Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến 24-6-2018)
TCCSĐT - Ông Ivan Duque đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Colombia. Trở thành tổng thống Colombia, nhà lãnh đạo mới này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết trong nhiệm kỳ 4 năm tới.
Tân Tổng thống Colombia đối mặt với nhiều thách thức
Tân Tổng thống Colombia Ivan Duque. Ảnh: Gettyimages
Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh xã hội nước này đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là nỗi lo ngại khi cánh hữu lên nắm quyền sẽ xóa bỏ hoặc thay đổi ít nhiều những điều khoản của thỏa thuận hòa bình, và một bên là những người không muốn mô hình xã hội bị thay đổi. Điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình với chính phủ Colombia hồi năm 2016, chấm dứt 5 thập niên giao tranh, khiến hơn 220.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã giải giáp và tham gia vào cuộc bầu cử lần này với tư cách là một chính đảng được xã hội công nhận dưới tên Lực lượng Cách mạng Thay thế chung (vẫn chính là FARC), trong khi lực lượng nổi dậy Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) cũng đang trong quá trình đàm phán hòa bình và đã tuyên bố ngừng bắn trong thời gian bầu cử.
Chính vì vậy, trong những năm tới, Tổng thống đắc cử I. Duque phải đối mặt với việc giữ vững được thỏa thuận hòa bình đã ký kết với FARC, cũng như tìm kiếm một thỏa thuận tương tự với nhóm ELN, để từ đó tạo được sự ổn định về chính trị, cũng như sự gắn kết trong xã hội để đưa Colombia bước vào một thời kỳ mới mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế cũng là một thách thức. Trong báo cáo đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế của Colombia ngày 12-6, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đánh giá cao triển vọng tăng trưởng lạc quan của Colombia, đồng thời kêu gọi quốc gia Nam Mỹ này đa dạng hóa cấu trúc nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Báo cáo đánh giá về chính sách thương mại của Colombia trong giai đoạn 2012 - 2017 của WTO cho biết, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ 4 Mỹ Latinh đạt 4% năm 2012 và năm 2013. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, con số này bắt đầu giảm và chỉ đạt 1,8% năm 2016, dù Chính phủ nước này đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế quan, thay đổi cơ chế đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. GDP của Colombia giảm trong những năm qua do nhu cầu tiêu dùng trong nước và kim ngạch xuất khẩu giảm, đặc biệt ở mặt hàng dầu khí và nguyên liệu thô.
Chính phủ mới của Colombia cũng phải nỗ lực thúc đẩy chính sách thương mại mở cửa, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào nguyên liệu thô, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hải quan, hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý và triển khai hệ thống giám sát rủi ro.
Trong khi đó, mối quan tâm cấp thiết của hàng triệu người dân Colombia như bảo đảm an ninh, từng bước lấp đầy khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (vốn là đặc trưng của Colombia trong nhiều thập niên qua), giảm tỷ lệ đói nghèo, bất bình đẳng, giáo dục, y tế và tham nhũng cũng là những thách thức không hề nhỏ mà chính phủ mới của Colombia phải đối mặt.
Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley. Ảnh: geneve.usmission.gov
Ngày 19-6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley thông báo, Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đồng thời cho rằng, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có quan điểm thành kiến chống lại Israel.
Đại sứ Mỹ N. Haley nhấn mạnh, quyết định này được đưa ra trước thực tế là không một quốc gia nào “có can đảm để ủng hộ các cuộc đấu tranh” do Mỹ khởi xướng nhằm cải cách tổ chức. Tuy nhiên, bà N. Haley cũng nêu rõ, việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc không có nghĩa là nước này rút lui khỏi các cam kết đối với nhân quyền.
Phản ứng sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, người phát ngôn Liên hợp quốc - ông S. Dujarric cho biết: “Tổng Thư ký Liên hợp quốc muốn Mỹ tiếp tục ở lại trong Hội đồng Nhân quyền. Kết cấu của cơ quan này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Vojislav Šuc cho biết, vấn đề thay thế vị trí mà Mỹ để lại tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được xem xét tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Vojislav Šuc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Hội đồng Nhân quyền mạnh mẽ và năng động, giữ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thế kỷ XXI, trong bối cảnh hiện nay khi các giá trị, sức mạnh của chủ nghĩa đa phương và quyền con người luôn là những vấn đề được đề cập hằng ngày.
Tuy nhiên, ông Vojislav Šuc cũng khẳng định, quyết định của Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là quyền của các quốc gia thành viên, đồng thời cho rằng, Mỹ đã rất tích cực tại Hội đồng Nhân quyền sau khi cam kết tham gia một cách xây dựng nhằm cải thiện nhân quyền, cuộc sống của con người nói chung, trong đó có cả những vấn đề đang được đề cập trong kỳ họp thường niên hiện diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ). Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền nhấn mạnh, Hội đồng Nhân quyền cần luôn có được những cam kết xây dựng của các quốc gia thành viên.
Kể từ khi Tổng thống D. Trump lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Mỹ đã có nhiều động thái đi ngược lại với chính quyền tiền nhiệm như rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cắt giảm tài trợ cho nhiều cơ quan Liên hợp quốc, và nhất là công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn được Liên hợp quốc ủng hộ. Tháng 5-2018, Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên đã bỏ phiếu tiến hành cuộc điều tra vụ giết người ở Dải Gaza và cáo buộc Israel sử dụng vũ lực quá mức. Khi đó, Mỹ và Australia bỏ phiếu chống; còn Đại sứ Israel tại Geneva, Aiva Raz Shechter thì lên án Hội đồng “tuyên truyền những lời dối trá chống Israel”.
Khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza trở nên nghiêm trọng
Ảnh minh họa. Ảnh: AP
Các cuộc đụng độ đẫm máu liên tiếp leo thang trong những ngày gần đây giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine tại Dải Gaza. Căng thẳng tại Dải Gaza đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng tại khu vực này.
Ngày 18-6, quân đội Israel thông báo, các máy bay của Israel đã tiến hành 9 cuộc không kích liên tiếp nhằm vào phong trào Hồi giáo Hamas ở khu vực miền Bắc Dải Gaza, nhằm đáp trả việc diều và bóng lửa gây cháy được thả từ vùng lãnh thổ này, gây thiệt hại tài sản cho phía Israel. Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Quân đội Israel cho biết 3 quả rocket đã được phóng về phía lãnh thổ Israel, song một quả rơi xuống Dải Gaza. Hiện chưa có báo cáo thương vong từ vụ phóng rocket hay từ các vụ không kích này.
Trước đó, ngày 17-6, Israel đã tiến hành 5 cuộc không kích liên tiếp nhằm vào những vị trí thả diều và bóng lửa, cũng như mục tiêu Hamas tại Gaza. Trong ngày 16-6, ít nhất 2 người Palestine đã bị thương do trúng một tên lửa phóng từ một máy bay không người lái của Israel ở phía Đông trại tị nạn al-Bureij giáp giới với Israel.
Nhiều tuần gần đây, phía Palestine áp dụng chiến thuật mới bằng cách thả diều có mang theo giẻ tẩm dầu hoặc than cháy dọc biên giới Gaza để phóng hỏa đất canh tác và các khu rừng khô cằn, trong khi một số mang theo thiết bị nổ nhỏ, nhằm gây ra thiệt hại diện rộng. Trong một thông báo, quân đội Israel nhấn mạnh, đây là các hành động khủng bố gây nguy hiểm cho người dân Israel sinh sống tại khu vực phía Nam Israel, và gây thiệt hại diện rộng trên lãnh thổ nước này.
Trên thực tế, căng thẳng leo thang dọc biên giới giữa Israel và Dải Gaza do Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine kiểm soát, khi người Palestine biểu tình dọc biên giới từ ngày 30-3 vừa qua nhằm đòi quyền hồi hương cho người tị nạn Palestine sau khi Mỹ chuyển đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Theo nguồn tin y tế tại Gaza, ít nhất 125 người Palestine bị thiệt mạng và 14.000 người bị thương kể từ đó.
Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza ngày càng leo thang khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này trở nên trầm trọng, phái bộ Liên hợp quốc tại Palestine cảnh báo tới năm 2020, Gaza sẽ trở thành mảnh đất không thể sinh sống nếu không có những hành động cụ thể để cải thiện các dịch vụ cơ bản và hạ tầng cơ sở ở đây. Do vậy, việc đạt được những giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng, bảo vệ người dân tại Dải Gaza là một vấn đề mang tính cấp thiết và cần sự nỗ lực mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ D.Trump đảo ngược chính sách di trú gây tranh cãi
Tổng thống Mỹ D. Trump ký sắc lệnh hành pháp nhằm tránh chia cắt các gia đình nhập cư. Ảnh: TTXVN
Nhằm bảo vệ các chính sách cứng rắn đối với vấn đề chống nhập cư, ngày 21-6, Tổng thống Mỹ D. Trump đã áp dụng chính sách chia cắt các gia đình nhập cư trái phép, theo đó tách trẻ em khỏi bố mẹ tại biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên trước sự phản đối của dư luận Mỹ cũng như quốc tế, nhà lãnh đạo Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm tránh chia cắt các gia đình nhập cư.
Theo sắc lệnh mới vừa ban hành, những đối tượng là người trưởng thành vượt biên trái phép, kể cả có ý định xin cấp quy chế tị nạn, sẽ bị bắt giữ và buộc tội xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Mỹ. Đây là quy định được bảo lưu so với văn bản công bố hôm 07-5. Mặc dù trẻ em trong những nhóm gia đình di cư vượt biên trái phép sẽ không bị chia tách khỏi cha mẹ, nhưng Bộ An ninh nội địa Mỹ sẽ tiếp quản từ Bộ Tư pháp và Bộ Dịch vụ con người và nhà ở trách nhiệm giam giữ những nhóm gia đình này. Các gia đình này sẽ bị giam giữ trong thời gian chờ tòa xét xử và thời gian các cơ quan chức năng Mỹ xét duyệt đơn xin nhập cư. Khoảng thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng tới vài năm. Vì vậy, chính quyền của Tổng thống D. Trump sẽ tìm cách thay đổi quy định Định cư Flores 1997, theo đó cấm việc giam giữ trẻ em quá 20 ngày. Sắc lệnh của Tổng thống D. Trump cũng nêu rõ các trường hợp di cư có yếu tố gia đình sẽ được ưu tiên xem xét.
Ngoài ra, sắc lệnh mới của Tổng thống D. Trump chỉ thị Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép việc sử dụng các tòa nhà sẵn có làm nơi lưu trú tạm thời cho những người di cư phi pháp và trong trường hợp cần thiết có thể xây thêm nhiều tòa nhà mới.
Phát biểu với báo giới sau khi ký sắc lệnh hành pháp nhằm tránh chia cắt các gia đình nhập cư, Tổng thống D. Trump nêu rõ, sắc lệnh này liên quan đến việc để cho thành viên các gia đình nhập cư bất hợp pháp ở cùng nhau, đồng thời bảo đảm rằng nước Mỹ có một biên giới “vô cùng vững mạnh”.
Quyết định của Tổng thống D. Trump đảo ngược lại chính sách di trú gây tranh cãi chia tách cha mẹ nhập cư trái phép khỏi con cái mình và cho các gia đình này được đoàn tụ đã nhận được những phản ứng tích cực từ quốc tế, trước tiên là tại các nước Trung Mỹ.
Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Mexico L. Videgaray đã nhận định về quyết định mới của Tổng thống Mỹ: “Không còn nghi ngờ gì - đây là một tin tức tốt lành, chấm dứt sự chia rẽ dã man và vô nhân đạo các trẻ em nhập cư với cha mẹ chúng”. Chính phủ Guatemala cũng “hoan nghênh quyết định của Tổng thống D. Trump đảo ngược lại chính sách di trú đang làm ly tán các gia đình”. Trong khi đó, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández, người đang có chuyến thăm chính thức tới Mỹ, đánh giá tích cực quyết định của người đồng cấp D. Trump.
Có thể thấy sắc lệnh hành pháp nhằm tránh chia cắt các gia đình nhập cư là động thái đảo chiều chính sách đáng kể nhất của ông D. Trump kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo nước Mỹ vào tháng 01-2017. Bởi trước chính sách chia cắt các gia đình nhập cư trái phép này, chính quyền của Tổng thống D. Trump cũng từng gây tranh cãi bởi các chính sách nhập cư khắt khe. Tuy nhiên, sắc lệnh mới cũng khiến người đứng đầu nước Mỹ đối mặt với một thách thức khác là làm thế nào để không chia rẽ gia đình nếu cha mẹ của những đứa trẻ bị tạm giữ trong một thời gian dài do nhập cư trái phép.
Triều Tiên và Trung Quốc khẳng định “mối liên lạc chiến lược”
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuteur
Trong hai ngày 19 và 20-6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện chuyến thăm Trung Quốc. Tại cuộc hội đàm ở Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa hai nước và những diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đánh giá cao sự hợp tác chiến lược được củng cố gần đây giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai đảng và nhân dân hai nước. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cảm ơn và đề cao Trung Quốc trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như vai trò của Bắc Kinh trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định của bán đảo này. Ông Kim Jong-un cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với “triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và Tổng thống Mỹ D. Trump hôm 12-6 tại Singapore. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cam kết hợp tác với các lãnh đạo Trung Quốc để bảo đảm “hòa bình thật sự” trong quá trình “mở ra một tương lai mới” trên Bán đảo Triều Tiên.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ D. Trump đưa tình hình bán đảo Triều Tiên theo hướng đối thoại đàm phán, hòa bình và ổn định. Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ ủng hộ hoàn toàn lập trường và quyết tâm của Triều Tiên phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong tương lai.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Washington đang chuẩn bị đối thoại cấp cao để thúc đẩy thực hiện tuyên bố 4 điểm giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống D. Trump. Đánh giá về sự kiện này, các nhà phân tích cho rằng, trong quá trình cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên cũng rất cần sự hợp tác của Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - để phát triển kinh tế. Trong khi đó về phía Trung Quốc, nước này cũng có thể mở rộng vai trò, tham gia sâu hơn vào tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như tình hình đang biến đổi nhanh chóng trên Bán đảo Triều Tiên.
Với những thông điệp tích cực trong chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, có thể khẳng định rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn là “mối liên lạc chiến lược”./.
Tăng cường quan hệ Việt Nam với các nước thông qua các cơ chế đa phương  (25/06/2018)
Ông Erdogan tuyên bố giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ  (25/06/2018)
Ngày đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia  (25/06/2018)
Khai giảng Lớp bồi dưỡng phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương  (25/06/2018)
Khai mạc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng  (25/06/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển