Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
TCCS - Ngày 19-11-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri của thành phố để thông báo kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu Văn phòng Chính phủ với các điểm cầu tại 57 xã, phường, thị trấn; 9 quận, huyện và Thành ủy Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, sau khi đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại kỳ họp này, cử tri thành phố Cần Thơ đã phát biểu ý kiến, phản ánh, kiến nghị về nhiều vấn đề quan tâm.
Cử tri thành phố Cần Thơ vui mừng vì Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp; hoàn thành toàn bộ chương trình. Đặc biệt, Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp để khơi dậy tiềm năng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, quyết định những vấn đề chiến lược, dài hạn. Chính phủ đã có các giải pháp và chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sát sao để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, cả nước dần trở lại trạng thái "bình thường mới".
Cử tri thành phố Cần Thơ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ có ý kiến, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư kết cấu hạ tầng cho thành phố Cần Thơ, cũng như cả vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát triển khu vực này, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông vận tải đường thủy, xây dựng tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau.
Một số ý kiến đề nghị có cơ chế thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân Cần Thơ, giữ chân lao động ở lại địa phương; xây dựng các cơ sở nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành nông nghiệp tại Cần Thơ để đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố và đồng bằng sông Cửu Long.
Cử tri phản ánh tình trạng một số hành vi cạnh tranh gây ảnh hưởng đến xuất khẩu và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới; tình trạng gian lận thương hiệu, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, nhất là vật tư nông nghiệp, gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng nông sản; tình trạng giá xăng dầu và vật tư nông nghiệp tăng, song nông sản lại khó tiêu thụ,…
Đặc biệt, theo cử tri thành phố Cần Thơ, để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nên tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, góp phần tạo việc làm, kích cầu để phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khôi phục sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó có củng cố y tế cơ sở, có chế độ động viên cán bộ y tế cơ sở...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, cảm ơn những ý kiến thẳng thắn của cử tri Cần Thơ; chia sẻ những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp Cần Thơ đã và đang phải trải qua do dịch COVID-19 gây ra; đánh giá cao những nỗ lực, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt cảm ơn lực lượng trên tuyến đầu của thành phố trong phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế.
Thủ tướng cho biết sẽ cùng với các đại biểu Quốc hội tiếp tục góp sức lực, trí tuệ, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, sát cánh cùng Cần Thơ từng bước giải quyết những vấn đề đặt ra, cùng Cần Thơ phát triển; mong muốn người dân Cần Thơ đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa; đã quyết tâm rồi, quyết tâm hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện dự thảo, báo cáo cấp có thẩm quyền “Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19” và “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Trên cơ sở đó làm căn cứ phát triển đất nước trong tình hình mới.
Đối với Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã, đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, xây dựng các quy hoạch theo từng lĩnh vực và quy hoạch tổng thể; đồng thời đang trình cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư, thu hút đầu tư, trong đó có giải phóng mặt bằng để thúc đẩy các dự án đầu tư...
Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng ghi nhận và sẽ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng xem xét, có giải pháp. Thủ tướng cho biết trong thời gian qua, để đáp ứng với tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và Bộ Y tế hết sức quan tâm và ưu tiên phân bổ vaccine cho các địa phương thuộc khu vực này. Tính đến ngày 15-11-2021, tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được phân bổ trên 27,5 triệu liều vaccine các loại, đáp ứng 106% nhu cầu vaccine tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; đã triển khai tiêm chủng được 18,9 triệu liều (tỷ lệ tiêm mũi 1 là 91,7%, mũi 2 là 53,2% người từ 18 tuổi trở lên). Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục phân bổ để tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 100% người từ 18 tuổi trở lên và vaccine tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Về vấn đề ổn định giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, Thủ tướng cho biết đã giao các bộ, ngành triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là vào những tháng cuối năm.
Trước phản ánh về tình trạng sạt lở ở Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình trạng sạt lở nói riêng và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung là vấn đề trăn trở của Chính phủ trong nhiều nhiệm kỳ. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có giải pháp tổng thể để thích ứng hiệu quả.
Về tình trạng gian lận trong kinh doanh, tình trạng buôn bán hàng giả, kém chất lượng, trong đó có kẽ hở trong quản lý cấp phép xuất khẩu gạo, cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới thương hiệu gạo Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp làm ăn chân chính nói riêng, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận phản ánh đồng thời sẽ cho kiểm tra lại để chấn chỉnh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với đề nghị đầu tư, xây dựng các cơ sở kinh tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực..., Thủ tướng hoan nghênh các ý kiến của cử tri và cho rằng đây là đòi hỏi chính đáng và cần thiết nhằm phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ nói riêng, do đó sẽ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương nghiên cứu, thực hiện, trước mắt là nâng cấp, củng cố các cơ sở hiện có để có thể phục vụ ngay các yêu cầu, nhiệm vụ.../.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng  (18/11/2021)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc  (15/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng  (15/11/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11  (15/11/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam