Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020
TCCS - Ngày 25-12-2019, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, nội vụ.
Báo cáo tại Hội nghị chỉ rõ những kết quả nổi bật của ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2019:
(1) Tham mưu tổ chức triển khai quyết liệt, tích cực, toàn diện, có hiệu quả các nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ và các quy định về nêu gương, nổi bật là việc triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu thu được kết quả tích cực trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đã mang lại hiệu quả rõ nét, thiết thực. Đã giảm được 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ và tương đương; hơn 2.600 phòng và tương đương; hàng trăm đầu mối trực thuộc tỉnh, gần 500 đầu mối trực thuộc huyện; giảm hơn khoảng 15 nghìn lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó các cấp so với năm 2017. Giảm hơn 236 nghìn (6,58%) công chức, viên chức, 41 nghìn hợp đồng 68, hơn 25 nghìn (12,84%) người hoạt động không chuyên trách cấp xã và hơn 100 nghìn (13,88%) người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố so với năm 2015. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, năm 2019 tiết kiệm khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, đang khẩn trương sắp xếp giảm 5 đơn vị hành chính cấp huyện, 556 đơn vị hành chính cấp xã...
(2) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã điều động, luân chuyển 29 đồng chí diện Trung ương quản lý giữ các chức vụ bí thư, phó ban đảng, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy và phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; 704 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 380 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; hơn 3.600 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và trên 1.700 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện, chuẩn bị một bước nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Năm 2019, đã kiện toàn hơn 850 cán bộ, phê duyệt quy hoạch trên 500 cán bộ diện Trung ương quản lý và phê duyệt quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII đối với 184 đồng chí; tổ chức 4 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 181 đồng chí trong quy hoạch. Đã thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với hàng ngàn cán bộ các cấp phục vụ công tác đề bạt, quy hoạch; trong đó, gồm 1.077 trường hợp diện Trung ương quản lý và 204 trường hợp quy hoạch vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; bổ sung hồ sơ, hướng dẫn nghiệp vụ đối với 299 trường hợp diện cấp ủy các cấp quản lý.
(3) Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2019, công tác kết nạp đảng viên được quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng; đã kết nạp được trên 143 nghìn đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng đến cuối năm 2019 là khoảng 5,2 triệu đồng chí.
(4) Công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng và Giải báo chí toàn quốc mang tên “Búa liềm vàng” đã đi vào thực chất, có tính chuyên nghiệp và ngày càng hiệu quả. Phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn cho 200 phóng viên, biên tập viên chuyên trách về xây dựng Đảng. Coi trọng tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
(5) Công tác xây dựng nội bộ ngành đạt được những kết quả tích cực; đã giảm 74 phòng trực thuộc ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh, 22 phó trưởng ban tổ chức cấp ủy cấp tỉnh, 71 trưởng phòng, 181 phó trưởng phòng, 42 lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy cấp huyện so với năm 2017; giảm 551 biên chế so (8%) với năm 2015. Chế độ giao ban trực tuyến trong ngành được duy trì nền nếp, thường xuyên; qua 12 kỳ giao ban trực tuyến năm 2019, đã có gần 300 vấn đề được nêu ra trao đổi, giải đáp và tháo gỡ khó khăn cho các cấp, các bộ, ngành, địa phương.
(6) Công tác phối hợp với các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan ngày càng chặt chẽ, thực chất, nền nếp hơn và đi vào chiều sâu với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, trao đổi học hỏi, chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số những hạn chế, khuyết điểm cần quan tâm khắc phục: (1) Tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được đấu tranh ngăn chặn, có kết quả bước đầu nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình, thực hiện quy định nêu gương có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với phòng, chống suy thoái chưa thật sự vững chắc. (2) Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại hoặc chủ quan nóng vội, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, chưa thực sự gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. (3) Đánh giá cán bộ có đổi mới nhưng hiệu quả chưa cao, cần phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi thực hiện chưa nghiêm, còn để mất dân chủ, chưa thật sự khách quan. (4) Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên còn thấp; phẩm chất đạo đức và tính tiền phong, gương mẫu của một bộ phận đảng viên có phần giảm sút. (5) Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá nội bộ và công tác cán bộ của Đảng hiệu quả chưa cao, chưa được như mong muốn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, cũng như hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan, kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn công tác; đồng thời, chia sẻ những cách làm hay, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng nhận định: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng - năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nội dung:
Thứ nhất, cần bám sát Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng. Cần chủ động, tích cực hơn nữa để triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nội dung công tác tổ chức xây dựng Đảng, mà trọng tâm là tham mưu chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Trước hết là công tác nhân sự. Cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội các cấp và nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước các nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội.
Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua các hoạt động thực tiễn. Quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Việc đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất, trên cơ sở đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, đặc biệt coi trọng phẩm chất chính trị, hiệu quả công tác cụ thể. Người được giới thiệu tham gia cấp ủy phải toàn tâm, toàn ý với công tác của Đảng, của Nhà nước, đoàn thể, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Chúng ta không chấp nhận mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, vận động trong quá trình giới thiệu bầu cử. Chủ động phòng ngừa, cảnh giác ngăn chặn, đấu tranh không để tác động chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính xác, xấu, độc có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên internet và các mạng xã hội có liên quan tới công tác chuẩn bị nhân sự. Việc chuẩn bị nhân sự phải căn cứ vào các quy định của Trung ương, tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tiếp tục rà soát quy hoạch cấp ủy các cấp, chủ động tham mưu điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự, lựa chọn cán bộ thực sự tiêu biểu, có đức, có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên” tham gia cấp ủy, các cấp ủy nhiệm kỳ tới. Chúng ta kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm, quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân, bản thân hoặc vợ, chồng, con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Thứ hai, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội phải gắn với đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cần đặc biệt lưu ý tham mưu cho cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm hoàn thành việc xác nhập các đơn vị hành chính xã, phường, huyện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm những điều kiện cần thiết, thuận lợi để tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tại các đơn vị này theo đúng tiến độ và quy định của Chỉ thị 35-CT/TW. Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương, tập trung ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, có giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả việc nêu gương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và tăng cường giám sát việc thực hiện, trước hết là thực hiện nêu gương trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và nêu gương trong công tác nhân sự.
Đẩy mạnh việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục cho được cả hai khuynh hướng chủ quan, nóng vội hoặc thụ động, trông chờ.
Thứ ba, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và của Nhà nước về tổ chức cán bộ, làm tốt chức năng tham mưu về công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa tài và đức, giữa kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, giữa tính phổ biến và tính đặc thù để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, có cơ chế phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền, nhất là trong việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Cùng với việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, cần sớm tham mưu xây dựng quy chế, chính sách để khuyến khích đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ tư, cần bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược để tiếp tục cụ thể hóa thành khung chương trình đào tạo, tăng cường huy động nguồn lực để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả trong và ngoài nước, tham mưu xây dựng, triển khai chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, quan tâm đầu tư thích đáng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận về tổ chức xây dựng Đảng, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Thứ năm, tiếp tục củng cố và tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đủ về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng theo phương châm “trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu và tinh thông”; đồng thời, tăng cường đoàn kết, thống nhất, tạo quyết tâm mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2020.
Đồng chí Trần Quốc Vượng tin tưởng rằng: “Năm 2020 sắp tới, đội ngũ cán bộ, tổ chức xây dựng Đảng trong toàn quốc nhất định sẽ phát huy kết quả đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục rèn luyện về mọi mặt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và kết quả của năm 2020 phải cao hơn năm 2019, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân”./.
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển