TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018), trên cả nước, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động báo chí sôi động.

* Ngày 21-6, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018) và trao Giải báo chí Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 36.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua, đội ngũ những người làm báo thành phố đã phản ánh đa dạng, phong phú về đời sống kinh tế - xã hội. Báo chí không chỉ coi trọng việc phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay mà còn tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; qua đó, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thành phố.

Bà Thân Thị Thư cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân; tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh cũng như dư luận xã hội trong và ngoài nước. Vì vậy, trách nhiệm của người làm báo ngày nay càng nặng nề hơn, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Báo chí cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục và phản biện xã hội vì lợi ích của nhân dân, đất nước; đồng thời, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần nhân cái đẹp, dẹp cái xấu trong xã hội. Mỗi nhà báo phải thể hiện được trách nhiệm và bản lĩnh của mình, giữ vững tư chất của nhà báo cách mạng, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, đất nước.

Thông tin về Giải báo chí thành phố năm 2018, ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, giải năm nay có 226 tác phẩm của 20 đơn vị báo, đài dự thi với 5 nhóm thể loại báo chí, trong đó có 129 tác phẩm vào chung khảo. Ban tổ chức đã chọn 66 tác phẩm xuất sắc nhất để vinh danh, trao thưởng. Nội dung các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, đi sâu phản ánh thực tiễn cuộc sống một các khách quan, đa dạng; đồng thời, thông tin nhanh chóng, chính xác, toàn diện về công tác quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo thành phố.

* Cùng ngày, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ tổ chức lễ kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; tổng kết trao giải báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố Cần Thơ lần thứ XII, năm 2017 - 2018.

Theo ông Đỗ Hoàng Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ, thành phố Cần Thơ là 1 trong 4 trung tâm báo chí lớn của cả nước với hơn 1.000 cán bộ, nhà báo, phóng viên đang công tác tại 60 cơ quan, văn phòng đại diện. Hằng năm, các cơ quan báo chí của thành phố và báo chí Trung ương đăng phát gần 4.000 tin, bài. Nội dung các tin, bài bám sát thực tiễn đời sống, phản ánh các chủ trương, chính sách, pháp luật, sự lãnh đạo điều hành, quản lý của Đảng bộ, chính quyền thành phố, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội an ninh - quốc phòng. Báo chí trên địa bàn cũng thông tin về những nhân tố mới, mô hình tốt, cách làm hay, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng trật tự kỷ cương đô thị, an toàn giao thông… gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ cũng tổng kết và trao giải báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố Cần Thơ lần thứ XII, năm 2017 - 2018. Theo đó, có 37 giải thưởng được trao cho 4 thể loại báo chí gồm: báo in có 10 tác phẩm, báo hình có 9 tác phẩm, báo nói có 9 tác phẩm và ảnh báo chí có 9 tác phẩm. Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 8 giải nhì, 12 giải ba và 15 giải khuyến khích cho các tác giả.

Các tác phẩm dự thi phản ánh toàn diện các mặt đời sống xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung đề tài vừa đáp ứng được yêu cầu của cuộc thi vừa phản ánh được nét riêng của mỗi địa phương và những vấn đề mang tính lan tỏa cho cả vùng. Chất lượng các loại hình báo chí tham gia giải khá đồng đều.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao Cờ thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam cho Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ đã được nhận Cờ thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam; phát động cuộc thi giải báo chí Phan Ngọc Hiển thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, năm 2018 - 2019.

* Ngày 21-6, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh trao đổi, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm và định hướng thông tin 6 tháng cuối năm 2018.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan báo chí đều hoạt động đúng tôn chỉ, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống, thực hiện đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo chuyển biến nhận thức, đồng thuận, giúp tỉnh Hưng Yên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

*Ngày 21-6, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018) và trao Giải thưởng báo chí lần thứ XI, năm 2017.

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà đã điểm lại những mốc quan trọng của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ở Phú Yên, hoạt động báo chí cách mạng đã có từ những năm 1946. Đến nay đội ngũ nhà báo không ngừng lớn mạnh với hơn 200 người gồm các cơ quan báo chí Trung ương và hệ thống báo chí địa phương. Đội ngũ nhà báo luôn đi đầu trong phản ánh các sự kiện và là “cầu nối” góp phần quan trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà gửi lời chúc mừng và mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Phú Yên.

* Ngày 21-6, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018) và trao thưởng Giải Báo chí tỉnh năm 2018.

Dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa được nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Ban Tổ chức giải Báo chí tỉnh năm 2018 đã trao 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Hai giải nhất gồm các tác phẩm: loạt bài “Phòng chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 12” của nhóm tác giả Báo Khánh Hòa và tác phẩm “Bộ mặt thật của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh” của nhóm tác giả Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa.

*Ngày 21-6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; tổng kết, trao giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng năm 2017 và phát động giải Báo chí Búa Liềm vàng 2018.

Hoạt động các cơ quan báo chí trong tỉnh có nhiều tiến bộ, hệ thống báo chí đã thực hiện tốt, chức năng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, của các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã bám sát cơ sở, quyết tâm cao độ để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao là chuyển tải thông tin, phản ánh chính xác, kịp thời; định hướng dư luận; phổ biến, hướng dẫn, giải thích cho bạn đọc về nghị quyết, chính sách, biện pháp thực hiện của Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh. Tại buổi họp mặt, các đại biểu được nghe các nhà báo lão thành, các nhà báo trẻ có nhiều ý kiến phát biểu chia sẻ về những kỷ niệm một thời khó khăn, gian khổ nhưng đầy tự hào của những người làm báo tỉnh nhà.

Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã trao Giải Báo chí tỉnh năm 2017 cho 35 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải, trong đó có 3 tác phẩm đoạt giải Nhất, 6 tác phẩm đoạt giải Nhì, 11 tác phẩm đoạt giải ba và nhiều tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen 3 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cao. Ngay sau Lễ trao giải, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đã phát động Giải Báo chí tỉnh Sóc Trăng 2018 và Giải Búa Liềm Vàng năm 2018.

* Ngày 21-6, Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018) và Tọa đàm với chủ đề "tuyên truyền đúng, trúng, hay trên tác phẩm báo chí".

Nhà báo Bùi Thanh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: Ôn lại truyền thống 93 năm ra đời và phát triển nền báo chí Cách mạng Việt Nam, mỗi người làm báo ở Hải Phòng thêm tự hào được góp sức tô thắm trang sử vẻ vang của dòng báo chí Cách mạng Việt Nam. Vấn đề đặt ra đối với hệ thống báo chí ở Hải Phòng trong tương lai là mối quan hệ tương tác giữa số lượng, chất lượng báo chí với nhu cầu của công chúng. Đáp ứng nhu cầu của công chúng báo chí đang và luôn là đòi hỏi khách quan đối với hệ thống báo chí Hải Phòng và những người làm báo ở Hải Phòng. Hơn bao giờ hết, những người làm báo Hải Phòng nỗ lực phấn đấu, ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức vĩ đại của Nhà báo, Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trách nhiệm của mỗi nhà báo, của từng cơ quan báo chí là phải nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng, hiệu quả xã hội của báo chí Hải Phòng xứng tầm với vị thế của thành phố đối với cả nước.

Đến nay, Hải Phòng đã có đủ các loại hình báo chí. Các loại hình báo chí ở Hải Phòng luôn cộng hưởng với nhau tạo nên vóc dáng của báo chí Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới. Gần 250 nhà báo chuyên nghiệp và hằng trăm cộng tác viên của các cơ quan Báo Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Tạp chí Sinh hoạt chi bộ, Tạp chí Cửa Biển, Tạp chí Khoa học và Kinh tế, Tạp chí Khoa học và các báo, tạp chí của Quân chủng Hải quân, của Quân khu 3, đã góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí trên địa bàn Hải Phòng ngày càng hấp dẫn với mọi đối tượng công chúng báo chí. Cùng với đó, Hải Phòng hiện có 38 cơ quan báo chí trong cả nước đặt Văn phòng đại diện và thường trú, góp phần hình thành làng báo chí đất Cảng đa thanh, đa sắc, đoàn kết, trung thực vì sự nghiệp phát triển của Hải Phòng nói riêng và của cả nước nói chung.

Về chủ đề "tuyên truyền đúng, trúng, hay trên tác phẩm báo chí", Nhà báo Lưu Văn Tuấn, Tạp chí Sinh hoạt Chi bộ cho rằng, tuyên truyền "đúng, trúng, hay" là truyền tải, phản ánh những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, bạn đọc một cách trung thực, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn, dễ thực hiện nhưng hiệu quả mang lại phải rất cao. Để báo Đảng tuyên truyền "đúng, trúng, hay", góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trước hết, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đủ mạnh. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải là người có trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực công tác, tinh thông nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, am hiểu thực tiễn. Ở đâu, đơn vị, cơ quan nào có đội ngũ cán bộ vững vàng, hiểu biết về chuyên môn, tận tụy với công việc thì ở đó công việc luôn sáng tạo, đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, thể loại tin, bài phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt, quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, nhất là đội ngũ cộng tác viên trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp.

Theo Nhà báo Mai Lâm, Báo Hải Phòng, trong guồng quay của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một tác phẩm báo chí không những đúng mà còn phải trúng. Đó là đưa thông tin những vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Khi nhà báo đưa ra một vấn đề, được đông đảo người dân biết đến và tham gia phản biện để cùng hướng đến mục tiêu chung, đó là trúng. Để đưa trúng, ngoài việc nhà báo phải am hiểu các vấn đề sẽ tuyên truyền, cần phải biết chắt lọc thông tin để đưa đến bạn đọc hoặc người xem truyền hình sao cho có ý nghĩa nhất. Cái hay của tác phẩm báo chí còn là phương pháp hành văn để tạo sự cuốn hút cho người đọc. Nếu như kết hợp được các điều hay trong một tác phẩm báo chí, chắc chắn tác phẩm đó sẽ rất cuốn hút người đọc - Nhà báo Mai Lâm chia sẻ./.