Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chuyến công tác tại vùng tâm dịch miền Nam
TCCS - Ngày 30-7-2021, tiếp tục chuyến công tác tại vùng tâm dịch COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố Hồ Chí Minh, thăm một số cơ sở y tế và làm việc tại tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dự buổi làm việc có đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo một số bộ, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần gửi lời hỏi thăm đến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 18 địa phương khác ở phía Nam đang vất vả chống chọi với đại dịch toàn cầu COVID-19. Chủ tịch nước cho rằng với đặc thù quy mô hơn 10 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh, việc chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Chủ tịch nước biểu dương lãnh đạo, hệ thống chính trị thành phố đã có những quyết định kịp thời, đa dạng, phong phú để phòng, chống dịch bệnh, kịp thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kịp thời xây dựng 16 bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, tổng số lên đến gần 50 nghìn giường bệnh.
Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đánh giá cao các địa phương, các bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ thành phố trong thời gian qua, trong đó, tính đến nay đã có 10 nghìn cán bộ y tế, sinh viên ngành y dược vào thành phố hỗ trợ chống dịch. Những hình ảnh người dân cả nước chia sẻ từng mớ rau, quả trứng, cân gạo cho thành phố và người dân khu vực phía Nam, nói lên tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, thể hiện văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta.
Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu trước hết, trên hết và quan trọng nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe và an toàn sức khỏe của nhân dân thành phố, giảm tối đa số ca tử vong. "Chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để lo vấn đề này. Còn chống lây nhiễm thì tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản chỉ đạo của chúng ta đã đủ, vấn đề cốt lõi là tổ chức thực hiện", Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm sâu sắc việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 bởi vẫn có tình trạng di chuyển trên đường phố còn đông. Cùng với đó, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, giãn cách phải gắn chặt với việc chăm lo đời sống cho người dân để nhân dân tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp chống dịch. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu từ thôn, xã, phường nếu để người dân bị thiếu đói, trong khi nguồn lực được bảo đảm. Bên cạnh đó, cần kịp thời khen thưởng người làm tốt, đi đôi với phải xử lý kỷ luật nghiêm người chưa có trách nhiệm cao với dân.
Chủ tịch nước nêu rõ, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, hệ thống chính trị ở cơ sở, tất cả các tổ chức thực hiện thiện nguyện đều phải chung tay. Không được để dân đói, không được để dân ốm mà không có người chăm sóc. Không được để người dân thiếu cùng cực, bảo đảm điện, nước, viễn thông, an ninh, trật tự cho người dân. Lực lượng thiện nguyện trên địa bàn cần được tổ chức cấp thẻ, được tiêm vaccine như lực lượng tuyến đầu.
Chủ tịch nước đề nghị thành phố phải chủ động hơn nữa trong việc cấp thẻ cho các đối tượng để đưa hàng hóa, vật tư các loại, cấp cứu một cách chủ động, không được để bị động, trong đó có lái xe taxi, shipper.
Hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mô hình các tổ lưu động trả lời câu hỏi của người dân về dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý thành phố nên có bác sĩ tư vấn tại chỗ cho người dân ở mỗi khu phố; tổ chức đường dây nóng hiệu quả, không để tình trạng người dân gọi mà không có người trả lời, gây tâm lý hoang mang. Cùng với đó là tổ chức lực lượng xe đưa người đi cấp cứu kịp thời hơn nữa, không chỉ tập trung cho bệnh nhân COVID-19 mà còn là với bệnh nhân bệnh nặng khác.
Chủ tịch nước yêu cầu thành phố tăng mạng lưới điều trị không chỉ bệnh nhân COVID-19 mà cả các bệnh khác theo từng tầng, từng lớp, từ nhẹ lên nặng. Tổ (phòng, chống) COVID-19 cộng đồng cần phải hoạt động đều tay ở mọi khu dân cư, mọi tổ dân phố. Bất kỳ ai có triệu trứng nhiễm bệnh nặng phải được hỗ trợ kịp thời ngay. Ai bệnh mức nào thì được chuyển ngay đến cơ sở y tế mức đó. Chủ tịch nước yêu cầu thành phố không được để tình trạng người nhiễm bệnh báo tin, nhất là bệnh nặng, mà không được chính quyền và cơ sở y tế quan tâm. Không được để tình trạng người ốm không được chăm sóc, không chỉ lo điều trị mà phải lo giảm số người bị nhiễm, từ đó giảm số người tử vong. Thậm chí việc giãn cách phải đưa lên đầu tiên để giảm số người bị bệnh.
Nhận định có thể sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh mới ở đỉnh dịch, Chủ tịch nước yêu cầu thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Trước tình trạng việc tiêm vaccine còn triển khai chậm, Chủ tịch nước chỉ đạo thành phố đẩy nhanh việc tiêm vaccine đã được phân bổ và nhấn mạnh, nếu triển khai tiêm chậm là có lỗi với nhân dân.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành tạo thuận lợi cho việc thử nghiệm vaccine sản xuất trong nước, nếu đạt tiêu chuẩn thì sớm cấp phép lưu hành. Trong việc tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, không được để có tình trạng “phần dễ về mình, phần khó về người”.
Tán thành với Thành phố Hồ Chí Minh về việc cần tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ sau ngày 1-8-2021 tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo thành phố, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, có giải pháp tái thiết mạnh và đồng bộ sau giãn cách.
Nêu vấn đề "Một vùng biển lặng không tạo ra được thủy thủ giỏi giang”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang trong vùng biển dữ, nhưng với lịch sử truyền thống cách mạng, với sự năng động, sáng tạo, thành phố nhất định sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cho biết đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh được 103 tỷ đồng và 10 máy thở cùng nhiều vật tư y tế, trong đó, các doanh nghiệp ngành ngân hàng hỗ trợ 50 tỷ đồng, Ngân hàng Sacombank hỗ trợ 30 tỷ đồng, doanh nghiệp nước ngoài ủng hộ 1 triệu USD.
Buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch nước tiếp tục làm việc với tỉnh Bình Dương. Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, riêng trong đợt dịch thứ 4 này, tỉnh có khoảng 8.900 ca mắc trong cộng đồng, 47 ca tử vong. Hiện tại, tỉnh có gần 18.900 người đang được cách ly tập trung và gần 290 F1 đang tự cách ly tại nhà. Kể từ ngày 19-7-2021, tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn tỉnh, yêu cầu mọi người dân không ra khỏi nhà sau 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Điều đáng lo ngại ở Bình Dương là trong số 46 ổ dịch có 42 nguồn dịch không rõ nguồn lây.
Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành phát biểu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi, động viên đến toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương, chia sẻ về những khó khăn mà bà con Bình Dương đang nỗ lực khắc phục, vượt qua trong cuộc chiến phòng, chống dại dịch COVID-19.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Bình Dương là có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của nền kinh tế Việt Nam, là tỉnh có mật độ dân cư đông, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, là nơi giao thương của Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, do đó việc phòng, chống dịch COVID-19 gặp không ít khó khăn. Thực tế đó đòi hỏi tỉnh phải có những biện pháp hiệu quả, thực hiện mục tiêu kép nhưng trên hết và trước hết là bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế tốc độ lây nhiễm và đặc biệt là nêu cao tinh thần trách nhiệm, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong.
Do đặc thù của Bình Dương là mật độ dân cư đông, lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát mạnh. Chủ tịch nước đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc nghiên cứu áp dụng các chính sách hiệu quả mà Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện, nhằm giảm tải, không phá vỡ hệ thống y tế của Bình Dương. Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và chỉ đạo Bình Dương cần thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt.
Cho rằng Bình Dương vẫn còn "thời gian vàng", Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh cần siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là khi một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hạn chế ca lây nhiễm và không dẫn đến quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn.
Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh đang thực hiện phong tỏa có hiệu quả, song khi thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội thì không được để người dân thiếu đói, ốm đau không có người chăm sóc; huy động cao nhất các nguồn lực từ Nhà nước, địa phương và các nhà hảo tâm để chung tay hỗ trợ các vùng khó khăn.
Cùng với việc nhanh chóng triển khai, đưa các bệnh viện dã chiến vào hoạt động, Chủ tịch nước tán thành với đề nghị của ngành y tế về việc Bình Dương cần huy động bệnh viện tư, các y, bác sĩ đã nghỉ hưu cùng tham gia chống dịch. Cùng với đó là tăng cường sàng lọc xét nghiệm, mở rộng thu dung điều trị, đẩy mạnh tiêm vaccine. Đặc biệt là thực hiện “3 tầng, 5 lớp” để phân loại, giảm tải cho hệ thống y tế. Những ca nặng phải được cấp cứu kịp thời hơn, nên không để thiếu máy thở và ô xy; không được để F0 đến bệnh viện mà không nhận, gọi điện thoại không trả lời.
Cùng với phát huy phương châm "4 tại chỗ", Bình Dương cần nghiên cứu phương châm "5 tại chỗ" của Thành phố Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tuyên truyền đúng, đủ, dễ hiểu để người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, từ đó giữ và mở rộng “vùng xanh” và thu hẹp “vùng đỏ”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh cùng với việc thực hiện mục tiêu kép thì phải đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe của người lao động, an toàn thì mới sản xuất, chưa an toàn thì tạm thời dừng hoạt động.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam phòng, chống COVID-19.
Trước đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm làm việc tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phòng, chống dịch, đồng thời tặng 3 tỷ đồng và một số vật tư y tế huy động từ các nhà hảo tâm. Chủ tịch nước cũng thăm bệnh viện dã chiến tỉnh Bình Dương, Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thuận Hòa, động viên các y, bác sĩ trong việc thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19  (31/07/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (29/07/2021)
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19  (29/07/2021)
Tăng cường độ, mật độ kiểm tra, giám sát để duy trì 15 ngày giãn cách  (28/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên