Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: An ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu
TCCS - Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 9-8-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề “Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” do Thủ tướng Ấn Độ chủ trì. Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển.
Tham dự phiên thảo luận, ngoài Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, còn có nhiều nhà lãnh đạo các nước như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, Tổng thống Cộng hòa Congo Félix-Antoine Tshisekedi Tshilombo...
Tại phiên thảo luận mở cấp cao, lãnh đạo cấp cao và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các tổ chức Liên hợp quốc đều bày tỏ quan ngại về những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh, an toàn biển như khủng bố, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, buôn bán ma túy, vũ khí trên biển, ô nhiễm môi trường biển, tranh chấp chủ quyền quốc gia... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển và tác động tiêu cực đến thương mại, kinh tế quốc tế; cho rằng cần tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức trên, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phát huy các sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm tăng cường an ninh biển.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biển và đại dương là nguồn tài nguyên to lớn của nhân loại, là huyết mạch của giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối các quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia, dân tộc; khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là "Hiến pháp về biển và đại dương" có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và là cơ sở hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức an ninh trên biển ngày càng phức tạp như khủng bố, tội phạm có tổ chức, ô nhiễm môi trường biển, những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương cũng như những nỗ lực chung xử lý các thách thức an ninh biển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ba đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển.
Thứ nhất, cần có nhận thức toàn diện và đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển, khai thác bền vững nguồn lợi từ biển.
Thứ hai, an ninh biển là vấn đề toàn cầu nên cần có giải pháp toàn cầu; tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể trên cơ sở hợp tác đối thoại và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ và khuôn khổ nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung. Việt Nam đánh giá cao vai trò và đang tích cực tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác thực chất trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh trên biển ở khu vực.
Thứ ba, chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền, lợi ích và hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, và bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tránh có các hoạt động làm phức tạp tình hình, gây căng thẳng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là một quốc gia ven biển, Việt Nam nhận thức rất sâu sắc giá trị to lớn của biển cũng như những thách thức đặt ra đối với an ninh biển. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển để khai thác bền vững và có trách nhiệm các nguồn lợi từ biển phục vụ phát triển, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm xử lý tốt các vấn đề trên biển, đóng góp tích cực vào duy trì môi trường hòa bình, an ninh, sinh thái và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm cùng ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đàm phán xây dựng tiến tới đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tại phiên thảo luận, Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an với nội dung chính là kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, an toàn biển; ghi nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; khuyến khích Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ các quốc gia nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý các nguy cơ về an ninh biển./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, với phương châm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”  (09/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19  (02/08/2021)
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19  (31/07/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Cuba  (30/07/2021)
Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thăm chính thức Việt Nam  (30/07/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển