Hà Đăng
 
Năm 2008 là một năm kinh tế nước ta đầy biến động với bao khó khăn, Chính phủ đã 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là một năm toàn Đảng, toàn dân phấn đấu quyết liệt và giành được những kết quả quan trọng. Đây chính là những tiền đề quan trọng mở ra triển vọng phát triển vững chắc cho năm 2009.

1. Năm 2008, một năm kinh tế đầy biến động

Năm 2008, kinh tế nước ta phát triển trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp và khó lường.

Trong nước, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, nhất là đợt rét đậm lịch sử đầu năm, 10 cơn bão kéo theo lũ lụt lịch sử kéo dài từ giữa năm đến cuối năm trên diện rộng, từ Bắc vào Nam. Ở thủ đô Hà Nội, mưa lớn gây ngập úng chưa từng có, làm thiệt hại nặng nề cho sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư.

Trên thế giới, những tháng đầu năm, phần lớn các nước phải đương đầu với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực. Giá cả hầu hết các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là lương thực và dầu mỏ, gây ra lạm phát chi phí đẩy trên phạm vi toàn thế giới. Từ tháng 9 trở đi, khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ đã lan rộng sang hầu hết các nước và mang tính toàn cầu. Khủng hoảng có xu hướng ngày càng trầm trọng và lan truyền từ khu vực tài chính sang khu vực kinh tế. Từ tình trạng lạm phát cao, thế giới phải đối đầu với nguy cơ suy giảm tăng trưởng sâu, đi cùng với tình trạng giảm mạnh giá dầu, giá lương thực và các loại nguyên liệu thô khác.

Tình hình kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta, một nền kinh tế vốn yếu kém trong cơ cấu và hiệu quả đầu tư tích tụ từ nhiều năm cộng với những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, làm cho lạm phát tăng cao trong quý I, và đi liền với nó, kinh tế vĩ mô bị đe dọa nghiêm trọng. Giá tiêu dùng quý IV/2007 tăng 5%, tháng 1-2008 tăng 2,38%, tháng 2 tăng 2,36%, tháng 3 tăng 2,99%. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế từ tháng 3 trở đi suy giảm rõ rệt.

2. Cuộc điều chỉnh có ý nghĩa quyết định

Thực tiễn tình hình nêu trên đòi hỏi cơ quan lãnh đạo và quản lý cao nhất của nước ta có quyết sách hữu hiệu để đối phó.

Trước đây, vào cuối năm 2007, kế hoạch năm 2008 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, được xây dựng dựa trên những cơ sở khá lạc quan. Đó là những thành tựu to lớn đạt được sau 20 năm đổi mới, đặc biệt là trong hai năm 2006 và 2007, cùng với cơ hội mở ra khi nước ta trở thành thành viên WTO cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nhanh của đất nước. Năm 2006, tăng trưởng kinh tế đạt 8,2%, năm 2007 đạt 8,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp phép trong năm 2007 đạt hơn 21 tỉ USD là mức cao nhất so với những năm trước. Trong bối cảnh đó, với tinh thần cách mạng tiến công, chúng ta đã đặt mục tiêu tranh thủ thời cơ thuận lợi để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu ngay trong 2008 để tiếp tục phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch 5 năm 2006-2010 trong năm 2009 và 2010.

Đầu quý II năm 2008, trong khi xem xét tình hình kinh tế - xã hội quý I, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Kết luận số 22-KL/TW ngày 4-4-2008 chủ trương chuyển hướng một số nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP, ngày 17-4-2008 về việc chuyển từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang nhiệm vụ trọng tâm đột xuất là: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát và nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đã trình Quốc hội kế hoạch điều chỉnh ấy, và đầu tháng 5-2008, Quốc hội đã ra Nghị quyết điều chỉnh giảm chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng từ 8,5% - 9% xuống còn 6,7%, đồng giảm một số chỉ tiêu tương ứng khác về kinh tế - xã hội. Để thực hiện kế hoạch điều chỉnh này, Chính phủ đã ban hành 8 nhóm giải pháp cấp bách bao gồm: (1) Áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt; (2) Kiểm soát chặt chẽ chính sách tài khoá, chỉ tiêu công; (3) Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; (4) Đẩy mạnh sản xuất, cân đối cung cầu; (5) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, ổn đinh đời sống nhân dân; (6) Quản lý thị trường giá cả, tổ chức tốt thương mại trong nước; (7) Phát động tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội; (8) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để huy động sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Trong lúc cán bộ và nhân dân tỏ ra lo lắng trước tình hình diễn biến rất bất lợi, thì việc điều chỉnh kế hoạch của Đảng và Chính phủ đã được coi là rất khách quan, kịp thời, kiên quyết và dũng cảm. Hệ thống tám nhóm giải pháp thoạt đầu tưởng như là một cú “sốc”, nhưng qua thảo luận, sự đồng thuận ngày càng cao hơn. Nhiều chuyên gia trong nước và cả nước ngoài đều nhận định rằng đó là những giải pháp mạnh mẽ, đúng hướng và có tính khả thi.

Cần nói thêm rằng, vào thời điểm giữa năm, Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Và đầu tháng 10, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành gần như toàn bộ chương trình nghị sự cho việc đánh giá tình hình năm 2008 và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

3. Một năm phấn đấu quyết liệt và kết quả giành được là rất đáng ghi nhận

Với sự lãnh đạo và chỉ đạo kiên quyết của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước, sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, từ quý III trở đi, cả nước đã tạo nên một sự chuyển biến tích cực và đến cuối năm đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thực hiện bốn mục tiêu của kế hoạch điều chỉnh.

Về kiềm chế lạm phát: Từ tháng 6-2008, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng sau thấp hơn tháng trước. Từ tháng 10, mức tăng CPI giảm rõ rệt: tháng 9 tăng 0,18%; tháng 10 CPI giảm 0,19%, tháng 11 giảm 0,16%, tháng 12 giảm 0,68%. Cả năm giá tiêu dùng tăng ở mức 19,9%, thấp hơn so với dự báo ban đầu là 24-25% trở lên. Có thể nói lạm phát đã được kiểm soát.
 
Về ổn định kinh tế vĩ mô: Về cơ bản, được bảo đảm mặc dù vẫn còn nhiều mối đe doạ. Thu, chi ngân sách nhà nước được cân đối. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán cả năm và tăng 26,3% so với năm 2007. Tổng chi ngân sách đạt dự toán năm. Bội chi ngân sách nhà nước/GDP bằng 4,95%, nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép. Về xuất nhập khẩu, đã có một số chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 62,9 tỉ USD, vượt kế hoạch đề ra. Kim ngạch nhập khẩu đạt 80,4 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2007. Nhập siêu hàng hoá cả năm khoảng 17 tỉ USD. Như vậy, mục tiêu kiểm soát cán cân thương mại đã được thực hiện theo đúng chỉ tiêu đề ra (dưới 20 tỉ USD).

Về bảo đảm an sinh xã hội: Tuy còn tồn tại nhiều vấn đề nhưng đã có những cố gắng rất đáng ghi nhận trong việc thực hiện các chính sách đặc thù nhằm bảo đảm việc làm và tăng thu nhập cho những người có thu nhập thấp, những đối tượng chính sách, những vùng bị thiên tai và dịch bệnh nặng …

Về duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý: Điều đáng nói nhất là tăng trưởng GDP tăng được 6,23%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,6%, công nghiệp tăng 14,6% và tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế tăng 31%, nếu trừ yếu tố tăng giá thì tăng 6,5%. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu (theo WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 chỉ đạt 2,5%, thấp nhất trong nhiều năm qua, trong đó một số nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp… tăng trưởng âm) thì kết quả đạt được của kinh tế Việt Nam là rất đáng kể.

Điều gần như nghịch lý là trong thiên tai dồn dập, nông nghiệp lại được mùa. Sản lượng lúa cả năm ước đạt 38,63 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với năm 2007. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 4,83 triệu tấn, tăng 9,2% so với năm trước.

Một dấu hiệu tích cực khác là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Vốn nước ngoài đăng ký trong năm đạt khoảng 64 tỉ USD, trong đó các dự án mới chiếm 60,2 tỉ USD; vốn thực hiện đạt trên 11 tỉ.

Cái được là rất đáng ghi nhận. Nhưng cái chưa được lại càng phải quan tâm h��n. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại và mức đạt được trong năm 2008 là thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã được điều chỉnh. Chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp nhiều lần so với các năm trước và hiện còn mức khá cao (giá tiêu dùng bình quân năm 2008 so với năm 2007 tăng gần 23%). Ổn định kinh tế vĩ mô chưa chắc chắn và còn tiềm ẩn nhiều mối đe doạ. Đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng bị thiên tai gặp nhiều khó khăn; vấn đề ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lớn của đông đảo nhân dân.

4. Năm 2009, điều chỉnh lần thứ hai trọng tâm đột xuất

Năm 2009 vừa kế thừa những thành tựu đạt được trong năm 2008 vừa phải tiếp tục đảm trách gánh nặng khá lớn còn để lại. Cùng với những mặt yếu kém và khó khăn ở trong nước như đã nêu trên, nước ta lại còn phải đối mặt với những tác động cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang lan rộng và chưa rõ điểm dừng. Những khó khăn và thách thức trong năm 2009 được dự báo là còn nhiều hơn và lớn hơn năm 2008. Nổi bật lên là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế; hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ đều bị giảm sút, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, triển vọng đầu tư nước ngoài và nguồn ngoại hối thu được bị hạn chế nhiều. Tất nhiên, vẫn có không ít thuận lợi và cơ hội có thể khai thác được cho phát triển. Đó là: (1) Môi trường chính trị xã hội nước ta ổn định. (2) Tiềm năng tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn còn lớn. (3) Thị trường nội địa có nhu cầu đa dạng về hàng hoá và dịch vụ. (4) Nguồn vốn trong dân cho đầu tư còn nhiều chưa huy động hết. (5) Giá vật tư nguyên liệu, máy móc, thiết bị trên thị trường thế giới đang xuống thấp trong khi nhu cầu phát triển trong nước ta lại rất lớn. (6) Các nhà đầu tư và tài trợ nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nước ta và coi Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Để thực hiện nghiêm túc, toàn diện và có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 như Nghị quyết kỳ họp thứ tư Quốc hội Khoá XII (tháng 10 năm 2008) đề ra, trong phiên họp cuối năm mới đây, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách là: phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Năm nhóm giải pháp chủ yếu được Chính phủ tập trung chỉ đạo là: (1) Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh xuất khẩu; (2) Huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng; (3) Bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo; (4) Thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài chính tích cực, hiệu quả; (5) Tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với thực tế tình hình.

Có thể nói, trong vòng một năm, đây là lần điều chỉnh thứ hai trọng tâm đột xuất về phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như lần thứ nhất, vào quý I năm 2008, chuyển ưu tiên từ đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế sang kiềm chế lạm phát thì lần này, đầu năm 2009, lại chuyển ưu tiên từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Mục tiêu cụ thể và trọng tâm đột xuất có thể thay đổi nhưng cái đích cuối cùng vẫn là chuẩn bị tiền đề và điều kiện để đến năm 2010, hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm 2006-2010, đưa nước ta vào hàng ngũ các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đến năm 2020, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đó là điều cả dân tộc ta tin tưởng và quyết tâm phấn đấu trên con đường tiến lên./.