TCCSĐT - Tại Hội nghị công bố kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 do Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức ngày hôm nay (13-8) tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương năm 2009 Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tính đến 0 giờ ngày 1-4-2009, tổng số dân của Việt Nam là 85.789.573 người, bao gồm 42.482.549 nam (chiếm 49,5%) và 43.307.024 nữ (chiếm 50,5%). Như vậy, Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới.

Dân số thành thị tăng nhanh so với khu vực nông thôn

Kết quả Tổng điều tra cho thấy, sau 10 năm dân số nước ta tăng thêm 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong thời kỳ giữa hai cuộc tổng điều tra năm 1999 và 2009 là 1,2%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 10 năm trước 1989-1999 (mỗi năm tăng gần 1.200 nghìn người với tỷ lệ tăng hằng năm là 1,7%). Đây là thời kỳ có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tỷ lệ này tính bình quân là trên 3%/năm trong những năm 1960; 2,8%/năm trong thời kỳ 1970-1979; 2,1%/năm giữa hai cuộc tổng điều tra năm 1979 và 1989; và 1,7%/năm giữa hai cuộc tổng điều tra năm 1989 và 1999. Kết quả này khẳng định, mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm trong 10 năm qua, phù hợp với các số liệu thống kê từ các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hằng năm của Tổng cục Thống kê. Kết quả tổng hợp sơ bộ cũng cho thấy, tại thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009, cả nước có trên 7,2 nghìn cụ thọ 100 tuổi trở lên.

Trong tổng dân số của cả nước, có 25.374.262 người cư trú ở khu vực thành thị, 60.415.311 người cư trú tại khu vực nông thôn. Theo đó, đến nay đã có 29,6% dân số sống ở khu vực thành thị so với 23,5% vào năm 1999. Trong thời kỳ 1999-2009, dân số thành thị đã tăng lên với tỷ lệ bình quân năm là 3,4%/năm, trong khi ở khu vực nông thôn tỷ lệ tăng dân số chỉ có 0,4%/năm. Giữa hai cuộc tổng điều tra năm 1999 và 2009, dân số cả nước đã tăng 9,47 triệu người. Trong đó, 7,3 triệu người (chiếm 77%) tăng lên ở khu vực thành thị và khoảng 2,17 triệu người (chiếm 23%) tăng lên ở khu vực nông thôn. Dân số ở khu vực thành thị tăng nhanh chủ yếu là do di dân và quá trình đô thị hóa.

Phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng

Quy mô dân số là 85.789.573 người, được phân bố trên sáu vùng kinh tế - xã hội của đất nước. Vùng đông dân nhất là Đồng bằng sông Hồng (19.577.944 người), tiếp đến là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (18.835.485 người) và đồng bằng sông Cửu Long (17.178.871 người). Vùng có số dân ít nhất là Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh với dân số là 5.107.437 người.

Số liệu trên cho thấy, dân số Việt Nam phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, là châu thổ của hai sông lớn, nơi có đất đai màu mỡ và điều kiện canh tác nông nghiệp thuận lợi, có 43% dân số cả nước sinh sống. Ngược lại, hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, là những vùng núi cao, điều kiện đi lại khó khăn và là nơi các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu, chỉ chiếm dưới 1/5 (gần 19%) dân số của cả nước.

Số liệu còn cho thấy, sau 10 năm, tỷ trọng dân số của hai vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tăng, của bốn vùng còn lại giảm. Điều đó cũng có nghĩa là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có tốc độ nhập cư lớn hơn.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng dân số bình quân thâp nhất (0,4%/năm) là ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là vùng có quy mô dân số lớn thứ hai; tiếp theo là đồng bằng sông Cửu Long (0,6%/năm), là vùng có số dân đông thứ ba của cả nước.

Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất (3,2%/năm). Trong vùng này, Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân là 3,5%/năm, cao hơn một chút so với mức tăng chung của cả vùng, trong khi đó Bình Dương tăng tới 7,3%/năm, gấp 2,25 lần so với mức tăng chung của cả vùng.

Mặc dù Tây Nguyên là vùng có tổng số dân và mật độ dân số thấp nhất (5,1 triệu dân với mật độ dân số 93 người/km2), nhưng do vùng này có tỷ lệ nhập cư rất cao, vì vậy dân số đã tăng nhanh với tỷ lệ dân số bình quân là 2,3%/năm trong thời kỳ 1999-2009.

Rõ ràng, trong 10 năm qua, dưới tác động của kinh tế thị trường, dân số và lao động đã có sự phân bố lại trên quy mô rộng và với cường độ mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Tỷ số giới tính tăng dần từ năm 1979 đến nay

Tỷ số giới tính (được định nghĩa là số nam trên 100 nữ) của Việt Nam luôn ở mức dưới 100, kể từ năm 1960 đến nay. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nam giới có mức tử vong trội hơn và chịu ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, tỷ số này có xu hướng tăng dần từ năm 1979 đến nay, và tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng khá nhanh trong những năm gần đây, góp phần làm gia tăng tỷ số giới tính của Việt Nam. Nếu tỷ số giới tính của dân số Việt Nam đã đạt được 96,7 nam/100 nữ vào thời gian Tổng điều tra dân số năm 1999, thì kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, tỷ số giới tính đã tiếp tục tăng lên và đạt mức 98,1 nam/100 nữ.

Tỷ số giới tính tăng cao hơn ở những vùng phát triển nhanh với các ngành nghề thu hút những người di cư là nam giới từ các nơi khác đến và ngược lại, tỷ số này giảm thấp hơn ở những vùng có mức phát triển nhanh nhưng chủ yếu phát triển các ngành nghề thu hút lao động nữ là chính. Hai vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đều có mức tăng dân số nhanh hơn mức tăng bình quân chung của cả nước, song tỷ số giới tính của Tây Nguyên năm 2009 là 102,4, cao hơn tỷ số giới tính chung của cả nước, còn Đông Nam Bộ là 95,3, thấp hơn tỷ số giới tính chung của cả nước là một ví dụ. Bởi vì, thứ nhất, Đông Nam Bộ có Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 51% tổng dân số của cả vùng) luôn có tỷ số giới tính thấp nhất cả nước trong cả 4 cuộc tổng điều tra dân số; thứ hai, luồng nhập cư từ các tỉnh khác vào hai tỉnh, thành phố thu hút dân cư lớn nhất cả nước thuộc vùng Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu) luôn có số nữ nhiều hơn số nam.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Brúc Cam-beo, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao về kết quả sơ bộ mà cuộc Tổng điều tra ta đã đạt được. Ông khẳng định, những số liệu được nhanh chóng công bố này có ý nghĩa rất quan trọng cho việc xử lý, phân tích số liệu để phục vụ việc hoạch định chính sách xã hội của Việt Nam, cho Mục tiêu Thiên niên kỷ của thế giới, và hơn nữa, xác định được cơ hội cho từng con người trong cuộc sống của chúng ta.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 bước đầu đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn nhưng công việc còn lại cũng vẫn còn rất nhiều. Những hoạt động trên cần tiếp tục được thực hiện khoa học, chặt chẽ để không ảnh hưởng đến kết quả, thời hạn công bố và chất lượng thông tin theo kế hoạch đã định (dự kiến, cuối tháng 12-2009 sẽ công bố kết quả điều tra mẫu và cuối tháng 9-2010 công bố kết quả điều tra toàn bộ)./.