Ngay khi trở thành người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc đấu tranh khắc phục tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, các căn bệnh thường có của bộ máy nhà nước. Trong cuộc đấu tranh này, Người đặc biệt đề cao nhân tố nhân dân và dư luận xã hội. Tư tưởng của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị định hướng cho cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng và tệ quan liêu ở nước ta hiện nay.

Quan liêu, tham nhũng là giặc "nội xâm", là kẻ thù của nhân dân

Sinh thời Chủ tịch Hồ chí Minh chưa dùng từ tham nhũng, nhưng những nội dung mà Người nói về tham ô, chống tham ô, cơ bản là tinh thần nói về tham nhũng và chống tham nhũng ngày nay. Tham ô là hành động nguy hại nhất trong các hành vi tham nhũng. Trả lời câu hỏi: Tham ô là gì? Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế"(1). "Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư"(2).

Định nghĩa tham nhũng của Liên hợp quốc cũng hàm chứa những hành vi tham ô đó: "Tham nhũng là sự lạm dụng quyền hạn nhà nước để trục lợi cho mục đích cá nhân"(3).

Ban Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, nội dung tham nhũng bao hàm các hành vi:

Một là, ăn cắp, tham ô và chiếm đoạt tài sản của nhà nước mà chủ thể của những hành vi đó là những người có chức quyền.

Hai là, lạm dụng chức quyền để trục lợi bất hợp pháp thông qua việc sử dụng các quy chế chính thức một cách không chính thức.

Ba là, sự mâu thuẫn, không cân đối giữa các lợi ích chính đáng do thực hiện nghĩa vụ xã hội với những món lợi tư riêng.

Pháp lệnh chống tham nhũng của nước ta nêu rõ: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức"(4).

Như vậy, có nhiều điểm tương đồng giữa tham ô và tham nhũng. Song, khái niệm tham nhũng hiện nay có rộng hơn khái niệm tham ô.

Theo Hồ Chí Minh, "Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những "ông quan liêu" là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách"(5). Với kinh nghiệm sâu sắc của người lãnh đạo Nhà nước, Hồ Chí Minh đã chỉ ra vừa cụ thể, vừa khái quát biểu hiện của bệnh quan liêu qua các quan hệ:

"Đối với người:

Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.

Đối với việc:

Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.

Đối với mình:

Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo.

Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.

Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự cho mình.

Tham ô, hủ hóa. Trước mặt dân chúng thì lên mặt "quan cách mạng"(6).

Và Người chỉ rõ: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân", là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Hơn nữa, tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta: "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "Giặc ở trong lòng". Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình"(7).

Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra tham nhũng. Thực tế chứng tỏ rằng, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có tham nhũng, nơi nào bệnh quan liêu càng nặng, nơi đó càng nhiều tham nhũng. Muốn triệt để chống tham nhũng thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu. Chống nạn tham nhũng cần đi đôi với chống tệ quan liêu.

Nhân dân là nhân tố chính yếu quyết định thắng lợi trong chống quan liêu, tham nhũng

Hồ Chí Minh cho rằng, có tham ô vì có quan liêu, và nêu rõ nguyên nhân chủ yếu của bệnh quan liêu là do cán bộ, đảng viên không coi trọng nhân dân. Người lập luận:

"Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra?

Nguyên nhân bệnh ấy là:

Xa nhân dân: do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.

Khinh nhân dân: cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.

Sợ nhân dân: khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.

Không tin cậy nhân dân: họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được. Không hiểu biết nhân dân: họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.

Không yêu thương nhân dân: do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân."(8)

Người chỉ rõ: Cách chữa bệnh quan liêu phải từ cái gốc nhận thức tư tưởng, từ tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, biết liên hệ chặt chẽ với nhân dân, việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình, sẵn sàng học hỏi nhân dân. Cán bộ, đảng viên không phải là quan cách mạng, họ phải làm gương mẫu, cần kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo, phải tự mình sửa chữa bằng cách thực sự lấy dân làm gốc, đi đúng đường lối quần chúng. Hơn nữa Đảng, Nhà nước phải dựa vào quần chúng nhân dân là nơi có "trăm tai, nghìn mắt" để giám sát cán bộ, đảng viên, mở rộng dân chủ, để nhân dân có thể tham gia một cách tích cực nhất vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thì cuộc đấu tranh này mới có thể thành công.

Hiện nay, quan liêu, tham nhũng là quốc nạn, là vấn đề nan giải, khó khăn, phức tạp. Theo đánh giá ngày 26-9-2007, của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI - Transparency International) về tình hình tham nhũng trên thế giới năm 2007 cho thấy, tuy điểm của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức 2,6 điểm (10 là tối đa), nhưng vị trí của Việt Nam trên thế giới đã tụt từ hạng 111 trong năm 2006, xuống hạng 123 trong năm 2007. Trước tình trạng nghiêm trọng đó, cần nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiếc "chìa khóa vạn năng" có thể mở ra, giải quyết những vấn đề phức tạp, khó khăn nhất là thực hành dân chủ. Phải minh bạch trong các hoạt động kinh tế, xã hội, để dân biết, dân dám nói, dân dám bàn, dân có quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của bộ máy công quyền và cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ:

"Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công."(9), "việc "chống" này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng."(10)

Lãnh đạo dư luận xã hội trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng

Đảng, Nhà nước phải dựa vào quần chúng nhân dân là nơi có "trăm tai, nghìn mắt" để giám sát cán bộ, đảng viên, mở rộng dân chủ, để nhân dân có thể tham gia một cách tích cực nhất vào cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thì cuộc đấu tranh này mới có thể thành công.

Hồ Chí Minh hết sức coi trọng ý kiến của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, đất nước. Người chỉ rõ: "phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ. Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích."(11). Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. "Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành."(12)

Trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh coi trọng biện pháp lãnh đạo, phát động tư tưởng của quần chúng, tạo thành dư luận xã hội rộng lớn, khinh ghét, lên án những kẻ quan liêu, tham ô, giám sát hành động của các cán bộ, đảng viên, khiến cho những hành vi quan liêu, tham ô không có cơ hội hoành hành. Người nói: "Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp."(13)

Để tạo thành dư luận xã hội mạnh mẽ, rộng rãi có định hướng, Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của báo chí, Người đã viết nhiều bài, trong đó có những bài trở thành mẫu mực về nội dung và nghệ thuật chống bệnh quan liêu, tham nhũng. Người cũng đã phê bình báo chí còn rụt rè, chưa dũng cảm trong cuộc chiến đấu chống lại tệ tham nhũng, quan liêu, và yêu cầu các cơ quan bị báo chí phê bình phải trả lời, phải tự phê bình trước nhân dân. Người nêu rõ: "Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ "bưng mắt, bắt chim", thái độ "giấu bệnh sợ thuốc", một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí"(14).

Hồ Chí Minh đã tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm có tính nguyên tắc trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng:

"- Phải kết hợp chặt chẽ cuộc vận động chống quan liêu, tham ô với phong trào thi đua yêu nước.

- Phải liên hệ chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng.

- Cán bộ, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, xung phong thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa.

- Phải mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

- Đảng ủy các cấp phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc vận động. Thủ trưởng các ngành phải thật sự phụ trách cuộc vận động.

- Toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức phải hăng hái tham gia cuộc vận động với tinh thần phấn khởi và chí khí quyết thắng"(15).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống quan liêu, tham nhũng trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta thật sự là một cuộc vận động to lớn, có tính chất cách mạng. Nhờ nó, tình trạng quan liêu, tham nhũng không trầm trọng tới mức quốc nạn như hiện nay. Cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo với những kinh nghiệm dựa vào nhân dân, sử dụng báo chí, dư luận xã hội để lại cho chúng ta định hướng và những bài học quý giá trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng hiện nay.

Đảng và nhân dân ta kiên quyết ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng. Hàng loạt chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, biện pháp về chống quan liêu, tham nhũng ra đời. Từ Chỉ thị số 64-CT/TW, ngày 10-10-1990 của Ban Bí thư (khóa VI) về lãnh đạo đấu tranh chống tham nhũng đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X cho đến Bộ luật Hình sự được sửa đổi; Pháp lệnh chống tham nhũng; Pháp lệnh cán bộ, công chức; Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước được ban hành tạo cơ sở tư tưởng và pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng.

Nghị quyết Trung ương 3, khóa X của Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", trên cơ sở đánh giá tình hình, nguyên nhân của tệ tham nhũng, lãng phí hiện nay, đã đề ra một hệ thống quan điểm giải pháp đồng bộ, cơ bản vừa lâu dài, vừa cấp bách để ngăn chặn, đẩy lùi từng bước tham nhũng, lãng phí, để giữ vững lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy đảng, nhà nước trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức có kỷ cương, liêm chính.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: "Chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh vừa cấp bách, vừa có tính lâu dài, phức tạp... Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo của mình đối với cuộc đấu tranh này, đồng thời phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là phải dựa chắc vào nhân dân, đó là nhân tố chính yếu bảo đảm thành công"(16).

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: “Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo của mình đối với cuộc đấu tranh này, đồng thời phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là phải dựa chắc vào nhân dân, đó là nhân tố chính yếu bảo đảm thành công".

Theo tinh thần đó, cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cần tiếp tục được tiến hành và là một bộ phận của công cuộc tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng hiện nay. Trước hết, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiên quyết khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục triển khai sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức trong toàn Đảng, toàn dân cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và tuân thủ pháp luật, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong Đảng, trong xã hội.

Báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tạo dư luận, ý thức xã hội phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời pháp luật trừng trị thích đáng những kẻ phạm tội tham nhũng. Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Đề cao và tôn vinh những tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Tăng cường sự giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử, chú ý lắng nghe phản ánh của nhân dân, tổ chức tốt việc chất vấn về công tác chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đảng lãnh đạo nhân dân, tin và dựa vào nhân dân mới có thể chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí thắng lợi./.
 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 6, tr 488
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 11, tr 110
(3) GS, TS Nguyễn Xuân Yêm: Tội phạm có tổ chức Maphia và toàn cầu hóa tội phạm, Nxb Công an nhân dân, 2003, tr 1049
(4) Sổ tay pháp luật dành cho cán bộ công chức, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001, tr 245
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 574
(6), (7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 89, tr 490, 495
(8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 292 - 293, tr 495
(11) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 578
(12) Hồ Chí Minh: Sđd, t 5, tr 290 - 291
(13) Hồ chí Minh: Sđd, t 10, tr 576
(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 534
(15) Hồ Chí Minh: Sđd, t 11, tr 111 - 112
(16) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 44, 49