TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo (sau đây gọi tắt là tiền ảo), cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời tăng cường điều tra và phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo, đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền, cảnh báo trên địa bàn để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng


Ngày 11-4, Văn phòng Chính phủ có công văn số 3318/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa đảo tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo công văn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý “Vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng” mà Báo Điện tử Dân trí ngày 09-4 đã đăng.

Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trên đề xuất biện pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-4 tới đây. Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin, tiền ảo. Cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo.

Bộ Tư pháp hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, xử lý tiền ảo

Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 2768/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo.

Trước đó, vào đầu tháng 1, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21-8-2017, trình lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-01.

Tới ngày 30-01, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 35 trả lời về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam, thể hiện được thực trạng sử dụng và kinh nghiệm quản lý tiền ảo hiện nay của một số quốc gia trên thế giới và quy định pháp luật Việt Nam hiện nay liên quan tới tiền ảo.

Về khuôn khổ pháp lý của tiền ảo, văn bản trên của Bộ Tư pháp cho rằng: “Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2010… tuy không có quy định về tiền ảo, nhưng cũng không có quy định cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo”.

Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm (tuyệt đối hoặc tương đối) hay dưới dạng hàng hoá, dịch vụ hoặc dưới dạng tương tự như phương tiện thanh toán… để phù hợp hơn với xu thế của thế giới cũng như phù hợp với đặc điểm, tình hình Việt Nam.

Sau đó, trong tháng 3, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hang Nhà nước đã gửi các văn bản liên quan góp ý vào công văn số 35 của Bộ Tư pháp.

Theo văn bản góp ý của Ngân hàng Nhà nước, liên quan tới hành vi sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như phương tiện thanh toán tại Việt Nam, pháp luật hiện hành quy định: Khoản 1, Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt quy định phương tiện thanh toán như sau: “6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, uỷ nhiệm chi, nhờ thu, uỷ nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; 7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, Khoản 6 Điều 6 Nghị định số 101 nói trên quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ nghiên cứu các quy định của Luật Công nghệ thông tin để tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng chính sách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các quy định của luật pháp liên quan tới quản lý, sử dụng tiền ảo; thực hiện thông tin-tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các hệ luỵ khi sử dụng, giao dịch tiền ảo nhằm hạn chế các rủi ro.

Từ báo cáo của các bộ, ngành, ngày ngày 27-3, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 2768/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo gửi các Bộ nói trên và Bộ Công an.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, đồng bộ, thống nhất về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trên cơ sở góp ý của các bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước về nội dung này.

Đồng thời, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 21-8-2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tải sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại tiền ảo nhưng phát triển mạnh nhất gần đây là Bitcoin. Tuy chưa được pháp luật công nhận, tiền ảo này vẫn được các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đầu cơ hoặc “đào”.

Một số lượng lớn máy “đào” tiền ảo Bitcoin đã được nhập về Việt Nam, trào lưu mua bán, giao dịch, đầu cơ tiền ảo cũng nở rộ. Trên thị trường, nhiều biến tướng của loại tiền này cũng xuất hiện, nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người thiếu hiểu biết nhưng muốn nhanh chóng làm giàu.

Kiên Giang từng bước trở thành tỉnh năng động

Kiên Giang quy hoạch từng bước trở thành tỉnh phát triển năng động, toàn diện, đạt trình độ phát triển khá trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu nhằm xây dựng Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển năng động, toàn diện, đạt trình độ phát triển khá trong cả nước; có kết cấu hạ tầng đồng bộ; đa số người dân thích nghi được với điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường; các doanh nghiệp của tỉnh phát huy được cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế. Kiên Giang đóng góp quan trọng xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh vững chắc.

Mục tiêu của Tỉnh là tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 tăng khoảng 7,5 - 8%/năm (giá so sánh năm 2010), thời kỳ 2020 - 2030 GRDP tăng bình quân khoảng 8 - 9%/năm. Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 2.855 - 2.930 USD và đạt khoảng 8.100 - 9.300 USD vào năm 2030.

Tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp chiếm 35 - 36%, công nghiệp - xây dựng chiếm 23 - 24% và dịch vụ chiếm 40 - 41% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2020, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp năm 2030 trên 75% tổng GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% vào năm 2030.../.