TCCSĐT - Quan hệ Mexico - Mỹ đã trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống D. Trump tuyên bố triển khai quân đội đến biên giới phía Nam giáp với Mexico, cho đến khi dự án xây bức tường dọc biên giới chung được hoàn tất. Đây chính là bức tường được xây dựng để ngăn chặn dòng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ và nguồn ma túy từ Mexico vào Mỹ.

Mỹ triển khai binh sĩ tại biên giới chung với Mexico

Ngày 05-4-2018, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố triển khai quân đội đến biên giới với Mexico, cho đến khi bức tường dọc biên giới chung được hoàn tất. Theo đó, Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh nội địa Mỹ sẽ phối hợp với các thống đốc bang để triển khai từ 2.000 - 4.000 binh sĩ của Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới phía Tây Nam, với nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng tuần tra biên giới. Lực lượng này không được trang bị vũ khí và không tiến hành các hoạt động kiểm soát nhập cư hoặc hải quan.

Theo đó, hai bang Texas và Arizona của Mỹ đã công bố các kế hoạch triển khai binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới miền Nam nước này giáp Mexico. Phát biểu họp báo ngày 06-4, Chuẩn tướng T. Norrism, chỉ huy Lực lượng Vệ binh quốc gia tại bang Texas, khẳng định đơn vị này sẽ cử 250 binh sĩ đến khu vực biên giới trên trong vòng 72 giờ tới, cùng nhiều phương tiện giám sát mặt đất, cũng như trên không. Bà T. Norrism còn cho biết thêm, Lực lượng Vệ binh quốc gia tại bang Texas hiện đã triển khai 2 trực thăng Lakota tới khu vực trên. Trong khi đó, Thủ hiến bang Arizona D. Ducey xác nhận kế hoạch bang này sẽ điều động 150 binh sĩ vào tuần tới.

Việc triển khai quân đội tới biên giới chung là nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ và nguồn ma túy từ Mexico vào Mỹ. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống D. Trump đã khiến quan hệ giữa Mexico và Mỹ đã trở nên căng thẳng.

Phản ứng trước động thái này của Mỹ, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã kêu gọi Tổng thống D. Trump không đẩy Mexico vào những sự việc của nội bộ chính trường của Mỹ: “Nếu ông D. Trump muốn đạt được thoả thuận với Mexico, chúng tôi đã sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với tinh thần xây dựng. Nếu những tuyên bố gần đây của ông là do thất vọng với những chính sách nội địa, luật pháp, hay quốc hội Mỹ thì hãy nhằm vào họ chứ không phải những người Mexico. Chúng tôi sẽ không cho phép những ngôn ngữ tiêu cực nhằm vào chúng tôi”.

Đại sứ Mexico tại Mỹ G. Gutiérrez đã có công hàm đề nghị chính thức lên Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa Mỹ để yêu cầu giải thích về động thái này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mexico đã ra một thông cáo khẳng định nước này vẫn duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Bộ An ninh nội địa Mỹ về các kế hoạch liên quan bảo đảm an ninh biên giới chung. Thông báo nêu rõ trên tất cả các kênh trao đổi về vấn đề này, Chính phủ Mexico đã khẳng định với phía Mỹ rằng, quan hệ song phương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu việc triển khai Lực lượng Vệ binh biến thành hành vi quân sự hóa khu vực biên giới.

Ngoại trưởng Mexico L. Videgaray cho biết, chính phủ nước này đã đề nghị chính quyền Tổng thống D. Trump làm rõ tuyên bố trên thông qua các kênh chính thức, nhấn mạnh Mexico sẽ đưa ra quan điểm về vấn đề này dựa trên giải thích từ phía Mỹ. Ông L. Videgaray khẳng định, chính sách di cư của Mexico được thực hiện theo chủ quyền và pháp luật, chứ không phải từ các áp lực hoặc đe dọa bên ngoài, nêu rõ nước này sẽ luôn bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Cùng ngày, Thượng viện Mexico đã ra nghị quyết chỉ trích tuyên bố của Tổng thống D. Trump, đồng thời hối thúc chính phủ nước này chấm dứt hợp tác với Washington trong vấn đề nhập cư và an ninh. Các nhà lập pháp Mexico cho rằng, quyết định của Tổng thống D. Trump là “một sự xúc phạm” đối với Mexico. Văn kiện cũng yêu cầu Chính phủ Mexico ngừng hợp tác với phía Mỹ trong các lĩnh vực nhập cư và phòng chống tội phạm có tổ chức cho đến khi ông chủ Nhà Trắng thay đổi thái độ. Tuy nhiên, nghị quyết của Thượng viện Mexico không mang tính ràng buộc hay dẫn đến những thay đổi trong chính sách của Mexico với Mỹ.

Quan hệ căng thẳng

Quyết định triển khai quân tại biên giới của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi nhiều hãng thông tấn đưa tin về dòng người di cư gồm trên 1.100 người El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua đang vượt qua Mexico để tìm đường đến Mỹ. Tổng thống D. Trump đã yêu cầu Mexico ngăn chặn cũng như đe dọa cắt giảm viện trợ cho các nước Trung Mỹ nếu không ngăn chặn dòng người di cư.

Tuy nhiên, ý tưởng triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới khó có thể được dư luận chấp nhận, bởi đây là một hành động tốn kém và bản thân lực lượng này không được đào tạo về nhiệm vụ tuần tra. Do vậy, sẽ tiềm ẩn nguy cơ trong việc kiểm soát các hoạt động của lực lượng này tại biên giới. Giới quan sát đánh giá đây là một sai lầm bởi những người tiền nhiệm của Tổng thống D. Trump như Tổng thống George W. Bush, Tổng thống B. Obama chỉ triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia tới biên giới để tiến hành các chiến dịch thời điểm (Trước đây, Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ cũng từng điều động nhiều binh sĩ tăng cường giám sát khu vực biên giới phía Nam, trong đó có chiến dịch hồi năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống B. Obama và chiến dịch trong giai đoạn 2006 - 2008 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, đều kéo dài khoảng một năm). Và để tránh vi phạm luật liên bang (cấm quân đội có các hoạt động an ninh nội địa), lực lượng này chỉ thực hiện các nhiệm vụ về quản lý và xây dựng hạ tầng. Chính quyền Mỹ có thể yêu cầu chính quyền các bang biên giới tăng cường nhiệm vụ bảo vệ, giám sát biên giới. Về phần mình, Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ ra rằng, quân sự hóa biên giới không gia tăng an ninh mà ngược lại có thể gây nguy hiểm cho nhiều mạng sống.

Quan hệ giữa Mexico và Mỹ đã xuống mức được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ khi Tổng thống D. Trump lên làm Tổng thống Mỹ và từng bước hiện thực hóa các cam kết trong chiến dịch tranh cử. Các đề xuất và cam kết của ông bị cho là đe dọa tới nền kinh tế Mexico, như đánh thuế cao đối với hàng hóa Mexico, trục xuất hàng triệu người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ và buộc Mexico phải thanh toán dự án xây bức tường biên giới chung, cũng như tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Mặc dù vậy, Mexico vẫn nỗ lực tăng cường quan hệ với Mỹ, bởi Mỹ lại là đối tác thương mại số 1 của nước này./.