn chung, phương châm “hỏi nhanh - đáp gọn”, “hỏi gì - đáp nấy” chưa thực hiện được trọn vẹn.

 Chủ tọa điều hành: Dù đã khá chỉn chu nhưng trong một số lần số đại biểu đăng ký chất vấn quá lớn, chủ tọa đã tăng số đại biểu được chất vấn lên 6 người, rồi 8 người trong một đợt. Đỉnh điểm là trong lần chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ghi chép, trả lời tới 13 đại biểu chất vấn với hơn 20 câu hỏi một đợt. Trong xu thế một lần đứng lên đại biểu tranh thủ chất vấn nhiều câu thì người trả lời ghi chép không kịp, không hết ý, hoặc ghi không chính xác các nội dung câu hỏi. Như vậy sẽ dẫn đến hai hậu quả: người bị chất vấn trả lời không trọn vẹn, hai là tồn đọng nhiều chất vấn đã hỏi mà không được trả lời. Các kỳ chất vấn đều sôi động từ đầu đến cuối, nhưng cần điều chỉnh nhịp độ đồng đều, cân bằng giữa các phiên, các buổi; hạn chế tình trạng ban đầu thong dong, về sau khá cập rập...

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Hoạt động chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và thường xuyên nhằm làm sáng tỏ những vấn đề được chất vấn và xác định rõ trách nhiệm của chức danh bị chất vấn. Hoạt động chất vấn có hiệu lực, hiệu quả cao chỉ xếp sau hoạt động giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, lấy phiếu tín nhiệm chưa phải là hoạt động giám sát thường xuyên, vì vậy cũng có phần hạn chế. Mặt khác, hoạt động chất vấn thường xuyên còn bổ trợ tích cực cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư_Ảnh: TTXVN

Do đó, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là yêu cầu cần thiết khách quan của Quốc hội, làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh hơn, các chức danh cấp cao trong bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn. Theo “thông lệ”, một nhiệm kỳ có 11 kỳ họp thì kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 11 không hoạt động chất vấn. Và theo Điều 15, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành thì có hai loại hoạt động chất vấn. Đó là, hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề (diễn ra trong 7 kỳ họp) và hoạt động chất vấn tổng thể (giữa nhiệm kỳ, tại kỳ họp thứ 6 và cuối nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ 10). Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thì trước hết cần thiết phải thống nhất với nhau về nội hàm đổi mới nói chung: Đổi mới không chỉ là những vấn đề hoàn toàn mới, mà còn là những vấn đề, làm sai thì phải làm lại cho đúng; đã xác định đúng mà chưa làm thì phải làm; việc làm chưa đạt yêu cầu thì phải làm cho đúng yêu cầu đặt ra.

Thứ nhất, đổi mới việc lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn.

Trước hết cần lưu ý rằng, các bộ, cơ quan ngang bộ hiện nay được tổ chức theo mô hình bộ đa ngành, gồm rất nhiều lĩnh vực trong một bộ (Bộ Công Thương hiện tại gồm 8 bộ, tổng cục trước kia; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm 7 bộ, tổng cục trước kia...). Một trong những phương châm của hoạt động chất vấn là đi tới tận cùng của mỗi vấn đề. Nếu xác định nhóm vấn đề như vừa qua, trong một số trường hợp có nội hàm quá rộng, gồm nhiều vấn đề lớn thì chất vấn sẽ rời rạc, trả lời sẽ tản mạn, trong thời lượng hạn hẹp rất khó có thể mỗi vấn đề đều đi đến tận cùng.

Để lựa chọn tốt nhóm vấn đề chất vấn, nên quy định một số nguyên tắc, ví dụ: Số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn (thực tế nhiệm kỳ vừa qua, thời lượng dành cho một chức danh, thấp nhất là 2 giờ 30 phút; cao nhất là 3 giờ 40 phút); các vấn đề được lựa chọn chất vấn có mối quan hệ trực tiếp với nhau; là những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn đọng lâu ngày không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm; đối với hoạt động chất vấn tổng thể (theo nghị quyết các kỳ chất vấn trước đó và theo các chuyên đề đã giám sát). Như đã trình bày, sau một nửa kỳ chất vấn theo nhóm vấn đề thì gần như toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội đều đã được đề cập đến, nên khi tái chất vấn thì không khác gì thảo luận kinh tế - xã hội. Tuy sôi nổi nhưng rất tản mạn, tất cả các chủ thể (đại biểu chất vấn, người bị chất vấn, chủ tọa điều hành, cử tri theo dõi) đều phải thay đổi suy nghĩ, tư duy liên tục (lần chất vấn tổng thể cuối cùng, loạt đại biểu chất vấn thứ 13 có 7 đại biểu hỏi thì 7 nội dung hoàn toàn cách biệt nhau, đó là: cây trái có múi ở miền Trung; thẻ vàng khai thác hải sản; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; người chịu trách nhiệm về thủy điện Đắk Min; chi ngân sách cho khoa học; điện lưới địa phương và nguồn lực cho chính sách dân tộc). Chất nào thì vấn đó, nội dung khác nhau thì xử lý từng vấn đề khó thấu tình, đạt lý.

Để nâng cao chất lượng vấnđáp trong chất vấn tổng thể thì cần hệ thống hóa, phân loại các vấn đề trong các nghị quyết và trong các chuyên đề đã giám sát theo lĩnh vực và lựa chọn một số vấn đề theo các tiêu chí: Là những nhiệm vụ quan trọng của đất nước, chi phối mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống xã hội; là những vấn đề bức xúc nhưng dư luận cho rằng ít có chuyển biến; là những vấn đề liên bộ, liên ngành hay “bị bỏ trống trận địa”.

Thứ hai, đối với đại biểu có quyền chất vấn.

Trong hoạt động chất vấn: “Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể” (Điều 15, khoản 3, điểm a; Điều 26, khoản 2, điểm a, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành). Luật pháp quy định rất cô đọng, nhưng từ thực tiễn hoạt động chất vấn nhiều khóa, có thể rút ra một số vấn đề để tiếp tục đổi mới. Đó là, lựa chọn vấn đề chất vấn: Bản thân đại biểu phải có hiểu biết tới mức độ cần thiết (nắm tương đối chắc vấn đề), có nhiều thông tin, trong đó có những thông tin “đắt giá”. Hết sức tránh tình trạng mới nghe láng máng, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo đã chất vấn, nội dung chất vấn khác xa với sự thật cần được trả lời. Thông tin thu thập được phải sàng lọc, chỉ sử dụng những thông tin đáng tin cậy, bao gồm: thông tin có được từ các cuộc tiếp xúc cử tri; từ các phương tiện thông tin đại chúng; từ trong công việc bản thân; từ các cuộc giám sát; từ các báo cáo của các cơ quan nhà nước tại các kỳ họp; từ các lần thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội và nhiều nguồn khác... Đại biểu phải nắm vững phạm vi quản lý, điều hành, trách nhiệm quản lý nhà nước của người bị chất vấn để đặt và gửi câu chất vấn (hết sức tránh nhầm địa chỉ). Câu chất vấn phải ngắn, gọn, rõ ý, súc tích làm cho người bị chất vấn phải trả lời đúng ý chất vấn và phải gắn chặt với trách nhiệm của người bị chất vấn (gồm trách nhiệm tổ chức điều hành thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; trách nhiệm hoạch định chính sách, chế độ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành). Hết sức tránh diễn giải thông tin quá dài, hết cả thời lượng cho phép mà vẫn chưa bật ra được câu hỏi.

Thứ ba, đối với người trả lời chất vấn.

Ở Điều 15 và Điều 26 đã dẫn ở trên đã quy định: “Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời gian khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có)”. Trước hết phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trả lời trước Quốc hội, trước cử tri và đồng bào trong, ngoài nước. Trong quá trình quản lý, điều hành phải thường xuyên cập nhật thông tin, định kỳ sơ kết, tổng kết lĩnh vực hoặc chuyên đề phục vụ cho công việc của mình. Phải bao quát được tình hình thuộc phạm vi quản lý, điều hành của mình. Trả lời chất vấn thẳng thắn, ngắn gọn, mạch lạc, chính xác và tự xác định trách nhiệm trước công việc; trả lời các câu chất vấn theo đúng thời lượng cho phép mà Nội quy kỳ họp quy định và tuân thủ sự điều hành của chủ tọa.

Ủy viên Trung ương Đảng,  Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV_Ảnh: TTXVN

Thứ tư, đối với chủ tọa phiên chất vấn.

Chủ tọa phiên chất vấn phải thực sự bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu có quyền chất vấn và giữa những chức danh phải trả lời chất vấn (theo khoản 3, Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành). Phát huy dân chủ trong hoạt động chất vấn, nhất là trong tranh luận, giải trình. Điều hành đúng quy định của Nội quy kỳ họp; giữ nhịp độ đều đặn trong suốt kỳ chất vấn; linh hoạt trong những trường hợp cần thiết.

Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn.

 Như quy định tại Điều 15 và  Điều 26 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu được phép mang vật chứng tới phiên chất vấn. Ở Quốc hội thì chưa có, nhưng ở hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đã có một số trường hợp, trong đó có trường hợp đại biểu mang chất ô nhiễm bẩn, nước kênh rạch bị ô nhiễm vào hội trường để chứng minh cho chất vấn của mình. Có lẽ nên xem lại quy định này, mang phim ảnh, video thì được, còn vật chứng thì phải có điều kiện, nhất là đang lúc có nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có đại dịch COVID-19. Những thử nghiệm trong hoạt động chất vấn ở khóa XIV cần được tổng kết và “nội quy hóa” hoặc luật hóa để thực hiện tốt hơn. Đó là: Hỏi 1 phút, đáp 3 phút; hoặc quy định tại Điều 17 của Nội quy kỳ họp: Mỗi lần chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 2 phút; người bị chất vấn trả lời chất vấn không quá 5 phút có còn phù hợp không? Thực tế, nếu đại biểu chỉ hỏi một câu với một, hai tình tiết thì còn áp dụng được; nếu hỏi hai, ba câu với nhiều tình tiết thì không thể trả lời gói gọn trong 5 phút được. Từ đây, cần xem xét có quy định cố định số câu hỏi trong một lần chất vấn không? Quy định cố định số lần chất vấn và số câu chất vấn hay là quy định cố định thời lượng chất vấn và thời lượng trả lời chất vấn. Phương châm “hỏi nhanh, đáp gọn”, “hỏi gì, đáp nấy” cần được cụ thể hóa “nhanh, gọn” là bao lâu, trong trường hợp nào?

Quyền tranh luận là vấn đề mới xuất hiện, là “đặc sản” của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tác dụng tích cực của tranh luận đã được thừa nhận. Riêng trong hoạt động chất vấn chỉ được tranh luận giữa đại biểu có chất vấn với chức danh bị chất vấn. Khác với trong thảo luận kinh tế - xã hội, thảo luận xây dựng luật và thảo luận các dự án, đề án khác... là giữa các đại biểu có thể tranh luận với nhau. Vì vậy, cũng nên “nội quy hóa” quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội trong thảo luận, trong đó có quyền tranh luận trong hoạt động chất vấn. Một trong những đặc điểm của chất vấn tổng thể là hầu như tất cả các chức danh trong bộ máy nhà nước đều phải trả lời chất vấn, do đó kết quả của chất vấn sẽ phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, chất vấn tổng thể cần đi trước lấy phiếu tín nhiệm (ngược lại, lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành sau khi chất vấn tổng thể)./.

-----------------

(1) Gồm các bộ, cơ quan ngang bộ: Tài nguyên và Môi trường: 9 lần; Thông tin và Truyền thông: 9 lần, Nội vụ: 8 lần; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 7 lần; Tư pháp: 7 lần; Giao thông vận tải: 6 lần; Lao động - Thương binh và Xã hội: 6 lần; Kế hoạch và Đầu tư: 6 lần; Văn hóa - Thể thao và Du lịch: 5 lần; Giáo dục và Đào tạo: 5 lần; Văn phòng Chính phủ: 5 lần.