TCCSĐT - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến công du cấp nhà nước từ ngày 16 đến 23-4 tới ba nước Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan. Đây là chuyến công du đầu tiên tới khu vực Trung Á của Tổng thống Moon Jae-in kể từ khi ông nắm quyền từ tháng 5-2017 nhằm thúc đẩy Chính sách hướng Bắc mới.

Hàn Quốc thúc đẩy Chính sách hướng Bắc mới

 
 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Turkmenistan G. Berdimuhamedow. Ảnh: TTXVN

Tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt lòng tin cũng như nâng tầm đối tác chiến lược là mục tiêu mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc đặt ra trong chuyến thăm lần này. Không thể phủ nhận, 3 nước Trung Á Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan có một vị trí địa chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quân sự, là trung tâm của khu vực châu Á, nằm giữa Nga và Trung Quốc. Với nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, dễ hiểu các nước Trung Á này nhiều năm qua đã trở thành khu vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,...

Trên thực tế, Trung Á là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ mang tính lịch sử từ Nga. Trong khi đó với Trung Quốc, những năm gần đây, Trung Á đang mở rộng nhanh chóng hoạt động thương mại với Bắc Kinh. Hay như Mỹ ngay từ năm 1999, Washington đã muốn đưa Trung Á trở thành một khu vực kinh tế năng động, là điểm kết nối không chỉ các quốc gia ở châu Á với nhau mà còn cả các quốc gia châu Á và châu Âu ở khu vực lục địa Á - Âu. Trước cuộc đua ngày càng nóng, rõ ràng, Hàn Quốc không thể chậm chân.

Không chỉ đặt trọng tâm trao đổi hợp tác về kinh tế, các nước Trung Á trong đó có Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan còn là trung tâm của Chính sách hướng Bắc mới mà chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy nhằm tăng cường đáng kể hợp tác kinh tế và ngoại giao với các nước Trung Á và Á - Âu, trong đó có Nga. Điều quan trọng hơn, Triều Tiên vốn có quan hệ ngoại giao với 5 nước Trung Á trong đó có Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan, bởi thế, củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước này là một hướng đi của Hàn Quốc nhằm tìm kiếm nhiều hơn tiếng nói ủng hộ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời mở ra một con đường kết nối Bán đảo Triều Tiên với lục địa Á - Âu.

Trong khi đó, về phía các nước Trung Á, có một thực tế là kể từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các quốc gia mới nằm trong không gian hậu Xô viết đã thành lập cơ chế Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Mục tiêu của cơ chế này là nhằm tạo ra một thể chế có đủ khả năng giải quyết các vấn đề an ninh, kinh tế và năng lượng trong khu vực. Các nước Trung Á điển hình như Kazakhstan cũng tăng cường hợp tác với Mỹ, EU hay Trung Quốc. Do vậy, đối tác Hàn Quốc với nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực cũng là một trong những lựa chọn tốt để các nước Trung Á đa dạng hóa mối quan hệ, tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác để có thể tự chủ hơn nữa về mọi mặt.

Chính phủ Italy nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Sau cuộc họp nội các ngày 24-4, Chính phủ Italy thông qua kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch này được Chính phủ Italy đưa ra nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang bị tụt hậu so với nhiều nền kinh tế lớn thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khác trong hai thập niên qua.

Tháng 12-2018, Italy công bố Kế hoạch ngân sách cho năm 2019 theo hướng gia tăng chi tiêu. Theo đó, Italy sẽ cắt giảm một số chi phí cơ bản nhằm tránh làm gia tăng đáng kể nợ công vốn đang ở mức 2.300 tỷ euro, tương đương 131,7% GDP, cao hơn rất nhiều so với mức trần quy định 60% của EU. Đáng chú ý, thâm hụt ngân sách năm 2019 của Italy được điều chỉnh xuống mức tương đương 2,04% GDP. Đây là “bước đi đầu tiên của một kế hoạch cải cách rộng rãi và đầy tham vọng” nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa có tác động đáng kể nào. GDP sụt giảm lần lượt 0,1% trong quý III/2018 và 0,2% trong quý IV/2018. Tình trạng này làm gia tăng những khó khăn về ngân sách của chính phủ, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh, đồng thời khiến lòng tin tiêu dùng bị sụt giảm. Nghiêm trọng hơn, hoạt động kinh tế yếu kém của Italy có thể khiến cho tình trạng xã hội trở nên bất ổn. Hồi tháng 02-2019, hàng trăm nghìn người dân Italy đã đổ xuống các đường phố tại thủ đô Rome nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của những nghiệp đoàn phản đối một số chính sách kinh tế của chính phủ cánh hữu Italy.

Trước tình trạng suy thoái của Italy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng “giảm tốc” có thể gây nhiều khó khăn cho kinh tế Italy, nơi khoảng 20% GDP mỗi năm bị “nuốt chửng” bởi các khoản thanh toán cho nợ công của nước này. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Italy chỉ là 0,1%.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng có những đánh giá tương tự khi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Italy chỉ đạt 0,2%, 0,8% năm 2020. Không chỉ các tổ chức kinh tế quốc tế đưa ra những dự báo kém lạc quan về triển vọng kinh tế của Italy mà Chính phủ Italy cũng bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Những khó khăn về kinh tế không chỉ gây tác động xấu đến nội tình của Italy, mà còn khiến nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone trở thành một mắt xích yếu trong khối này. Đó chính là lý do Chính phủ Italy thông qua kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo kế hoạch, Chính phủ Italy sẽ thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, khuyến khích đầu tư và đơn giản hóa thủ tục về đấu thầu các dự án công. Bên cạnh đó, tiến hành đền bù cho những người gửi tiền tiết kiệm bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Ngoài ra, kế hoạch này còn cho phép chính phủ nắm giữ một lượng cổ phần trong bất kỳ đơn vị nào được thành lập để giải cứu Hãng hàng không Alitalia vốn đang trong tình trạng khó khăn.

Cử tri Ai Cập tiếp tục kỳ vọng vào Tổng thống

 
 Cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu. Ảnh: TTXVN

Đa số cử tri Ai Cập ủng hộ sửa đổi hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra từ ngày 20 đến 22-4. Với kết quả này, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi được kéo dài thêm hai năm tới năm 2024, và có thể tiếp tục ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ngày 23-4, Cơ quan Bầu cử quốc gia (NEA) của Ai Cập tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, theo đó tỷ lệ cử tri ủng hộ việc sửa đổi một số nội dung trong Hiến pháp của nước này là 88,83%. Những nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong Hiến pháp của Ai Cập bao gồm việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên thành 6 năm, cho phép Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi có thể kéo dài thời gian cầm quyền đến năm 2030 và tăng quyền kiểm soát của ông đối với bộ máy tư pháp. Giới phân tích khẳng định, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm của người dân Ai Cập muốn ông El-Sisi kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước, đồng thời có cơ hội tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

Tuy nhiên, dù nhận được sự tín nhiệm của người dân Ai Cập trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp, tình hình trong nước và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay cũng báo hiệu Tổng thống El-Sisi sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn trong chặng đường phía trước.

Có thể thấy, an ninh vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo của Ai Cập. Bất chấp Chiến dịch Sinai 2018, tình hình an ninh trong nước vẫn bất ổn khi làn sóng tấn công của các nhóm khủng bố ngày một gia tăng, gây thương vong lớn cho lực lượng an ninh và dân thường. Ngoài mối đe dọa tử Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Ai Cập cũng đứng trước nạn khủng bố từ một số tổ chức cực đoan khác, trong đó nổi bật có nhóm Hasm có quan hệ với Tổ chức Anh em Hồi giáo. Đặc biệt, hàng trăm công dân Ai Cập, được cho là đã tới các nước Syria, Libya và Iraq để tham gia các nhóm thánh chiến khác nhau, trong đó có IS, nay trở về Ai Cập, cũng đang là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia Bắc Phi này.

Tốc độ tăng trưởng dân số “quá nóng” cũng là bài toán khó ở Ai Cập hiện nay. Số liệu thống kê của Chính phủ Ai Cập cho thấy, dân số nước này đã tăng vọt từ 99 triệu người vào tháng 6-2016, lên mức 101 triệu người hiện nay. Giới chức Ai Cập cảnh báo việc dân số gia tăng nhanh chóng sẽ cản trở các kế hoạch phát triển của nước này, đặt ra thách thức trong việc bảo đảm để mọi người dân được tiếp cận với nền giáo dục, các cơ hội về việc làm và dịch vụ y tế.

Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống El-Sisi vẫn sẽ triển khai chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ. Trong khi đẩy mạnh mối quan hệ đặc biệt với các nước đồng minh khu vực như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Cairo không ngừng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước có tiềm năng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, củng cố vai trò và vị thế của Ai Cập trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời triển khai chính sách Hướng Đông nhằm đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Với vai trò trung tâm của tiến trình ngoại giao Trung Đông, Ai Cập sẽ tiếp tục chủ động thúc đẩy các sáng kiến giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Với những trọng trách nặng nề, cử tri Ai Cập hy vọng, việc ủng hộ sửa đổi hiến pháp sẽ là cơ sở quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia.

Nguy cơ khó lường khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới khi ngày 22-4, Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Động thái này cho thấy, Mỹ thể hiện quyết tâm siết chặt trừng phạt Iran trên mọi mặt trận, khiến dư luận lo ngại về những nguy cơ khó lường có thể xảy ra.

Trước quyết định của Mỹ, Chính phủ Iran khẳng định quyết định này của Mỹ là “không có giá trị”, đồng thời cho biết Tehran đã liên lạc với các đối tác châu Âu và các nước láng giềng, đồng thời sẽ “có hành động phù hợp”.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran cho thấy, Washington đang tìm cách đánh vào doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran với mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran về 0, từ đó kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Tehran, cũng như sức ảnh hưởng về quân sự và chính trị của quốc gia Trung Đông này trong khu vực. Nhà Trắng cũng hy vọng khi kinh tế khó khăn, ảnh hưởng và vai trò của Iran trong khu vực sẽ giảm sút. Quyết định mới của Mỹ được coi là đợt “tấn công” toàn diện nhằm triệt tiêu nền kinh tế Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với sản lượng gần 3 triệu thùng dầu/ngày.

Các nhà phân tích cho rằng, quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt mua dầu thô Iran của Mỹ khiến Iran khó tránh khỏi khó khăn lâu dài khi nguồn thu từ dầu mỏ giảm, đồng nội tệ tiếp tục mất giá, đời sống khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), kinh tế Iran có thể suy giảm 4% năm 2019.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, động thái trên của Mỹ có thể sẽ làm phá vỡ các liên kết kinh tế và ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu và làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Có thể nói, Iran là một thế lực nổi trội và có nhiều tiềm lực trong khu vực. Theo các phân tích, nếu bị “dồn vào đường cùng”, Tehran có thể sử dụng các “quân bài” như nối lại chương trình hạt nhân, rút khỏi thỏa thuận với Nhóm P5+1, hoặc đóng cửa Eo biển Hormuz - tuyến đường huyết mạch nối các nước xuất khẩu dầu thô tại Trung Đông với các thị trường chủ chốt tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ cũng như nhiều khu vực khác.

Ở khu vực Trung Đông, sự liên quan giữa dầu mỏ và chính trị luôn phức tạp, dầu mỏ có thể trở thành vũ khí tấn công và đôi khi lại là mồi lửa đủ để biến cả khu vực thành “chảo lửa” chẳng thể dập tắt. Sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” cho trật tự thế giới.

Người dân Ukraine lựa chọn sự thay đổi

 
 Tổng thống Ukraina V. Zelensky. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Ukraine khép lại với việc ứng cử viên V. Zelensky giành chiến thắng áp đảo trước Tổng thống đương nhiệm P. Poroshenko. Việc ông V. Zelensky giành chiến thắng cho thấy sự lựa chọn thay đổi của người dân Ukraine.

Kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Ukraine ngày 21-4 cho thấy, ứng cử viên V. Zelensky, lãnh đạo đảng “Người phục vụ nhân dân”, đã giành chiến thắng áp đảo trước Tổng thống đương nhiệm P. Poroshenko. Theo kết quả thăm dò của nhiều trung tâm nghiên cứu, ông V. Zelensky đã đánh bại ông P. Poroshenko với 73% số phiếu ủng hộ.

Phát biểu họp báo sau khi kết quả thăm dò được công bố, ông V. Zelensky cam kết sẽ “tái khởi động” tiến trình hòa đàm với các bên theo thỏa thuận Minsk, khẳng định điều quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine P. Poroshenko đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống P. Poroshenko khẳng định, ông sẵn sàng giúp đỡ nhà lãnh đạo mới của đất nước. Ông cho biết sẽ rời nhiệm sở vào tháng sau, nhưng sẽ không từ bỏ chính trị.

Theo kế hoạch, kết quả chính thức cuộc bầu cử sẽ được Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine công bố ngày 01-5 và tổng thống mới dự kiến sẽ nhậm chức không muộn hơn ngày 03-6.

Trước đó, ngày 31-3, Ukraine đã tiến hành bầu cử tổng thống. Dẫn đầu vòng một là ông V. Zelensky với 30,24% số phiếu ủng hộ, trong khi Tổng thống P. Poroshenko nhận được 15,95% phiếu bầu, tiếp đó là cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, Thủ lĩnh đảng “Batkivschina”, có tỷ lệ phiếu ủng hộ là 13%. Do không ứng cử viên nào giành trên 50% số phiếu nên hai ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu là ứng cử viên Volodymyr Zelensky và Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko đã bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vòng hai, diễn ra ngày 21-4.

Sau khi các kết quả thăm dò được công bố, người dân Ukraine đã xuống đường bày tỏ lạc quan về nhà lãnh đạo mới của đất nước. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước chúc mừng ứng cử viên đắc cử V. Zelensky. Tổng thống Pháp E. Macron và người đồng cấp Ba Lan A. Duda đã gửi lời chúc mừng tới ông V. Zelensky. Trong khi đó, trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Anh J. Hunt khẳng định sự ủng hộ của nước Anh đối với quốc gia Đông Âu này. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) J. Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu D. Tusk khẳng định tiếp tục ủng hộ và hợp tác với Ukraine. Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cũng gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử V. Zelensky. Giới chức Nga đã hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng, người dân Ukraine “đã bỏ phiếu vì sự thay đổi”. Hãng tin Sputnisk dẫn lời Thứ trưởng Karasin nói: “Giờ là lúc nhà lãnh đạo mới của Ukraine hiểu và thực hiện những khát vọng của cử tri”.

Trước việc ứng cử viên V. Zelensky giành chiến thắng áp đảo, các chuyên gia phân tích cho rằng, cử tri Ukraine đã thể hiện mong muốn có sự thay đổi, ở cả vấn đề trong và ngoài nước. Giải mã về sự kiện này, chuyên gia chính trị học Ukraine A. Palyi cho rằng xã hội Ukraine hiện cần những gương mặt mới, và ông V. Zelensky đã đáp ứng nhu cầu đó. Ông V. Zelensky đã tranh cử bằng cách rất đơn giản là đi ngược lại tất cả các đối thủ khác. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Ukraine, các ứng cử viên nghiêng về ba nhóm: nhóm dân tộc - yêu nước hướng tới ngả hẳn sang phương Tây; nhóm thỏa hiệp mong muốn lập lại hòa bình một cách nhanh nhất và nhóm “chống lại tất cả” tập hợp những gương mặt mới không được coi là các chính trị gia. Nhóm thứ nhất cũng đông đảo nhất, trong đó có hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm P. Poroshenko và thủ lĩnh đảng “Batkivschina” Y. Tymoshenko. Cho dù là hai đối thủ, song hai ứng cử viên này có quan điểm tương tự nhau về quan hệ “chiến tranh hay hòa bình” với Nga, về hội nhập NATO và EU, về nền an ninh và quan hệ với phương Tây, chỉ khác nhau ở mức độ gay gắt. Trong khi ông V. Zelensky là ứng cử viên nằm trong nhóm thứ ba “chống lại tất cả”. Ông đã tạo nên “hiện tượng” khi từ một diễn viên nổi tiếng trở thành nhân vật dẫn đầu cuộc đua, trở thành tổng thống trong một thời gian ngắn.

Dù ứng cử viên V. Zelensky giành chiến thắng áp đảo tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Ukraine, song việc thiết lập trật tự chính trường, hòa bình ở khu vực miền Đông, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, giữ gìn ổn định xã hội, củng cố vị thế quốc gia, lựa chọn đường lối Đông hay Tây… sẽ là những thách thức trong nhiệm kỳ tổng thống mới./.