Sau năm ngày làm việc khẩn trương, sáng 15-8, phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) đã kết thúc. Kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Về công tác lập pháp, Ủy ban đã cho ý kiến về bảy dự án Luật (cho ý kiến lần đầu ba dự án và cho ý kiến tiếp về bốn dự án). Chủ tịch QH đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn chỉnh, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được cơ bản nhất trí để có thể đưa ra trình tại kỳ họp thứ 6 của QH (khóa XII).

Về công tác giám sát, Chủ tịch QH yêu cầu nâng cấp toàn diện, thuyết phục, có chiều sâu hơn Báo cáo của UBTV QH chuẩn bị cho QH (khóa XII) giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 6 và ra được nghị quyết. Cũng tại phiên họp này, UBTV QH đã nghe báo cáo của Ủy ban Pháp luật về những vấn đề liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa hai công ty tại hai địa phương. Các cơ quan Tòa án NDTC, Viện KSNDTC, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác cần tham gia hoàn chỉnh và triển khai thực hiện kết luận của UBTV QH. Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch QH cho rằng, đây là phiên chất vấn có chất lượng, được dư luận đánh giá cao, cần sớm tổng hợp, báo cáo để gửi các đại biểu QH và các cơ quan hữu quan tiếp tục theo dõi sát các vấn đề đã chất vấn. Chủ tịch QH cũng nhắc nhở việc chuẩn bị tốt cho các phiên họp thứ 23 (từ ngày 9 đến ngày 18-9) và thứ 24 (từ ngày 31-9 đến ngày 3-10) của UBTV QH.

Trong phiên họp dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTV QH đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục liên quan nhiều vấn đề được đông đảo cử tri cả nước và đại biểu QH quan tâm.

Tờ trình của Chính phủ do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nguyễn Thiện Nhân trình bày, đề nghị sửa đổi, bổ sung 10 vấn đề liên quan đến 12 trong tổng số 120 điều của Luật Giáo dục hiện hành. Việc sửa đổi, bổ sung Luật giữ nguyên kết cấu, không tăng thêm điều, không bỏ điều, không sửa tên chương, mục. Luật Giáo dục được QH thông qua ngày 14-6-2005 (thay thế Luật Giáo dục năm 1998) tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục. Qua ba năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Thiện Nhân: Trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn như vấn đề giáo trình giáo dục nghề nghiệp, giáo trình giáo dục đại học, thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, tên gọi của nhà giáo giảng dạy trong trường cao đẳng nghề, miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa nghiệp vụ sư phạm; thành lập nhà trường.

Tại phiên họp, các đại biểu đóng góp ý kiến, bày tỏ sự đồng tình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ðiều này xuất phát từ những đòi hỏi khách quan và tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề thật sự bức xúc trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục cũng như trong công tác quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 đến nay chưa được tháo gỡ. Các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ mặc dù đáng được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thật sự cấp thiết. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH (VHGDTNTN và NÐ) nhận thấy, một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 chưa được tháo gỡ; một số vấn đề quan trọng đã từng được đưa vào Dự thảo ban đầu và được dư luận quan tâm, thảo luận sôi nổi nhưng đã bị rút ra khỏi Dự thảo do còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn và một số đại biểu cùng quan điểm, cho rằng Luật Giáo dục mới được sửa đổi năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2006, thời gian kiểm nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Thực tế cho thấy, một số hạn chế, bất cập của ngành thời gian qua chủ yếu do thiếu văn bản hướng dẫn kịp thời để thi hành cùng với việc tổ chức thực hiện luật chưa tốt.

Vấn đề xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) cũng được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTN và NÐ của QH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Ðào Trọng Thi, việc xây dựng chương trình, SGK còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận và tin tưởng trong xã hội. Việc biên soạn, in và phát hành SGK còn mang tính độc quyền; chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về chương trình, tiêu chí SGK, quy trình biên soạn, thẩm định và duyệt SGK, chế tài để xử lý trách nhiệm đối với người để xảy ra sai sót.

Làm thế nào để Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung góp phần chấn chỉnh việc phát triển ồ ạt các trường đại học thời gian qua được các đại biểu quan tâm. Tại điểm đ khoản 1 Ðiều 51 quy định: "Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học". Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền trên cho Bộ trưởng GD và ÐT. Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban VHGDTNTN và NÐ của QH không tán thành với việc sửa đổi khoản 1 Ðiều 51 vì cho rằng, việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực, quốc tế. Do đó, thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Mặt khác, tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong thời gian qua, đang làm dư luận xã hội rất lo ngại. Nếu phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường, thì e rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Tuy vậy, một số ý kiến ủng hộ chủ trương phân cấp mạnh mẽ và giao thẩm quyền thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập, cho phép thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cho cấp Bộ trưởng, nhưng cần được thực hiện thống nhất, đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực như giáo dục, khoa học, văn hóa, y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đồng tình với tinh thần chuyển thẩm quyền quyết định đối với trường đại học từ Thủ tướng về Bộ trưởng. Ðây là một bước chuyển quan trọng trong tư duy hành chính.

Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm trong Dự thảo Luật đề cập đên chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm theo quy định hiện hành được thay bằng chính sách cho hưởng tín dụng ưu đãi. Theo đó, nếu khi ra trường công tác trong ngành sư phạm đủ thời hạn theo quy định thì người học không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí. Thường trực Ủy ban VHGDTNTN và NÐ của QH lưu ý, cần quy định rõ thời gian tối thiểu mà học sinh, sinh viên sư phạm sau khi ra trường đảm nhiệm công tác tại cơ sở giáo dục để được miễn hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí. Bên cạnh đó, đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi nói trên cho cả học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật, những trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm ra trường do sự phân công, điều động theo yêu cầu của Nhà nước mà công tác ở lĩnh vực khác thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước phát biểu ý kiến cho rằng, thực trạng giáo dục tại khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua dù được quan tâm đầu tư, nhưng chất lượng, kết quả mang lại chưa tương xứng. Việc phổ cập đối với học sinh khu vực này sẽ rất khó khăn, do điều kiện cuộc sống người dân nhiều hạn chế. Vấn đề cơ chế chính sách, đội ngũ giáo viên, học sinh tại các trường dân tộc nội trú cần được quan tâm hơn nữa.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị sắp tới, ban soạn thảo tiếp tục tổng kết ba chuyên đề liên quan việc lập trường; việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; làm rõ vấn đề giữa vay ưu đãi (quan hệ dân sự) và miễn học phí (chính sách ưu đãi đặc thù đối với ngành sư phạm). Bên cạnh đó, cần quan tâm những vấn đề lớn, quan trọng để thể chế hóa bằng các điều khoản trong Dự thảo Luật Giáo dục, trước khi được thảo luận tại các phiên họp tiếp theo của UBTV QH và đưa ra thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 6 của QH (khóa XII)./.