Bắc Ninh: Tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nguyễn Văn Đại Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh
15:10, ngày 11-02-2019

TCCS - Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn coi trọng chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp đô thị hiện đại và bền vững. Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, Bắc Ninh luôn có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản an toàn...

Những bước tiến quan trọng

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn ra phức tạp, nhưng nhờ chú trọng và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nên sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh vẫn có những bước tiến quan trọng: giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khá: năm 2017 ước đạt 8.654,5 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng khoảng 675 tỷ đồng so với năm 2010 và tăng 7.845 tỷ đồng so với năm 1997. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt gần 110 triệu đồng, tăng gấp khoảng 6 lần so với năm 1997. Kết quả ứng dụng công nghệ cao cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

Trong lĩnh vực trồng trọt: toàn tỉnh hiện có 8 vùng sản xuất rau, quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 37,65ha; 5 vùng sản xuất lúa an toàn đạt hiệu quả VietGAP với tổng diện tích 110ha; 1 mô hình sản xuất khoai tây giống từ củ nuôi cấy mô, diện tích 0,2ha; 29 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính có tổng diện tích khoảng 20ha. Đặc biệt, mô hình trồng rau tía tô trong nhà kính tại huyện Lương Tài (Công ty May mặc Hồ Gươm) với tổng diện tích 11,4ha, trong điều kiện thuận lợi có thể cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 95%, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt khoảng 50%, khâu thu hoạch đạt khoảng 70%, khâu gieo, cấy đạt khoảng 10% và đang dần được triển khai mở rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, các sản phẩm của công nghệ sinh học, sử dụng thức ăn chăn nuôi theo độ tuổi, công nghệ chuồng kín với hệ thống máng ăn, máng uống và điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi tự động, công nghệ xử lý chất thải bằng bể biogas, chế phẩm sinh học, máy ép tách phân,... được áp dụng rộng rãi vào sản xuất chăn nuôi trang trại, sơ chế, chế biến thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh hiện có 54 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, có 3 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 5 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống.

Trong lĩnh vực thủy sản: hình thành 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung (quy mô 10ha trở lên) với tổng diện tích 3.229ha, trong đó diện tích có sử dụng máy quạt nước, chế phẩm sinh học xử lý môi trường là 1.875ha; bước đầu đưa công nghệ nuôi cá sông trong ao, Biofloc vào sản xuất có hiệu quả; hình thành 22 vùng nuôi cá lồng trên sông với tổng số lồng nuôi đạt khoảng 1.628 lồng, năng suất đạt 4-6 tấn/ lồng; có 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, cho thu nhập khoảng 250 triệu/ha/năm; có 3 cơ sở sản xuất cá giống áp dụng cộng nghệ đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, an ninh lương thực được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao...

Tồn tại, hạn chế và một số giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Bắc Ninh vẫn còn những hạn chế, đó là: sản xuất về cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, manh mún; việc ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm còn ít; một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như lúa VietGAP, rau an toàn VietGAP còn khó nhân ra diện rộng; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp – nông thôn từng bước được đổi mới nhưng liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế chưa nhiều, chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong điều kiện mới của nền kinh tế thế giới, cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, ứng dụng cộng nghệ thông minh vào sản xuất và quản lý sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức mạnh cạnh tranh cao.

Để đạt được những mục tiêu đó, trước hết cần thay đổi nhận thức của nông dân về vai trò của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa “5 nhà”: nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp - ngân hàng - nhà nông. Trong đó, xác định doanh nghiệp là nòng cốt, là động lực; ứng dụng khoa học kỹ thuật là điều kiện tiên quyết, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là điều kiện ổn định cho sản xuất phát triển. Đồng thời, cần coi trọng công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận và thay đổi nhận thức của toàn xã hội về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn với sức khỏe con người. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, tiếp tục rà soát, mở rộng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn, phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng vùng. Mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng khác (cây ăn quả, rau, hoa, cây dược liệu) có giá trị kinh tế cao hơn hoặc phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, cần linh hoạt điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song song với việc quy hoạch, cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tiếp tục thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, khuyến khích chuyển nhượng hoặc cho thuê ruộng đất theo hướng lâu dài, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp có đất để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hai là, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ cho các cơ sở sản xuất, nghiên cứu trên địa bàn tỉnh; tăng cường hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước để nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhất là trong việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, các quy trình canh tác hiện đại vào sản xuất. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện có trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư khoa học, công nghệ để nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm công nghệ cao áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đồng thời làm nơi chuyển giao khoa học, công nghệ và hỗ trợ tư vấn cho nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, từng vùng, từng địa phương căn cứ vào lợi thế và điều kiện cụ thể để lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi và công nghệ sản xuất phù hợp nhằm tạo ra hiệu quả sản xuất cao nhất; nghiên cứu, học tập mô hình và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở trong và ngoài nước, áp dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho nông dân, nhất là các chủ trang trại để giúp nông dân và chủ trang trại nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đưa vào sản xuất.

Bốn là, tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản để tăng sức cạnh tranh. Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là thành phố Hà Nội trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm an toàn. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xây dựng, phát triển các thương hiệu sản phẩm, trước mắt tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của các doanh nghiệp và sản phẩm mang tính đặc thù của tỉnh, như khoai tây, cà rốt, lúa nếp cái hoa vàng, lúa tẻ thơm, các giống lợn, gà; mở rộng sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh thực hiện truy suất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp... Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ triển lãm về nông nghiệp ở trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tới các vùng miền, trong nước và thế giới.

Năm là, trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp được xác định là đầu kéo, là động lực thúc đẩy phát triển. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những chính sách đặc thù để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như tạo điều kiện thuận lợi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng dự án theo hình thức hợp đồng công - tư...

Sáu là, tổ chức thực hiện tốt Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020” bảo đảm các mục tiêu đề ra. Các địa phương, đơn vị giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án cần tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiệm túc Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt theo Quyết định số 19/QĐ-UBND, ngày 27-5-2015. Kết hợp với tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; xây dựng mô hình hạt nhân về ứng dụng công nghệ cao để tuyên truyền, giúp nông dân nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới chủ động đưa vào sản xuất./.