Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI
TCCS - Ngày 28-7-2020, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI.
Tham dự lễ trao giải có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Võ Văn Thưởng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng…
Thay mặt Ban Tổ chức giải, đồng chí Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại cho biết, được chính thức phát động từ ngày 27-11-2019 đến 30-6-2020, giải thưởng năm 2020 nhận được khoảng 1.300 tác phẩm dự thi, tăng hơn 37% so với mùa giải trước. Trong đó có 574 tác phẩm báo in và điện tử tiếng Việt, 142 tác phẩm báo in và điện tử tiếng nước ngoài; 268 tác phẩm phát thanh và truyền hình; 164 tác phẩm ảnh; 108 cuốn sách; 31 video clip và các sáng kiến, ý tưởng sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Các tác phẩm được thể hiện bằng 17 ngôn ngữ khác nhau, tăng 4 ngôn ngữ so với mùa trước. Đối tượng tham gia giải thưởng ngày càng đa dạng, bao gồm các nhà báo, cộng tác viên các cơ quan báo chí, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà xuất bản, nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và các nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đồng chí Bùi Trường Giang, điểm mới nổi bật của giải thưởng lần thứ VI là sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, các nghệ sĩ với những video clip, các sáng kiến, ý tưởng và các sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại có tính lan tỏa cao, thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nước bị phong tỏa, ảnh hưởng lớn đến công tác tham gia giải, ban tổ chức vẫn nhận được 30 bài viết, tác phẩm của phóng viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản nước ngoài và của người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ sự lan tỏa sâu rộng của giải thưởng cũng như kết quả triển khai công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Các tác phẩm dự thi lần này có chất lượng chuyên môn cao, chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, đề cập mọi vấn đề của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm tính thời sự, kịp thời truyền tải đến người dân trong nước, bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài thông tin về các sự kiện chính trị, đối ngoại lớn của đất nước, các hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật; hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, mến khách. Nhiều tác phẩm được ban tổ chức Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI đánh giá cao, để lại dấu ấn đậm nét trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đến với nhân dân, bạn bè trên thế giới.
Bên cạnh các sản phẩm chất lượng của những cơ quan báo chí, xuất bản lớn ở Trung ương, như Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, chất lượng tác phẩm các cơ quan báo chí, xuất bản của ngành, địa phương với góc nhìn thực tiễn cũng được nâng cao; phản ánh các hoạt động đối ngoại, những nét đặc sắc, riêng biệt của địa phương ra thế giới.
Phát biểu tại lễ trao giải, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng thành công của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI và các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải; biểu dương ban tổ chức đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với sự gia tăng về số lượng, chất lượng các tác phẩm tham dự được nâng lên rõ rệt, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc với nội dung phong phú, phản ánh sinh động các sự kiện đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 - giai đoạn mà thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, nhất là đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này, công tác thông tin đối ngoại đã tranh thủ được nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đầu năm 2019, Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội. Trong năm 2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm những trọng trách đối ngoại quan trọng, như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đặc biệt, với những thành công trong “cuộc chiến chống COVID-19”, đất nước ta được đông đảo báo chí, dư luận truyền thông quốc tế đánh giá cao trong công tác chống dịch COVID-19 thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, sự phát triển của các sản phẩm thông tin đối ngoại về Việt Nam, trong đó có cả các tác phẩm của các tác giả người nước ngoài, có nhiều nguyên nhân. Song, nguyên nhân chính là vị thế của đất nước, là những nỗ lực, quyết tâm của toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đó là những thành quả của 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, của 75 năm từ những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, của 45 năm từ khi non sông thu về một mối và của 35 năm không ngừng đổi mới và phát triển.
“Thành quả đó càng được tô đậm trong thời gian qua, khi mà cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19, thách thức toàn cầu vô cùng lớn đối với nhân loại. Chính trong “cơn sóng thần đại dịch” đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật trong phòng, chống đại dịch. Đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong, các bệnh nhân rất nặng đã được cứu sống. Những ngày gần đây chúng ta rất lo lắng khi các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã phát hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, ngay lập tức Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã chỉ đạo rất kịp thời, vào cuộc nhanh và hiện đang tích cực thực hiện các biện pháp đúng đắn từ kinh nghiệm trong đợt phòng chống dịch những tháng đầu năm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI diễn ra trong thời điểm đặc biệt. Năm 2020 là năm then chốt hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đề ra, năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm có những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước. Về đối ngoại, đây là năm Việt Nam đảm nhiệm những trọng trách đối ngoại to lớn và hết sức nặng nề. Các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại đó được triển khai trong bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, thậm chí thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra là chưa từng có.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị công tác thông tin đối ngoại cần góp phần quan trọng trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kết hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nghị viện, đối ngoại nhân dân; giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại nhằm góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đối ngoại cần chủ động “biến thách thức thành thời cơ”, tranh thủ cơ hội quý giá về thông tin đối ngoại mà đất nước ta có được trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; vừa khẳng định sự lãnh đạo vững vàng của Đảng ta, vừa thu hút mọi nguồn lực để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại ở cả trong và ngoài nước, của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương và ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại các cấp, hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các phương thức truyền thông đối ngoại, trong đó chú trọng việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế về thông tin đối ngoại, tranh thủ các đối tác thông tấn, báo chí lớn, các kênh truyền thông quốc tế uy tín…
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, những đổi mới, sáng tạo của mùa giải này sẽ là nền tảng quan trọng để các mùa giải sau ngày càng hấp dẫn hơn, thu hút được sự tham gia đông đảo hơn nữa của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như của bạn bè quốc tế./.
Tạp chí Cộng sản giành giải Ba loại hình sách với tác phẩm “Văn hóa đối ngoại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” của PGS, TS. Vũ Trọng Lâm (chủ biên), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2019 (ngôn ngữ: tiếng Việt - tiếng Lào - tiếng Trung Quốc); giải Ba loại hình báo in với tác phẩm "Loạt bài: Thương mại Việt Nam - Liên minh Châu âu" của nhóm tác giả Giang Linh, Vũ Thị Thu Hương, Nguyên Thảo, Thanh Nam, Trần Mai, đăng trên chuyên san Hồ sơ - sự kiện (ngôn ngữ: tiếng Việt)./.
Khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (14/07/2020)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị thường trực hội đồng nhân dân khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long  (12/07/2020)
Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh  (12/06/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam