TCCSĐT - Ngày 17-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp xúc cử tri tại Yên Bái; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ

Chiều 17-6, tại Ủy ban nhân dân phường Ba Láng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri, nhân dân một số phường của quận Cái Răng, Cần Thơ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ_Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ tại kỳ họp.

Tiếp theo, các cử tri nêu những ý kiến về tăng cường hơn nữa việc xử lý các hành vi tham nhũng, làm hàng giả, hàng nhái; cần có lộ trình phù hợp khi thực hiện Luật Giáo dục (sửa đổi); giá điện; đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Sau khi nghe các ý kiến của cử tri, đồng chí Lê Thanh Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cái Răng đã thông tin về một số nội dung mà cử tri quan tâm liên quan đến việc quy hoạch Trung tâm hành chính tập trung của thành phố Cần Thơ, quy hoạch khu văn hóa, du lịch tại quận Cái Răng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ thêm về những kết quả trong 20 ngày làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về ý kiến của cử tri Phương Đạt Thanh, phường Ba Láng đối với vấn đề giáo dục hiện nay; trong đó có quy định giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm dạy học sinh cấp tiểu học. Cử tri đặt câu hỏi, vậy những giáo viên đã đi dạy hơn 10 năm rồi thì giải quyết như thế nào? Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Giáo dục (sửa đổi) được đông đảo người dân quan tâm. Việc sửa đổi toàn diện luật là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực. Quy định liên quan đến nhà giáo, luật đã nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên đại học sư phạm… Những trường hợp giáo viên cần nâng chuẩn đào tạo sẽ được thực hiện theo lộ trình chuẩn hóa.

Cử tri Trương Đình Quý hoan nghênh về kết quả phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các bộ trưởng trong kỳ họp vừa qua; việc Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia... Về nội dung quy định cấm tuyệt đối hành vi uống rượu, bia khi lái xe, theo Chủ tịch Quốc hội, trong các văn bản luật hiện hành, như Bộ Luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường thủy nội địa đều có quy định liên quan. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 với quy định “cấm tiệt”, cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, thể hiện quyết tâm trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông...

Cử tri Dương Đình Quý đánh giá hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, hiệu quả; đồng thời mong muốn Nhà nước đầu tư nhiều hơn để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cầu đường trong vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn cao hơn so với vùng khác do phải xử lý nền móng, đất đá phải chở từ nơi khác tới... Từ đó, theo Chủ tịch Quốc hội nếu không tính đặc thù của vùng mà tính định mức đầu tư như nơi khác thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chậm, khó thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến của cử tri về việc những dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) không nên chỉ định thầu, tránh thất thoát tiền bạc của Nhà nước; đồng thời cho biết, đây là vấn đề đã được đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều lần và yêu cầu nêu trong nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Chất lượng công trình xây dựng cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và yêu cầu trong nghị quyết về hoạt động chất vấn đề cập tới, không chỉ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và trong lĩnh vực giao thông.

Trả lời ý kiến cử tri Dương Đình Quý, phường Lê Bình về giá điện, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đánh giá lại tác động của chính sách tăng giá điện đối với từng nhóm thu nhập (từ thu nhập thấp - trung bình - thu nhập cao), để điều chỉnh lại việc tính số tiền điện tương ứng cho phù hợp với từng nhóm; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ chính sách và gia đình nghèo. Chính phủ đã lắng nghe ý kiến cử tri và chỉ đạo thanh tra làm rõ, nếu chỗ nào thấy cần thiết, thì sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp trong điều hành giá điện...

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chia sẻ với ý kiến cử tri đề cập tới tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cho biết vấn đề này đã được đại biểu Quốc hội nêu lên nhiều lần trong các kỳ họp.

Kỳ họp thứ 7 trước thềm các mùa thi 2019, Quốc hội, Chính phủ yêu cầu toàn ngành giáo dục và các địa phương phải chấn chỉnh, tổ chức thi theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân về tính khách quan, công bằng và minh bạch.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp xúc cử tri huyện Văn Yên - Yên Bái

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 17-6, tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đại biểu: Triệu Thị Huyền, Nguyễn Thị Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái - đã có buổi tiếp xúc với cử tri 5 xã của huyện Văn Yên, gồm: Viễn Sơn, Yên Phú, Xuân Ái, Yên Hợp, Đại Phác.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Văn Yên_Ảnh: TTXVN

 

Dự buổi tiếp xúc cử tri còn có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái; lãnh đạo Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên.

Sau khi nghe đại biểu Triệu Thị Huyền báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trên tinh thần dân chủ, cởi mở và thẳng thắn, cử tri 5 xã của huyện Văn Yên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi có nhiều quyết sách đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế; công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, không có vùng cấm.

Đồng thời, cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm sửa chữa cầu treo tại xã Yên Phú; đưa điện đến các thôn, bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; quan tâm đến công tác giảm nghèo, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, xã, nâng cấp sửa chữa tuyến đường Tỉnh lộ 166 và một số nội dung khác…

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời các ý kiến của cử tri nêu thuộc thẩm quyền của tỉnh. Theo đó, về việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên kết giữa các vùng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm, thống nhất với huyện Văn Yên tổ chức khảo sát, các công trình nào cần ưu tiên sẽ được quan tâm đưa vào danh mục cần đầu tư sớm.

Thông tin với cử tri, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tuyến đường kết nối thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang hoàn tất thủ tục để chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ có thêm tuyến đường Khánh Hòa - Lục Yên kết nối với nút giao IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao thương phát triển kinh tế. Về tuyến đường Tỉnh lộ 166, hiện mới đầu tư nâng cấp giai đoạn 1, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp và hoàn thiện trong năm 2020.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, về công tác giảm nghèo, trong thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm lồng ghép thực hiện nhiều chương trình dự án để giảm nghèo bền vững, ưu tiên gắn với xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cũng phải quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân để cùng vươn lên sớm thoát nghèo, không ỷ lại vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, thậm chí không muốn thoát nghèo. Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục quan tâm có ý kiến với Quốc hội giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã bày tỏ vui mừng trước những đổi thay tại các xã vùng cao của huyện Văn Yên. Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã của huyện còn cao, vì vậy chính quyền các cấp cần quyết tâm phấn đấu giảm nghèo nhanh bền vững.

Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, tinh thần cảnh giác cách mạng, nhất là đối với những thông tin xuyên tạc nói xấu Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội, để tuyên truyền giúp nhân dân hiểu rõ, không bị những tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, chính quyền và nhân dân Văn Yên, Yên Bái cần tiếp tục phát huy các tiềm năng lợi thế, nhất là mở rộng diện tích và nâng cao giá trị cây quế, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo tại các xã trọng điểm vùng quế xuống dưới 10% vào năm 2020. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu và chuyển tới Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết trong kỳ họp tới, đáp ứng kịp thời những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Quốc Vượng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã dự lễ khánh thành và bàn giao công trình lớp học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên. Nhân dịp này, đồng chí Trần Quốc Vượng đã trao tặng nhà trường một số phần quà phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Chính phủ sẽ tiếp tục luật hóa các bộ luật được Quốc hội thông qua

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã đến tiếp xúc cử tri huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Long An_Ảnh: TTXVN

 

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An báo cáo nội dung sau 20 ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội đã xem xét và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường quản lý nợ công, vốn đầu tư và bội chi ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, những mặt còn hạn chế, yếu kém, tồn tại.

Bên cạnh đó, đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trong thời gian tới.

Tại buổi tiếp xúc, hầu hết cử tri cho rằng, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cử tri.

Các vấn đề xã hội nổi cộm, gây bức xúc như tai nạn giao thông, lạm dụng bia rượu, mua bán, sử dụng chất ma túy, mại dâm ngày càng tinh vi qua mạng xã hội, bạo lực học đường, đổi mới giáo dục, lạm dụng, gây thất thoát công quỹ, quỹ đất... đã được các đại biểu chất vấn mạnh mẽ tại kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến của cử tri huyện Đức Hòa về phát triển kinh tế, xã hội địa phương như đường tỉnh 830, Quốc lộ N2, các khu dân cư công nghiệp, đô thị hiện chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân; cần tăng cường quản lý hơn nữa trong việc cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục luật hóa các bộ luật, các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua bằng những nghị định, chỉ thị cụ thể để pháp luật đi vào thực tiễn đời sống.

Các dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước./.