Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
TCCS - Ngày 1-9-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2921). Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại trụ sở Chính phủ và 194 điểm cầu trên thế giới.
Dự lễ kỷ niệm tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội.
Dự lễ kỷ niệm tại 194 điểm cầu trên thế giới có các đại sứ, trưởng các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ôn lại thời khắc lịch sử cách đây 76 năm, vào ngày 2-9-1945, tại cuộc mít tinh trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của Nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Việt Nam luôn tích cực ủng hộ và phấn đấu, trách nhiệm cho hòa bình, quan hệ bình đẳng và sự phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập, vượt qua bao khó khăn, thách thức, với sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, hiệu quả của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn sự đồng hành, ủng hộ hiệu quả, thiết thực của các quốc gia, bạn bè, các tổ chức và cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa với những biến đổi nhanh chóng, khó lường. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát trong gần hai năm qua gây ra những thiệt hại nặng nề đối với các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, nhất là sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân, làm suy thoái kinh tế toàn cầu; gia tăng thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu an ninh, an toàn cho người dân… Bên cạnh đó là những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột tại nhiều khu vực, khủng bố, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số… Chúng ta đang đứng trước những cơ hội không nhỏ, nhưng đi liền là những thách thức đan xen và ngày càng phức tạp, khó lường.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và với ý chí, tinh thần quật cường của cả dân tộc, Việt Nam đã và đang chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống dịch hiệu quả và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho nhân dân, trong đó có người nước ngoài đang làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam. Việt Nam trân trọng cảm ơn các quốc gia, bạn bè, tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua; trong đó phải kể đến khối lượng lớn vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế mà Việt Nam đã nhận được. Đồng thời, cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng và trân trọng đề nghị các quốc gia, tổ chức quốc tế trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác quốc tế, chia sẻ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm, tài chính, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc điều trị, và đặc biệt là sự hỗ trợ về vaccine cho Việt Nam một cách nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các bạn tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác về giao thông, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các nước, không để bị đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn từ nay tới năm 2025, năm 2030 và nhất là tới năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được để phát triển nhanh và bền vững đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Đặc biệt, Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng quốc tế cùng Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực: Vì một thế giới hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng! Vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước và nhân dân Việt Nam! Vì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức và bạn bè quốc tế!.
Phát biểu trực tuyến tại lễ kỷ niệm, ngài Đại sứ Saadi Salama, Trưởng Đoàn Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình 76 năm trước đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới trên con đường phát triển. Đã 76 năm trôi qua, dấu mốc ấy vẫn luôn là nguồn sáng, nguồn cảm hứng vẹn nguyên giá trị. Đất nước Việt Nam có quyền tự hào vì những nỗ lực không ngừng nghỉ để giữ vững lý tưởng về độc lập, tự do và hạnh phúc trước vô vàn thách thức của thời đại.
Đại sứ Saadi Salama bày tỏ sự cảm kích đối với Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam vì sự đồng hành, hỗ trợ và lòng mến khách dành cho những nhà ngoại giao trong công việc cũng như cuộc sống. Đồng thời, luôn sẵn sàng và quyết tâm tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố, thúc đẩy và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế, hướng đến mục tiêu chung vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội  (01/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần có các giải pháp để khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai  (31/08/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Thái Lan  (31/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển