1. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Nguyên nhân thứ nhất là sự thiếu trách nhiệm và chính sách kinh tế sai lầm của chính quyền Mỹ. Trong giai đoạn từ 2002-2004, lãi suất ở Mỹ rất thấp, ở mức 1%, thấp nhất kể từ 1958 để duy trì đồng USD yếu nhằm giảm thâm hụt thương mại. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư mở rộng sản xuất, tăng xuất khẩu, người tiêu dùng ký các hợp đồng vay tiền để mua chứng khoán và bất động sản, kể cả những người không có khả năng trả nợ cũng được vay. Người ta ước tính trị giá các hợp đồng cho vay có bất động sản thế chấp lên tới 12.000 tỉ USD, trong đó có từ 3.000-4.000 tỉ USD là vay dưới chuẩn, khó đòi. Chủ yếu là do 2 công ty cho vay bất động sản lớn nhất của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae ký hợp đồng bảo lãnh cho vay. Những hợp đồng này được các chuyên gia tài chính Mỹ gom lại và phát hành chứng khoán thứ cấp (được bảo đảm bằng những hợp đồng cho vay thế chấp này) trên khắp các thị trường thứ cấp toàn cầu và được gọi là hoạt động chứng khoán hóa (securitization)(1).

Hệ quả của việc này là kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và đạt tới đỉnh cao vào năm 2004, đạt 5,1% so với mức trung bình 3,6% cho giai đoạn 1996-2003. Cũng từ đó tình trạng kinh tế bong bóng xuất hiện. Tiêu dùng ở Mỹ tăng cao, giá bất động sản tăng cao. Tuy nhiên, từ 2005, trước những lo sợ với mức lãi suất thấp, đồng USD yếu, các nhà đầu tư gián tiếp sẽ ồ ạt rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã phải từng bước tăng lãi suất tới mức đỉnh cao là 5,25%. Điều này làm cho người tiêu dùng và các nhà đầu tư bất động sản Mỹ lo sợ, họ nhanh chóng bán bất động sản và các chứng khoán này để lấy tiền trả ngân hàng, vì với mức lãi suất đó họ không chịu nổi.

Bắt đầu từ cuối 2006, các dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính đã nhen nhóm: các tài sản bằng đôla Mỹ giảm giá, việc mua bán các khoản nợ của Mỹ tăng mạnh, kết quả kinh doanh kém hiệu quả của các ngân hàng Mỹ gia tăng, giá nhà đất ở Mỹ giảm mạnh (giá nhà đất ở Mỹ được tính là đã cao vượt giá trị thực 14% trong giai đoạn trước). Sự suy giảm của thị trường bất động sản và giá chứng khoán sụt giảm đã làm cho các nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và bất động sản(2). Thêm vào đó, sự mất giá của đồng USD đã làm giảm giá trị các tài sản của Mỹ(3).

Khi giá nhà đất hạ, lãi suất vay mua nhà không hạ, làm cho những người đầu tư vào nhà đất không thể trụ được đối với những khoản tiền đến hạn phải trả, buộc họ phải bán nhà làm cho giá nhà càng hạ. Như vậy, bong bóng kinh tế vỡ: (i) giá chứng khoán tụt giảm mạnh do thị trường không có người mua, trong khi các ngân hàng, các công ty tài chính, các công ty bảo hiểm nắm hàng nghìn tỉ USD chứng khoán đó không bán đựơc; (ii) đồng thời với giá nhà hạ, những con nợ không bán được bất động sản và do vậy, không có khả năng trả những món nợ đã vay. Điều này làm cho các tổ chức tài chính, ngân hàng mất khả năng thanh toán, đi đến gục ngã hoặc phá sản. Vì vậy, cuộc khủng hoảng này còn được gọi là cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn.

Thứ hai là trào lưu toàn cầu hoá (TCH) kinh tế không đi liền với sự hình thành của một tổ chức lãnh đạo kinh tế chung hiệu quả cho cả thế giới. Tất cả những sự kiện gần đây của kinh tế thế giới như tình trạng giá dầu tăng, giá lương thực tăng, lạm phát cao, biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng trợ cấp và bảo hộ gia tăng... đều cho thấy thế giới đang thiếu những cơ chế để điều tiết quá trình TCH kinh tế.

Liên Hợp quốc không đảm nhiệm được vai trò này vì phải đảm nhiệm một vai trò quan trọng khác là diễn đàn chính trị cho các quốc gia. Mỹ do sức mạnh kinh tế và quân sự trở thành nước lãnh đạo thế giới một cách tự nhiên, nhưng vai trò lãnh đạo đó chỉ được thế giới chấp nhận một cách miễn cưỡng. Hơn nữa, chính Mỹ cũng không quan tâm tới thế giới, trừ khi bị bắt buộc. Trong lĩnh vực kinh tế, vai trò lãnh đạo của Mỹ với thế giới thường không có. Những quyết sách kinh tế của Mỹ thường phục vụ cho lợi ích của Mỹ, chứ ít khi phục vụ cho lợi ích của cộng đồng thế giới. FED thay đổi lãi suất một cách đơn phương không cần biết ý kiến của các quốc gia khác. Khi Mỹ cắt giảm lãi suất thì châu Âu không noi theo mà còn phản đối gián tiếp bằng cách bày tỏ lo âu về nguy cơ lạm phát.

Những lủng củng đó dần tạo ra một tâm lý là kinh tế thế giới không lành mạnh: vì không có cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn hành vi độc quyền trên toàn cầu, không có cơ quan quốc tế làm nhiệm vụ cho vay để cứu nguy cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, không có cơ quan chịu trách nhiệm điều phối hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, không có mạng lưới an toàn toàn cầu, và tất nhiên không có dân chủ toàn cầu. Mặc dù trên thế giới có WTO, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), nhưng các tổ chức này không làm được những nhiệm vụ như đã nêu trên. Do vậy, khi khủng hoảng xảy ra nó đã làm xáo động cả thế giới, trong khi đó lại không có một tổ chức mang tầm cỡ thế giới đứng ra trấn an công chúng, đưa ra các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn và khắc phục khủng hoảng. Thế giới, do vậy, cần một tổ chức lãnh đạo chung, ít nhất là một ngân hàng thế giới với đúng nghĩa của nó chứ không phải một WB hay một IMF như hiện nay do Mỹ chi phối, phục vụ chủ yếu cho lợi ích của Mỹ.

Nền kinh tế thế giới hiện nay đang chờ đợi một học thuyết mới mang tính đột phá để giải quyết được vấn đề này như học thuyết của Keynes đã giúp nền kinh tế thế giới chuyển sang một trang mới sau một giai đoạn đại suy thoái 1929-1933.

2. Cuộc khủng hoảng tài chính và phản ứng của nền kinh tế Ô-xtrây-lia

a. Tác động của khủng hoảng

Khi khủng hoảng xẩy ra, nền kinh tế Ô-xtrây-lia chịu những tác động tương đối nghiêm trọng, chủ yếu theo các hướng sau đây:

Thứ nhất, các nền kinh tế bạn hàng lớn của Ô-xtrây-lia như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, EU đều lâm vào suy thoái. Kinh tế Trung Quốc, bạn hàng thương mại lớn nhất của Ô-xtrây-lia cũng có chiều hướng đi xuống. Theo IMF, có nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc năm 2008 chỉ tăng 5,8%. Điều này làm nhu cầu của thế giới đối với các hàng hoá và dịch vụ của Ô-xtrây-lia đồng loạt giảm xuống, đặc biệt là giá các mặt hàng xuất khẩu lớn của Australia như than đá, quạng sắt, đồng, dầu lửa đều giảm mạnh(4).

Thứ hai, khi nhu cầu hiện nay của thế giới đối với hàng hoá dịch vụ của Ô-xtrây-lia giảm sẽ đe doạ tới tăng trưởng kinh tế của Ô-xtrây-lia. IMF còn dự báo kinh tế Ô-xtrây-lia sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,5% vào năm 2008, thấp hơn nhiều so với năm 2007 (là 3,9%), và thấp hơn mức dự báo vào tháng 10-2008 (là 2%). Hiện nay, mức thất nghiệp đang là 5% và có thể sẽ lên đến trên 6% vào đầu năm 2009 so với mức dự báo tháng 10-2008 tương ứng là 4,75% và 5% .

Thứ ba, khi lãi suất thấp, một hệ quả có thể xảy ra là mức lạm phát tăng cao. Dự kiến mức lạm phát của cả năm 2008 là trên 5%, mức cao nhất trong vòng 17 năm qua (đỉnh trước đây vào năm 1992 là 4,75%). Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ của Thủ tướng Rudd sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao để nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Điều này tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán của Ô-xtrây-lia và giá trị đồng A$(5).

Thứ tư, trước tháng 11-2008, khác với giá nhà đất ở các nước đang hạ mạnh (tới 20%), giá nhà đất ở Ô-xtrây-lia từ năm 2007 đến thời điểm giữa tháng 10/2008 có mức tăng là 1,7%. Đó là do tình hình nhập cư gia tăng và sự khan hiếm nhà ở các đô thị lớn ở Ô-xtrây-lia. Tuy nhiên, khi khủng hoảng xảy ra, những món nợ do đầu tư vào nhà đất không được các ngân hàng Ô-xtrây-lia tin cậy để tiếp tục cho vay. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh và lòng tin của người dân đối với thị trường tài chính suy giảm đã tạo áp lực gây hạ giá nhà ở Ô-xtrây-lia (bắt đầu hạ từ cuối tháng 10-2008). Đây chính là lý do để các nhà đầu tư từ bỏ đầu tư vào các cổ phiếu để đầu tư vào các trái phiếu của Chính phủ, mặc dù lãi suất của các trái phiếu này cũng đã sụt giảm nhưng có độ an toàn cao hơn.

Thứ năm, đồng A$ giảm giá mạnh so với đồng USD, hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đây một phần là do tác động của khủng hoảng tới lòng tin của các nhà đầu tư (do họ không muốn giữ A$). Mặt khác do chính sách của Chính phủ Ô-xtrây-lia nhằm kích thích xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thu hút tiêu dùng của người nước ngoài trên đất Ô-xtrây-lia bao gồm cả thu hút khách du lịch nhằm ngăn chặn đà suy thoái. Tuy nhiên, điều này lại làm giá nhập khẩu các mặt hàng vào Ô-xtrây-lia tăng rất mạnh, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, khiến người dân trong nước phản ứng mạnh với chính phủ vì thu nhập thực tế của họ đang bị suy giảm mạnh.

b. Một số giải pháp cấp bách của Ô-xtrây-lia.

Kể từ khi khủng hoảng bủng nổ vào ngày 15-9-2008, Chính phủ Ô-xtrây-lia đã thi hành hàng loạt các chính sách để ngăn chặn và khắc phục những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này theo các hướng sau:

Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khoá nới lỏng ngay lập tức mà không cần phải đợi tới năm tài khoá sau (bắt đầu từ 1-7-2009): (i) tăng chi tiêu của chính phủ đặc biệt cho các dự án CSHT quan trọng như đường cao tốc, đường hầm, bệnh viện, trường học và các cơ sở nghiên cứu(6); (ii) cắt giảm thuế thu nhập (cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập công ty) để kích thích tiêu dùng và sản xuất (dự kiến giảm 31 tỷ A$ thuế trong 3 năm bắt đầu thực hiện ngay từ 2008); (iii) Chính phủ phối hợp với Bộ quốc phòng ra soát lại các dự án trong chương trình duy tu, bảo dưỡng cơ sở kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị quốc phòng trị giá 100 tỷ A$ để triển khai những dự án quốc phòng có nhiều khả năng tạo công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế phát triển(7).

Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng: (i) so với các nước phát triển khác thì lãi suất 7,25% do Ngân hàng Trung ương Ô-xtrây-lia (RBA) đưa ra từ tháng 3-2008 là quá cao. Bởi vậy, trong vòng hơn 3 tháng cắt giảm lãi suất 4 lần với tổng số 3%; (ii) Chính phủ cam kết bảo hiểm tất cả các khoản tiền gửi trong các ngân hàng và các tổ chức tài chính đang hoạt động tại Ô-xtrây-lia (bao gồm của các ngân hàng trong nước và nước ngoài). Các khoản tiền gửi có mức tới 1 triệu A$ được bảo hiểm miễn phí. Hành động này có hàm ý Chính phủ không khuyến khích những người gửi tiền rút tiền trước kỳ hạn gây hoảng loạn tài chính, đặc biệt đối với các khoản tiền gửi tại các ngân hàng và công ty đầu tư tài chính.

Thứ ba, như một bộ phận của chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng, ngay khi khủng hoảng bùng nổ, Chính phủ Ô-xtrây-lia đã công bố rằng Ô-xtrây-lia sẽ đổ 4 tỉ A$ tiền mặt vào thị trường tín dụng nhà đất theo 2 hướng: (i) 2 tỉ A$ để mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng bắt nguồn từ sự sụt giảm giá nhà đất tại Ô-xtrây-lia, và (ii) 2 tỉ A$ dùng để phát hành chứng khoán đảm bảo mà các ngân hàng thương mại và công ty tài chính có thể sử dụng các món nợ nhà đất khó đòi để mua lại chúng. Mục đích của 2 biện pháp này nhằm thúc đẩy sự sôi động lại và tăng tính cạnh tranh của thị trường tín dụng bất động sản. Tiếp sau đó Chính phủ Ô-xtrây-lia thông quá kế hoạch cứu trợ trọn gói 10,4 tỉ A$ cho nền kinh tế Australia, theo đó Chính phủ sẽ dùng số tiền này để trợ cấp cho dân chúng và những người mua nhà. .

Thứ tư, lưu tâm đặc biệt đến các doanh nghiệp nhỏ. Trong bối cảnh khủng hoảng, các doanh nghiệp nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công ăn việc làm, an sinh xã hội và ổn định cuộc sống của một bộ phận lớn dân cư Ô-xtrây-lia. Do vậy, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nhỏ: (i) Chính phủ cấp kinh phí cho các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để các trung tâm này tư vấn và cung cấp thông tin miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ; (ii) Chính phủ cam kết đảm bảo duy trì các hợp đồng có giá trị tới 1 triệu A$ mà Chính phủ đã ký với các doanh nghiệp nhỏ sẽ vẫn được thực hiện(8); (iii) Chinh phủ chỉ thị cho các ngân hàng tiếp tục xem xét đáp ứng các yêu cầu tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ đảm bảo sản xuất, kinh doanh không bị ngừng trệ.

3. Một số đề xuất đối với kinh tế Việt Nam

Tình hình cuộc khủng hoảng hiện nay là rất nghiêm trọng, còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 rất nhiều vì nó là cuộc khủng hoảng “made in US”, bùng nổ tại trung tâm tài chính thế giới. Một số nước có tiềm lực thì phản ứng bằng cách tung tiền mặt vào thị trường tài chính, cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu chính phủ để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư và trách nguy cơ suy thoái (Ô-xtrây-lia nằm trong số này). Một số khác, không có khả năng như vậy, thì để cho ngân sách nhà nước và cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt. Một số các nước khác thì chính phủ kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng và hạn chế chi tiêu chính phủ.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay và thực trạng nền kinh tế nước nhà xin có một số kiến nghị để giảm thiểu những tác động tới nền kinh tế nước ta:

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tại Mỹ cho thấy trong một thời gian dài các nhà quản lý đã không quan tâm đến việc giám sát các công ty tài chính Mỹ, thể hiện ở chỗ: (i) các cơ quan giám định đã không làm hết chức năng của mình để tìm hiểu các sản phẩm làm tài sản thế chấp cho các chứng khoán được phát hành; (ii) không kiểm tra và đánh giá các hợp đồng cho vay thế chấp dùng làm tài sản cầm cố có đủ tiêu chuẩn chất lượng hay không. Từ kinh nghiệm này, Việt Nam nên thận trong hơn trong các các hoạt động tài chính, đặc biệt là cho vay kinh doanh bất động sản ở Việt Nam.

Thứ hai, từ tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế cho thấy khủng hoảng niềm tin sẽ dẫn đến những kết cục rất tồi tệ, tồi tệ gấp nhiều lần dự báo. Để ngăn chặn khủng hoảng niềm tin, Chính phủ phải hành động nhanh chóng, quyết liệt, triệt để và thống nhất trên cơ sở minh bạch thông tin. Có như vậy mới củng cố được niềm tin và loại bỏ các hoạt động đầu cơ (vốn làm cho khủng hoảng trầm trọng thêm).

Thứ ba, các công ty chứng khoán và quản lý quỹ của Việt Nam vẫn là một dạng sơ khai của mô hình ngân hàng đầu tư (NHĐT) trên thế giới. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cần ý thức chấp hành các các biện pháp phòng ngừa rủi ro như xây dựng các rào cản nội bộ (Chinese wall) nhằm ngăn chặn các phản ứng lan truyền từ các NHĐT sang các NHTM, tức là từ thị trường vốn sang thị trường tiền tệ. Hiện Việt Nam đã cho phép thành lập mô hình ngân hàng tổng hợp gồm có cả hoạt động giải ngân tín dụng của NHTM và hoạt động đầu tư và phát hành chứng khoán của NHĐT. Để tránh sự đổ vỡ của mô hình này thì cần phải có một chiến lược kinh doanh bền vững cùng với một hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến ví như duy trì sự ngân cách tương đối giữa hoạt động của NHTM và NHĐT.

Thứ tư, thị trường tài chính Việt Nam có một số ưu điểm khác với thị trường tài chính ở các nước như (i) chưa có hiện tượng cho vay dưới chuẩn; (ii) tỷ lệ cho vay trên giá trị đảm bảo (LOV) không quá cao, khoảng 70%; (iii) chưa có nghiệp vụ chứng khoán hoá. Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam cũng có những điểm tương đồng so với thị trường tài chính Mỹ như (i) tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng, đặc biệt là tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng(9); (ii) tại thời điểm bùng nổ tín dụng lãi suất trên thị trường thấp (12-13%), nhưng sau đó lãi suất lại được điều chỉnh lên rất cao (21%); (iii) thu nhập thực tế của người dân giảm sút do lạm phát. Với những đặc điểm này, có thể tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam sẽ gia tăng, làm mất ổn định thị trường tài chính nước ta. Do vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình nợ xấu của Việt Nam trong những tháng tới để có giải pháp ngăn chặn kịp thời(10). Bên cạnh đó, Chính phủ cần công bố chính sách bảo hiểm tiền gửi với công chúng để trấn an lòng tin trong nhân dân. Có thể nói đây là bài học và cơ hội tốt cho Việt Nam trong tiến trình cải cách việc điều hành hệ thống tài chính-ngân hàng của mình.

Thứ năm, hiện nay, kinh tế thế giới đang ở vào giai đoạn suy thoái, nên việc thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài và huy động vốn đầu từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Theo kinh nghiệm của các nước (Ô-xtrây-lia, Nhật Bản…), lúc này các nhà sản xuất cần hướng tới thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn với 70% dân số trước đây đang để hàng hoá Trung Quốc chiếm lĩnh(11). Trong bối cảnh vốn đầu tư nước ngoài thực hiện có thể giảm sút trong năm 2008, Chính phủ cần có chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng thận trọng để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đầu tư sản xuất, đầu tư vào các dự án BOT có hiệu quả, khuyến khích dân tiếp tục tăng tiêu dùng để ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế(12).

Thứ sáu, nghiệp vụ chứng khoán hoá được coi là một sáng kiến trong lĩnh vực tài chính của thế giới để tái huy động vốn phục vụ nhu cầu của thị trường. Việc phát triển nghiệp vụ này ở Việt Nam sẽ giảm gắnh nặng cho thị trường tín dụng truyền thống, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nhà ở nước ta đang còn rất lớn, trong khi ta lại chưa có thị trường cung cấp dịch vụ tài chính cho nhu cầu này. Tuy nhiên, để nghiệp vụ này hoạt động có hiệu quả ở nước ta, thì Việt Nam cần phải xây dựng (i) hệ thống dữ liệu tài chính cá nhân: mỗi cá nhân sẽ phải có một mã số thuế (tax file number); (ii) thị trường bất động sản minh bạch; (iii) các tổ chức định mức tín nhiệm (credit rating agencies) đánh giá cho các tổ chức tài chính và ngân hàng tham gia hoạt động này; (iv) hệ thống giám sát, cảnh báo và phòng ngừa rủi ro tài chính. Tất cả những điều này làm cho việc định giá và cơ cấu các gói trái phiếu được chứng khoán hoá trở nên chính xác và tin cậy./.
 

(1) Chứng khoán hóa được xem là sáng kiến tài chính (financial innovation) của giới kinh tế quốc tế. Bản chất của nó là phát hành các chứng khoán có tính chất khả mại được đảm bảo không phải bằng khả năng thanh toán của chủ thể phát hành mà bằng các nguồn thu dự kiến có được từ các tài sản đặc biệt (ví như bất động sản). Có 2 loại chứng khoán chính của quá trình chứng khoán hóa vừa qua là (i) chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản tài chính (Asset-Backed Securities, ABS), và (ii) chứng khoán được đảm bảo bằng các tài sản cầm cố (Mortgage-Backed Securities, MBS). Người ta dự tính giá trị số chứng khoán này được nhân lên trên các thị trường chứng khoán lúc cao điểm là 700.000 tỉ USD, tức là gấp 12 lần GDP của thế giới.

(2) Năm 2007, trên cả nước Mỹ có khoảng 1,3 triệu ngôi nhà có giấy báo bị tịch thu gán nợ (tăng 79% so với 2006). Giá nhà năm 2008 vẫn tiếp tục giảm: giá nhà tháng 11-2008 so với đầu năm 2008 giảm 15%, giá nhà trung bình tháng 11-2008 chỉ còn là 350.000 USD/căn so với mức 587.000 USD/căn vào năm 2007. Giá chứng khoán trung bình cũng giảm khoảng 20%, riêng trong năm 2008, giá cổ phiếu của 2 công ty cho vay bất động sản lớn nhất của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae giảm 80% so với năm 2007.

(3) Tính đến cuối năm 2006, khoản mất giá này lên tới 2000 tỉ USD. Tài sản thế chấp giảm giá trị liên tục khiến các con nợ của Mỹ không muốn và trì hoãn việc trả nợ (cả lãi và vốn), đẩy các ngân hàng vào tình thế khó khăn với các khoản nợ khó đòi ngày càng chồng chất: Các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ đã công bố những khoản lỗ khổng lồ: Citigroup đã lỗ 15 tỉ USD, Merill Lynch 8 tỉ, UBS 4 tỉ, và đây chưa phải là con số nạn nhân và thiệt hại cuối cùng. Nhiều tập đoàn tài chính của Mỹ đã hoặc trên bờ vực phá sản.

(4) Giá quạng sắt giảm 35% trong năm 2008, giá than giảm 50% tính từ tháng 7-2008 đến tháng 11 năm 2008.

(5) Hiện nay, chỉ số S&P/ASX 200 giảm khoảng 50% so với mức của tháng 11 năm 2007 làm tài sản của các nhà đầu tư giảm mất gần 800 tỉ A$. Đồng A$ từ tháng 7-2008 đến nay mất giá 30% so với USD.

(6) Ô-xtrây-lia sẽ dùng số tiền 76 tỉ A$ hiện có của các dự án cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự bền vững của hoạt động kinh tế trong nước trong bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu (số tiền này là của dự án xây dựng hệ thống giao thông xuyên Ô-xtrây-lia cho thập kỷ tới và quĩ xây dựng Ô-xtrây-lia).

(7) Hiện Bộ Quốc phòng đưa ra danh mục các dự án ưu tiên là: (i) nâng cấp cơ sở quốc phòng, đường băng và kho bãi; (ii) thay thế hệ thống quản lý không lưu quan sự; (iii) xây dựng hệ thống đào tạo và huấn luyên phi công; (iv)nâng cấp hệ thống kiểm soát và chỉ huy lực lượng không quân; (v) nâng cấp hệ thống máy tính của bộ quốc phòng; (vi) thúc đẩy hệ thống thông tin trên chiến trường; (vii) nâng cấp máy bay chiến đấu, tầu chiến, xe tăng và hệ thống vũ khí của lục quân; (viii) nâng cấp các máy bay trinh sát và do thám; (ix) xây dựng các bênh xá cơ động (dễ trển khai); (x) nâng cấp lực lượng cơ động nhanh; (xi) dự án vận động chính phủ Mỹ và Tổ hợp Quân sự Lookheed đồng ý xây dựng ngành công nghiệp quân sự trên lãnh thổ Ô-xtrây-lia  để cùng chế tạo máy bay chiến đấu F-35

(8) Hiện chính phủ Ô-xtrây-lia đã ký khoảng 67.000 hợp đồng có giá trị tới 1 triệu A$ với các doanh nghiệp nhỏ.

(9) Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay có mục đích đầu tư trực tiếp vào bất động sản là 115.000 tỉ đồng trong tổng số 600.000 tỉ đồng cho vay bất động sản (kể cả cho vay thế chấp).

(10) Với lãi suất cơ bản 14%, cho vay thực tế với lãi suất 19%-21%, rõ ràng các doanh nghiệp không thể hoạt động được. Nhiều khoản vay sẽ trở thành những khoản nợ tồi. Ngân hàng bị ở vào thế kẹt: không thể cho vay được hoặc nếu cho vay thì tỷ lệ nợ tồi có khả năng tăng nhanh.. Trong khi đó, doanh nghiệp không cho vay được sẽ đổ vỡ hàng loạt.

(11) Đã đến lúc cần tháo bỏ “hạn mức tín dụng 30%” (không để tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vượt quá 30%) vì nó làm méo mó sự phân bổ nguồn lực. Hơn nữa khẩu hiệu ưu tiên tín dụng cho xuất khẩu, cho các dự án trọng điểm có vẻ không đúng trong giai đoạn hiện nay khi bong đen suy thoái đang cận kề. Lúc này các dự án sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, các dự án tạo công ăn việc làm… đều đáng được quan tâm.

(12) Đây là giải pháp đã được Malaysia sử dụng rất thành công trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997-1998 mà không cần kêu gọi sự trợ giúp của IMF và WB.