Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Kịp thời quyết định vấn đề cấp bách để phục hồi kinh tế - xã hội
TCCS - Ngày 4-1-2022, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách để vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả. Kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11-1-2022, với bốn nội dung quan trọng, được các đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hình thức điện tử.
Tham dự phiên khai mạc tại Hội trường Diên Hồng có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia phiên họp trực tuyến từ 62 điểm cầu.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2021 và nhất là quý III-2021, đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 là yếu tố quan trọng giúp tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Trong kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch bệnh COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khuôn khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063km, quy mô từ 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết vùng.
Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Dự án các luật này đã được cả các cơ quan Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị công phu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Đây là dự án luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.
Thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi; do đó, đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để kỳ họp thành công, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Tiếp theo phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe trình bày các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục các phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.
Bế mạc Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (21/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ  (19/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Hàn Quốc, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ  (15/12/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc  (15/12/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên