TCCSĐT - Từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma luôn theo đuổi những chương trình nghị sự đầy tham vọng, trong đó, trọng tâm là vực dậy nền kinh tế, khôi phục niềm tin của dân chúng và từng bước lấy lại hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới này thoát khỏi khủng hoảng.

Nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ và cả thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm mạnh, nhân công bị sa thải ồ ạt và thất nghiệp lên tới mức cao nhất kể từ năm 1992. Các nguồn tài chính công lâm vào tình trạng tồi tệ, thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề đối ngoại cũng đặt ra như cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; cuộc xung đột ở Trung Đông; quan hệ với Nga; quan hệ với Liên minh châu Âu (EU); quan hệ với các nước khu vực Mỹ La-tinh...

Trải qua những thử thách đầu tiên trong “bão” tài chính toàn cầu, Tổng thống B. Ô-ba-ma đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm lấy lại niềm tin của người dân Mỹ. Việc đầu tiên sau khi ông B.Ô-ba-ma nhậm chức là cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rơi xuống đáy. Với sự hậu thuẫn của Quốc hội do Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế, ông B.Ô-ba-ma đã có bước đi quyết định là thực hiện kế hoạch chấn hưng kinh tế bằng 787 tỉ USD, công bố hồi giữa tháng hai vừa qua. Theo giới chuyên gia, kế hoạch này bắt đầu phát huy tác dụng nhờ vào các biện pháp giảm thuế, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng. Phần còn lại tài trợ cho các dự án đầu tư và phải chờ thêm một thời gian nữa mới thấy được hiệu quả.

Dựa vào số liệu về tình hình việc làm của Mỹ trong tháng 7-2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma nói rằng, thời kỳ tồi tệ nhất đã qua. Ông một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của những biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Mỹ đã đưa ra, đồng thời kêu gọi người dân kiên trì chờ đợi để những hiệu quả mà kế hoạch kích thích kinh tế nhằm giảm thuế và tăng chi tiêu sẽ mang lại. Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Rô-bớt Gíp (Robert Gibbs), cho rằng, kế hoạch kích thích kinh tế chắc chắn đã giúp Mỹ hạ thấp tỷ lệ mất việc làm. Còn theo ông Gia-rét Bơn-ten (Jared Bernstein), cố vấn kinh tế hàng đầu của Phó Tổng thống Mỹ, nếu các hoạt động kinh tế không được thúc đẩy bởi kế hoạch kích thích kinh tế thì tháng trước Mỹ có thể mất thêm hàng trăm việc làm.

Bộ Lao động Mỹ thông báo, 247.000 việc làm bị mất trong tháng 7-2009, con số thấp nhất kể từ tháng 8-2008. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7 vừa qua giảm nhẹ xuống 9,4%, so với mức 9,5% của tháng trước và đây là lần giảm đầu tiên trong 15 tháng qua. Đây là một minh chứng rõ ràng cho đà phục hồi của nền kinh tế. Trước đó, ngày 31-7, báo cáo của Chính phủ Mỹ cũng cho thấy, chỉ số GDP quý II của Mỹ tuy có giảm nhưng tốc độ suy giảm chỉ có 1%, thấp hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế. Cả một thời gian dài kinh tế đi xuống đã khiến hàng loạt nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Giờ đây, khi kinh tế phục hồi trở lại với các đơn hàng mới được đưa đến, sản lượng hàng lưu kho không đủ để tiêu thụ chắc chắn sẽ buộc các nhà máy phải hoạt động trở lại. Dự báo, GDP quý III của Mỹ có thể sẽ tăng lên khoảng 3%. Rõ ràng, ông B.Ô-ba-ma và các cộng sự của mình đã không hề phí thời gian để tạo ra những khoản tín dụng lớn nhằm kích thích tài chính vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, cho dù các thông tin tốt về nền kinh tế Mỹ vẫn được công bố đều đều thì thị trường vẫn tỏ ra không mấy tin tưởng khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn duy trì ở mức khá cao. Việc trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đã khuyến khích nhiều người lao động tìm kiếm việc làm hơn là chờ đợi bị sa thải. Sự suy giảm hầu bao cũng khiến nhiều người quyết định tìm kiếm việc làm thay vì nghỉ hưu hay ở nhà với con cái. Chính vì tỷ lệ thất nghiệp được đánh giá theo cách tính toán chỉ số thất nghiệp tăng lên chứ không phải vì số lượng người tìm kiếm việc làm mới giảm đi nên tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 của Mỹ chỉ còn có 9,4% như đã được Bộ Lao động công bố.

So với châu Âu, điều này thực sự khác biệt. Tại khu vực đồng tiền chung ơ-rô, chỉ số GDP giảm nhiều hơn so với Mỹ, thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng chậm hơn. Các chủ doanh nghiệp sa thải ít nhân công hơn ở Mỹ, một phần là nhờ vào chính sách hỗ trợ của chính phủ. Như thế có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu có thể sẽ giảm nhanh hơn khi GDP phục hồi trở lại. Song dường như điều này khá khó khăn với nước Mỹ bởi các doanh nghiệp Mỹ không muốn thuê thêm nhân công cho tới khi lợi nhuận doanh nghiệp đi vào ổn định. Việc tăng cường hàng lưu kho tạm thời không được chú trọng tới nếu nhu cầu tiêu dùng không tăng lên. Trong khi đó, rõ ràng là nền kinh tế hiện nay của Mỹ vẫn chưa đủ bằng chứng cho thấy nhu cầu của người dân đã, đang và sẽ gia tăng.

Các số liệu thống kê về việc làm có thể sẽ tác động đến những quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến đưa ra trong cuộc họp tuần này. FED đã thực hiện những bước đi chưa từng có để cứu vãn nền kinh tế, như việc mua lại hàng tỉ USD từ nợ chính phủ và chứng khoán liên quan đến thế chấp. Khi suy thoái có dấu hiệu chạm đáy, FED phải đối mặt với những quan ngại cho rằng, khi nào họ bắt đầu chấm dứt những hỗ trợ đặc biệt ấy. Nếu FED hành động trong khi các điều kiện về việc làm vẫn còn yếu thì có thể khiến tăng trưởng chững lại và nếu để quá lâu thì có thể gây ra lạm phát.

Trong một diễn biến khác về sự suy thoái kéo dài, sâu rộng của nền kinh tế Mỹ, lần đầu tiên có 34,4 triệu người dân nước này nhận thẻ tem phiếu thực phẩm trong tháng 5 năm 2009, tức là cứ 9 người Mỹ thì có 1 người xin trợ cấp thực phẩm. Đây cũng là tháng thứ sáu liên tiếp mà lượng người xin cấp thẻ thực phẩm gia tăng kỷ lục như vậy.

Dường như dự đoán được những khó khăn phía trước, nên chính giới Mỹ đưa ra quan điểm cho rằng, thế giới đang ở thời kỳ quá độ chuyển sang một “hệ thống quốc tế toàn cầu đa cực”. Và hiện nay, nước Mỹ vẫn đang khắc phục khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhưng bên cạnh đó nền kinh tế Mỹ cũng đang dần có những biểu hiện tốt hơn dự kiến. Có thể nói, thời kỳ tồi tệ nhất đã qua và đây là tín hiệu phục hồi tốt của kinh tế Mỹ, song vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới này đi đúng hướng./.