Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
TCCS - Ngày 17-6-2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-3-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương.
Đây là hội nghị quan trọng, diễn ra vào thời điểm khi cả nước và toàn Đảng đang tích cực triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại...
Trên tinh thần kế thừa và phát triển các nội dung có tính nguyên tắc, những thành tựu cơ bản gắn với yêu cầu cao hơn của giai đoạn phát triển mới, với những thời cơ vận hội mới cùng với những khó khăn, thách thức đan xen ngày càng gay gắt, nghị quyết của Bộ Chính trị lần này nhấn mạnh, bất luận trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải luôn kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân Việt Nam.
Nội dung được nhấn mạnh, có tầm quan trọng đặc biệt trong nghị quyết là: Xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân - đây là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có tính nguyên tắc và cũng là lý do tồn tại của lực lượng công an. Cùng với đó là phải ưu tiên các nguồn lực để xây dựng lực lượng công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội trong giai đoạn mới.
Nghị quyết tiếp tục khẳng định, Công an nhân dân Việt Nam là “Lá chắn” và “Thanh bảo kiếm” bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Nghị quyết lần này xác định rất rõ mục tiêu tổng quát là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng vũ trang nhân dân sắc bén, mang bản chất của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; có hệ thống tổ chức tập trung, thống nhất, chuyên sâu, xuyên suốt, tinh, gọn, mạnh; có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ; pháp chế, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; tiềm lực hậu cần, kỹ thuật hiện đại.
Nỗ lực phấn đấu để đến năm 2025, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam cơ bản phải tinh, gọn, mạnh; các lực lượng tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao tiến thẳng lên hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, lực lượng công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Về nhiệm vụ và giải pháp, nghị quyết đề ra khá đầy đủ và đồng bộ, gồm 7 nhóm vấn đề: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng công an nhân dân; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ công an nhân dân theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; đổi mới công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ huy, tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về công an nhân dân; xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế hoạt động, phối hợp của lực lượng công an nhân dân; bảo đảm tiềm lực cơ sở vật chất, trang bị hiện đại, đồng bộ; đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh, tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an. Đảng ủy Công an Trung ương và các cấp ủy đảng trong lực lượng công an phải luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng về giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện thật tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, đối ngoại; tuân thủ, thực hiện đầy đủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên tất cả các mặt công tác. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và sự quản lý, điều hành của Nhà nước. “Phải nhận thức thật đúng và tăng cường quan hệ gắn bó giữa công an với các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong thực thi nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại. Đặc biệt, quân đội và công an phải là hai lực lượng nòng cốt, thực sự là “Thanh kiếm” và “Lá chắn”, là hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước. Do đó, phải không ngừng củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa công an nhân dân với quân đội nhân dân, phối hợp nhịp nhàng cùng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc”, Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải chú trọng xây dựng lực lượng công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thật sự liêm chính, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân, vì nhân dân phục vụ; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, nghiêm minh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ khoa học - công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện, vũ khí được trang bị; được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, chiến đấu; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia giỏi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để nêu cao ý chí chiến đấu; thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ đã dạy lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, rất hệ trọng, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình; luôn luôn giữ mình cho thật trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước bất cứ sự mua chuộc, lôi kéo nào của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm những việc ti tiện, đớn hèn, làm phương hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như thế mới bảo vệ được uy tín, danh dự thiêng liêng và phát huy được truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay chính trong lực lượng công an. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong công an nhân dân để lực lượng thật sự liêm chính, thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh; không được, tuyệt đối không được cậy quyền, cậy thế, lợi dụng cương vị và nghiệp vụ công tác để làm những việc bất chính”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngay sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội cần lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh về an ninh, trật tự, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ và cơ chế, chính sách phù hợp cho việc tổ chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của lực lượng công an nhân dân; ưu tiên phân bổ ngân sách bảo đảm xây dựng lực lượng công an nhân dân theo lộ trình, mục tiêu đề ra. Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng công an nhân dân. Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh uỷ, thành uỷ tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện thật tốt nghị quyết ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Với những nỗ lực và quyết tâm cao, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; với đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành, tận tuỵ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng phải đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. “Toàn thể lực lượng Công an nhân dân Việt Nam hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí của mình và thực hiện cho bằng được lời thề: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV  (16/06/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Đảng Mặt trận Giải phóng Mozambique, Tổng thống Mozambique  (06/06/2022)
Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế  (05/06/2022)
Vai trò của lực lượng công an nhân dân bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới ở tỉnh Quảng Ninh  (27/05/2022)
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam  (20/05/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội  (12/05/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển