Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ
TCCS - Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 22; Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24; Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 9.
Cùng dự hội nghị có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Thư ký ASEAN và lãnh đạo các nước ASEAN.
Tại Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 22, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN; nhấn mạnh ASEAN là trọng tâm ưu tiên trong Chính sách hướng Nam mới tăng cường (NSPP) của Hàn Quốc; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Hàn Quốc khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN ứng phó với dịch bệnh, thông báo đóng góp bổ sung thêm 5 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, đồng thời công bố Sáng kiến Y tế công cộng và vaccine ASEAN - Hàn Quốc gắn với việc tổ chức thường xuyên Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN - Hàn Quốc bắt đầu triển khai từ năm nay.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao tiến triển tích cực trong quan hệ ASEAN - Hàn Quốc thời gian qua, cũng như sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Hàn Quốc. Trong thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục dành ưu tiên hợp tác ứng phó dịch COVID-19, đi đôi với thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững. Hai bên khẳng định triển khai đầy đủ Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và nhấn mạnh nỗ lực sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Tăng cường hợp tác ASEAN - Hàn Quốc vì Cộng đồng hòa bình và thịnh vượng với người dân ở vị trí trung tâm.
Phát biểu thay mặt ASEAN, với tư cách nước điều phối quan hệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ hơn ba thập kỷ qua, đạt được nhiều thành quả quan trọng, thực chất, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng tại khu vực. Bất chấp những tác động từ dịch COVID-19, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều mặt, trong đó có hợp tác chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, văn hoá, xã hội và phối hợp ứng phó đại dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất một số ưu tiên mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc trong thời gian tới. Theo đó, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát và đẩy lùi hiệu quả đại dịch COVID-19 để bảo đảm thành công mục tiêu hợp tác vì người dân và thịnh vượng; phối hợp hình thành chuỗi cung ứng tự chủ về vaccine phòng COVID-19 ở khu vực; nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế; đánh giá cao các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với Chính phủ và người dân các nước trong khu vực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định; hỗ trợ bảo hộ công dân mỗi bên.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi Hàn Quốc phát huy thế mạnh về công nghệ số, kinh tế số hỗ trợ ASEAN chuyển đổi số, đồng thời hỗ trợ ASEAN phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó có thông qua Đối tác Mê Công - Hàn Quốc; nhấn mạnh duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh môi trường chiến lược khu vực và quốc tế biến đổi phức tạp, khó lường hiện nay, ASEAN và Hàn Quốc cần phối hợp chặt chẽ, đề cao luật lệ, luật pháp quốc tế, cùng củng cố cấu trúc khu vực rộng mở và minh bạch trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Với tinh thần đó, ASEAN và Hàn Quốc cần tiếp tục phối hợp, đóng góp trách nhiệm cho nỗ lực ứng phó các thách thức an ninh ở khu vực, như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên…
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24, các nước ASEAN và Trung Quốc đã kiểm điểm hợp tác thời gian qua, nhất trí rằng quan hệ ASEAN - Trung Quốc phát triển sâu rộng, đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các mặt. Hợp tác ứng phó COVID-19, thúc đẩy phục hồi sau dịch là những biểu hiện rõ nét của sự phát triển này.
Xuất phát từ nhận thức coi trọng quan hệ láng giềng, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc chủ trương sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN ứng phó dịch, bày tỏ mong muốn phối hợp cùng ASEAN phục hồi thành công. Thủ tướng Trung Quốc đề xuất hai bên lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu và phát triển y tế công cộng ASEAN - Trung Quốc nhằm chia sẻ các thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng phòng, chống dịch; đồng thời công bố Trung Quốc bổ sung 10 triệu USD cho Quỹ Hợp tác ASEAN - Trung Quốc.
Trao đổi về tình hình khu vực và thế giới, hội nghị khẳng định môi trường hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của các nước. Trên cơ sở đó, các nước cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, nỗ lực thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua 30 năm quan hệ hữu nghị, 25 năm đối tác đối thoại, 18 năm đối tác chiến lược, ASEAN và Trung Quốc đã tạo dựng được nền tảng hợp tác toàn diện, phong phú và thực chất trên mọi lĩnh vực, là đối tác truyền thống hàng đầu của nhau, thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của hai bên cùng nhau vun đắp quan hệ trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các bên cần chung tay, trách nhiệm, tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao Trung Quốc đã chia sẻ, giúp đỡ các nước, trong đó có Việt Nam kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhanh chóng khôi phục hàng không, du lịch, các chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực, tạo thuận lợi di chuyển an toàn của người dân, doanh nhân; bày tỏ mong muốn Trung Quốc, với vị thế của mình, sẽ hỗ trợ ASEAN phát huy vai trò trung tâm, củng cố lòng tin chiến lược, kiến tạo môi trường hữu nghị, ổn định, thuận lợi cho hợp tác cùng phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tái khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông và cũng đề nghị cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC, đẩy mạnh thương lượng xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, vì một Biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về Hợp tác hỗ trợ khung phục hồi tổng thể ASEAN và Tuyên bố chung ASEAN về Hợp tác phát triển bền vững và xanh.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 9, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác nhiều mặt giữa hai bên thời gian qua, nhất trí dành ưu tiên cho sự phối hợp kiểm soát hiệu quả COVID-19, hỗ trợ lẫn nhau phục hồi bền vững. Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, tiếp tục cung cấp vaccine, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine và thuốc điều trị COVID-19. Trước những diễn biến phức tạp tình hình khu vực và thế giới, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định cam kết coi trọng quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ có tầm quan trọng đặc biệt với tương lai của khu vực có hơn 1 tỷ người dân, cũng như đối với an ninh và thịnh vượng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực trật tự, dựa trên luật lệ và các giá trị, nguyên tắc nêu trong Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).
Tổng thống Joe Biden cho biết, Hoa Kỳ đã tài trợ hơn 200 triệu USD cho các nỗ lực ứng phó COVID-19 và cung cấp 40 triệu liều vaccine cho các nước trong khu vực, tiếp tục hỗ trợ các nước ứng phó đại dịch và triển khai Sáng kiến Tương lai y tế ASEAN - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố chương trình trị giá 102 triệu USD với các sáng kiến mới tăng cường hợp tác với ASEAN. Tổng thống Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của ASEAN thời gian qua thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình, đồng thời ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS 1982.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ trên cả 3 khía cạnh: An ninh, phục hồi kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, bao trùm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định sự hiện diện tích cực, xây dựng của các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ, là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, hợp tác, phát triển, an ninh trong khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ASEAN mong được chia sẻ và tham vấn đầy đủ về các thỏa thuận có thể tác động đến cân bằng ở khu vực, từ đó tránh các nghi kỵ, duy trì được lòng tin. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy hợp tác đa phương, ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là trong những nội dung như phát triển kinh tế số, phát triển xanh và biến đổi khí hậu. Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực của Hoa Kỳ dành cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam ứng phó với COVID-19. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ nâng cao khả năng cảnh báo sớm về các tình huống y tế khẩn cấp, thông qua Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại Hà Nội; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp sản xuất vaccine, thuốc chữa bệnh của Hoa Kỳ nhanh chóng cung cấp các hợp đồng mua vaccine của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đề cập tới phục hồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác khôi phục các dòng chảy thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận trở lại thị trường của nhau, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối vùng miền thông qua các chương trình, dự án trong khuôn khổ Đối tác Mê Công - Hoa Kỳ, Sáng kiến hội nhập ASEAN…, bổ trợ hiệu quả cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đối với các "điểm nóng" về an ninh, trong đó có Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc tiếp cận mang tính xây dựng và hành xử trách nhiệm đóng vai trò quan trọng, giúp hóa giải nguy cơ, đóng góp cho ổn định và phát triển. Thủ tướng Chính phủ bày tỏ trông đợi Hoa Kỳ tham gia tích cực và hợp tác với ASEAN trong bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi tranh chấp, khác biệt được giải quyết hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ điều chỉnh các hành vi và hoạt động trên biển và đại dương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ những quan ngại của Hoa Kỳ và mong Hoa Kỳ ủng hộ ASEAN đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững cho Myanmar.
Kết thúc Hội nghị, hai bên thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ về phát triển số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số trong ASEAN.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng hội nghị cấp cao với các đối tác là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá, triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.
Việc tham gia các Hội nghị cấp cao ASEAN lần này của Việt Nam cũng thể hiện rõ mong muốn của Việt Nam là đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39  (27/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  (24/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh Phú Thọ, Sóc Trăng, Cà Mau nhanh chóng kiểm soát ổ dịch mới  (20/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch là hành động thiết thực tri ân lực lượng tuyến đầu  (19/10/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam