Thủ tướng: Tạo cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TCCSĐT - Ngày 06-5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Ngày 06-5, tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đối với nền kinh tế, xã hội của cả nước.
Thủ tướng cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động nhất của cả nước. Những con số như đóng góp như GDP, thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập bình quân đầu người… cho thấy vị trí quan trọng của vùng kinh tế động lực của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên, 27% dân số nhưng đóng góp 89% GDP của cả nước. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đối với 8 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nhà nghiên cứu, các học giả đều nhận thấy, đây là vùng có lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khoa học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ sở hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xây dựng đồng bộ hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác; là vùng duy nhất của cả nước có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn thể hiện ở đội ngũ cán bộ giàu sáng tạo, năng động, nhiệt tình. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá trong phát triển, trong thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm hành chính công…
Thủ tướng lưu ý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn; liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm. Các chỉ số PAPI, PCI của các địa phương trong vùng chưa cao, mặc dù đây là vùng kinh tế động lực của cả nước. Cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học hợp lý.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo, cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời, phải có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân để đến năm 2020 có thể khởi công xây dựng sân bay.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. Năm 2018, tổng GRDP của toàn vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước và chiếm 50,9% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm. Quy mô GRDP của 4 tỉnh, thành phố là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 87,64% GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó riêng Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 49,5% GRDP vùng và gần 23% giá trị GDP của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ 2016 - 2018 của vùng đạt khoảng 6,72%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.474 USD/người (năm 2018), gấp 2,12 lần so với bình quân của cả nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu một số “điểm nghẽn” đối với hệ thống giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, cảng biển Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ trong kết nối với giao thông đường bộ; tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ kỹ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, giao thông đô thị đang là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống giao thông đô thị đang quá tải, nhiều nơi ùn tắc nghiêm trọng.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là hai vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để tạo động lực cho phát triển vùng, cần lồng ghép chính sách đặc biệt để phát triển, quy hoạch hệ thống giao thông, có bộ phận nghiên cứu trực tiếp nhằm tham mưu phát triển vùng chứ không kiêm nhiệm như hiện nay.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt vấn đề phải làm sao duy trì được đà tăng trưởng nhanh và bền vững của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phó Thủ tướng lưu ý cần thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội toàn vùng phù hợp, coi trọng vấn đề liên kết đặc biệt là liên kết giao thông.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thường xuyên ngồi lại để bàn bạc và sắp xếp các danh mục dự án cần ưu tiên nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả hơn; phê duyệt quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết và hợp tác phát triển kinh tế vùng giữa các bộ, ngành và địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tạo ra một “tài sản chung” nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả liên kết của các địa phương trong vùng, tạo điều kiện cho các địa phương cùng khai thác và sử dụng chung tài sản đó. Trên cơ sở đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành lập “quỹ hội đồng vùng” được hình thành từ một phần kinh phí do Trung ương cấp, một phần từ đóng góp của các địa phương trong vùng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
** Cũng trong chuyến công tác tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và động viên các cán bộ, y bác sỹ Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là địa chỉ tin cậy của của người bệnh, của nhân dân.
Thủ tướng đề nghị cán bộ lãnh đạo, các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng ngày càng cao hơn nhiệm vụ được giao và niềm tin yêu của nhân dân.
Thủ tướng cho rằng y học liên tục có những tiến bộ mới, do đó các y, bác sỹ phải không ngừng học hỏi, tiếp thu các phương thức điều trị mới. Đặc biệt, các y, bác sỹ cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu điều trị cho người bệnh.
Năm 2015 Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được đưa vào hoạt động với tổng số vốn xây dựng trên 3.370 tỷ đồng theo mô hình hợp tác công tư. Đây là bệnh viện tuyến tỉnh được xây dựng hiện đại với quy mô 2.000 giường bệnh.
Hiện nay mỗi ngày Bệnh viện thường xuyên điều trị cho khoảng 1.500-1.800 bệnh nhân nội trú, khám bệnh cho khoảng 4.000 - 6.000 bệnh nhân ngoại trú.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên cụ Ngô Bạch Tuyết, 79 tuổi, là mẹ liệt sỹ và thuộc gia đình cách mạng gương mẫu tại xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa; thăm hỏi cụ Nguyễn Thị Thu, 100 tuổi, là mẹ liệt sĩ, trú tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa./.
Hoạt động nổi bật của Chủ tịch Quốc hội trong ngày 06-5  (06/05/2019)
Thụy Điển coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam  (06/05/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-4 đến ngày 05-5-2019  (06/05/2019)
Cho vay nhà ở xã hội sẽ trở thành một trụ cột của công tác an sinh  (06/05/2019)
Sức mạnh chính trị tinh thần trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và phát huy nhân tố chính trị tinh thần trong xây dựng Quân đội hiện nay  (06/05/2019)
Công nhân lao động kỹ thuật cao - một động lực phát triển đất nước  (05/05/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên