TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2018.


Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10% đã đề ra.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trong năm 2018 và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về thực hiện quy định đã uống rượu, bia không lái xe và phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, đôn đốc các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao trong quý I và có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp. Đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm đối với nhà xe có vi phạm, các lái xe có sử dụng ma túy, uống rượu khi tham gia giao thông...

Bộ Giao thông Vận tải bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; sớm trình Chính phủ Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó lưu ý bổ sung các điều kiện về an toàn kỹ thuật phương tiện, nhất là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, các quy định để quản lý chặt chẽ đối với xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng nhằm khắc phục tình trạng "xe dù, bến cóc", xe chở khách trá hình xe kinh doanh vận tải theo tuyến cố định; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra sức khoẻ đối với lái xe kinh doanh vận tải, cương quyết xử lý lái xe dương tính với ma tuý và các vi phạm khác; nâng cao tiêu chuẩn hộ lan, đường cứu nạn với những khu vực đường sá có địa hình phức tạp.

Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu giá, ưu tiên các trạm trên quốc lộ 1 và địa bàn lân cận Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng.

Bộ Giao thông Vận tải tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với hình thức vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng xe ô tô; xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải và ứng dụng trên internet và điện thoại thông minh; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các điểm dừng nghỉ trên cao tốc theo quy định nhằm bảo đảm sức khỏe cho lái xe và an toàn giao thông; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi dừng, đón trả khách trái phép trên đường cao tốc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo các chuyên đề, ưu tiên xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, các hành vi gian lận trong cấp bằng lái và đăng kiểm.

Bộ Công an phối hợp với ngành giao thông vận tải xây dựng các phương án phân luồng, xử lý các trường hợp ùn tắc giao thông; rà soát, sửa đổi, bổ sung các phương án phân luồng giao thông khu vực Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận; nghiên cứu quy định tiêu chí đánh giá ùn tắc giao thông; điều tiết phân bổ kinh phí để hỗ trợ Công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2018.

Tăng cường công tác tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành của các lực lượng liên quan trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, giúp nâng cao năng lực và bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấp phép lái xe; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa; tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly khoảng 80 - 100 km theo mô hình quản lý xe buýt, kết nối với mạng lưới xe buýt trong nội thành.

Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; lập lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường các khu vực đô thị; sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen về tai nạn giao thông, chú trọng sơn vạch tim đường, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ; huy động người dân tham gia tình nguyện làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính trên mạng lưới giao thông nông thôn, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tốt các phong trào tự quản để cảnh giới tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn.

Thí điểm phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp tại khu công nghệ cao Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc chọn một số khu công nghệ cao quốc gia xây dựng phương án nâng cao tính năng sáng tạo, khởi nghiệp để triển khai thí điểm.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất phương án, bao gồm các cơ chế, chính sách, kế hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao tính sáng tạo, khởi nghiệp để triển khai thí điểm tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, huy động nguồn lực chuyên gia giúp Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng phương án.

Triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản. Theo kế hoạch, từ năm 2018 và các năm tiếp theo, các bộ, ngành liên quan sẽ tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của 2 Luật trên.

Cụ thể, ở Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật).

Các bộ, ngành liên quan cũng tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản; tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Đồng thời, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định quy định về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy sản; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Quyết định quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.../.