Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 - Duy trì sự tăng trưởng
Với chủ đề “Duy trì tăng trưởng”, Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra những quyết sách giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra và giữ vững mục tiêu tăng trưởng, phát triển.
1. Tài chính cho phát triển
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi những sụt giảm kinh tế toàn cầu, giá dầu, giá lương thực tăng cao khiến cho lạm phát kinh tế gia tăng, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhưng, với những giải pháp điều hành của Chính phủ như chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát tỷ lệ nhập siêu, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo... kinh tế Việt Nam vẫn là một thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 8 tháng qua đã đạt 47,7 tỉ USD, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ lạm phát đã giảm xuống mức 1,56% trong tháng 8 (so với mức bình quân trên 3% mỗi tháng, trong 6 tháng đầu năm). Nhập siêu trong tháng 7 và tháng 8 chỉ ở mức 0,85 tỉ USD mỗi tháng (so với mức 2,377 tỉ USD mỗi tháng trong 6 tháng đầu năm). Sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm cũng đạt mức tăng trưởng 16,3%.
Nhằm cải thiện hơn nữa những diễn biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong diễn đàn lần này Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã công bố những chiến lược mới nhất nhằm bình ổn thị trường tài chính Việt Nam cũng như những chính sách kích thích thị trường tài chính phục hồi. Đó là:
- Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài chính tiền tệ thắt chặt để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, dự trữ bắt buộc và các công cụ thị trường mở cùng với cắt giảm chi đầu tư công, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách giá cả theo cơ chế thị trường, linh hoạt theo lộ trình phù hợp.
- Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, mà tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng, các định chế tài chính để tránh rủi ro hệ thống và khủng hoảng tài chính; tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xem xét thời điểm phù hợp của các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.
- Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng tín dụng bất động sản thông qua việc kiểm soát quy trình, giám sát nghiêm việc cho vay bất động sản của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống.
- Giải quyết hợp lý bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Về đầu tư công, trong thời gian tới cùng với những nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu công, tập trung cho an sinh xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu chi đầu tư phát triển, trong đó tập trung vào khu vực nông nghiệp và nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế; kết hợp với khu vực tư nhân nhưng tránh đầu tư chồng chéo vào những lĩnh vực khu vực tư nhân có thể tự đầu tư và thu hồi vốn.
- Tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp là yếu tố cơ bản và gốc rễ của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp chủ động, tích cực trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro về tỷ giá, lãi suất. Nhà nước tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ nguồn tín dụng; hỗ trợ khoa học - công nghệ cơ bản; hỗ trợ cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực; hệ thống thông tin thị trường và kết cấu hạ tầng.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính là điều kiện quan trọng trong việc góp phần phát triển sản xuất, tăng cung và điều hòa thị trường trong nước; tăng cường pháp chế, chống tham nhũng và bảo đảm thực thi nghiêm chỉnh pháp luật. Việc bảo đảm hệ thống hành chính hoạt động có chất lượng và hệ thống luật pháp thực thi có hiệu quả, có thể coi là cú hích quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm cơ chế thị trường vận hành hiệu quả, góp phần đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và hướng tới quỹ đạo phát triển bền vững.
Hai vấn đề khác là xây dựng cơ bản và đào tạo nguồn lực có trình độ cao và lành nghề cho phát triển kinh tế lâu dài cũng là chủ đề thảo luận chính trong diễn đàn này.
2. Phát triển nguồn nhân lực
Với việc chỉ ra những khó khăn và thuận lợi trong việc đào tạo nhân lực hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 2 giải pháp để phát triển nguồn nhân lực hiện nay là: Xác lập các yêu cầu mới về chuẩn tri thức, kỹ năng và hành vi của giáo dục phổ thông và đào tạo nghề nghiệp; triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Trong đó, những biện pháp cần triển khai ngay trong năm 2008 là:
Thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo theo hợp đồng đặt hàng từ doanh nghiệp. Đổi mới tài chính với nội dung trọng tâm là điều chỉnh học phí, tăng cường đầu tư của Nhà nước cho học sinh, cho sinh viên nghèo vay vốn để học nghề, hình thành quỹ đào tạo tại địa phương, áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đào tạo nhân lực cho mình.
Xây dựng và triển khai các dự án phát triển giáo viên dạy nghề để đến năm 2015 có đủ giáo viên đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đây là giải pháp đột phá, mang tính cách mạng đối với dạy nghề.
Hình thành các trung tâm đào tạo quốc tế do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng, áp dụng chương trình tiên tiến của nước ngoài gắn với sự ưu tiên phát triển ngành kinh tế và thế mạnh, nhu cầu của đối tác.
Hình thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao gắn với thành lập Hội đồng các Hiệu trưởng các trường đào tạo theo lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí đóng tàu, tài chính - ngân hàng và du lịch.
Hình thành Trung tâm quốc gia về Dự báo và Thông tin thị trường lao động tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; hình thành Trung tâm Dự báo Nhu cầu đào tạo tại Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; hình thành Trung tâm Hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các Trung tâm cung ứng nhân lực tại các địa phương có dự án đầu tư.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã phác hoạ khá rõ nét kế hoạch phát triển hạ tầng sắp tới của Việt Nam. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, trong những năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trước một bước, tạo tiền đề, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Sau nhiều năm liên tục phấn đấu, giao thông vận tải của đất nước đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực: vận tải, công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của đất nước, sự đi lại của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc phòng.
Để giao thông vận tải trong thời gian tới là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong xu thế hội nhập sâu hơn, rộng hơn với quốc tế cũng như khu vực, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra hai chiến lược phát triển ngành giao thông - vận tải trong giai đoạn tiếp theo. Đó là vận tải và hạ tầng giao thông. Trong đó, về vận tải, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chỉ ra rằng, cần phát triển cân đối các phương thức vận tải và dịch vụ vận tải, bảo đảm tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, hội nhập với quốc tế trên cơ sở đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đa dạng, với mức tăng trưởng ngày càng cao, bảo đảm chất lượng tốt, giảm giá thành; sử dụng hợp lý các phương thức vận tải, ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn.
Về hạ tầng giao thông, Bộ trưởng nêu rõ, phải hoàn thành, nâng cấp, mở rộng, xây mới các tuyến đường bộ, đường biển, đường sắt cao cấp, mở rộng các cảng cửa ngõ quốc tế, các sân bay quốc tế tại khu vực phía Bắc, Trung - Tây Nguyên và Nam bộ. Xây dựng các chiến lược cụ thể về phát triển giao thông vận tải đô thị, giao thông nông thôn, bảo đảm an toàn giao thông, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.
Ngày 20-9-2008, các đại biểu quốc tế sẽ tham quan một số khu công nghiệp và khu chế xuất ở tỉnh Hải Dương. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư tìm hiểu tiềm năng đầu tư, tiếp xúc với lãnh đạo địa phương và tận mắt chứng kiến một số mô hình đầu tư đã và đang thực hiện tại Việt Nam./.
Một số vấn đề cấp bách về khiếu nại hành chính  (19/09/2008)
Vài nét về Ngân hàng Lehman Brothers  (19/09/2008)
Lehman Brothers phá sản - cú sốc mới cho thị trường tài chính toàn cầu  (19/09/2008)
Bão lại nổi giữa “sân sau” của Mỹ  (19/09/2008)
Thực hiện một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng  (19/09/2008)
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 33,3%  (19/09/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên