TCCSĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bên cạnh những hoạt động tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo hai nước, ngày 23-3-2018, tại Hà Nội, cũng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Hàn

Chiều 23-3, tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Hàn đã được tổ chức với sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và nhiều quan chức, cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là thành công của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch nước, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đã đạt được trong suốt một phần tư thế kỷ qua, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc. Cách đây gần 900 năm, Hoàng tử Lý Long Tường của Việt Nam đã đặt chân đến bán đảo Triều Tiên, đặt nền móng cho sự bang giao giữa hai dân tộc. Ngày nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, được vun đắp bằng tình hữu nghị và những nỗ lực chung của hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Sự tin cậy, tình cảm chân thành và những mối liên kết gắn bó qua thời gian đã tạo nên quan hệ gần gũi giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Hàn Quốc.

Trải qua một phần tư thế kỷ, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu; giao lưu, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước được duy trì thường xuyên đã góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị; hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư luôn duy trì tốc độ phát triển nhanh, ổn định và đạt được những kết quả rất ấn tượng. Trên nền tảng chia sẻ những lợi ích cốt lõi trong hợp tác song phương và đa phương, với tính bổ trợ cao của hai nền kinh tế, Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác hợp tác phát triển song phương và du lịch lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Với hơn 59 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam, như công nghiệp điện tử, năng lượng, ôtô, may mặc, xây dựng, dịch vụ..., góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt 64 tỷ USD vào năm 2017 sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực. Hai nước là đối tác thương mại quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Sự phát triển của các hoạt động thương mại song phương đã góp phần tăng cường năng lực xuất khẩu và định hình một số ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

“Nhà nước và nhân dân Việt Nam đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư, mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào thực chất, hiệu quả hơn,” Chủ tịch nước nói.

Hoan nghênh và đánh giá cao chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với mục tiêu vì con người và hòa bình, thúc đẩy thịnh vượng chung, trong đó xác định Việt Nam là một trong những đối tác trọng tâm, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư; coi cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật; mở rộng không gian kinh doanh, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp; tiếp tục phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống tài chính, ngân hàng, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cũng theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn với Hàn Quốc trên nền tảng chia sẻ và bổ trợ lẫn nhau, gắn kết thế mạnh, tiềm năng của mỗi nước. Về thương mại, với mục tiêu nâng kim ngạch lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam mong muốn thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng; mong muốn Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng nông thủy sản nhiệt đới, hàng dệt may, đồ gỗ, cao su... tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng linh kiện sản xuất cũng như những mặt hàng thế mạnh khác của Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá Việt Nam là một quốc gia năng động, nổi lên là trung tâm kinh tế của khu vực ASEAN với mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6%/năm. Lấy dẫn chứng từ việc đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam dưới sự huấn luyện của Huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo đã đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay, Tổng thống Moon Jae-in nhận định “Việt Nam và Hàn Quốc bên nhau sẽ tạo ra những việc tốt đẹp như vậy.”

Theo Tổng thống Moon Jae-in, hiện 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã gặp những lao động Việt Nam có năng lực và hàng triệu lao động Việt Nam đang có việc làm tốt trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, đó là sự hợp tác cùng phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hiện Việt Nam đã trở thành một trong bốn đối tác lớn của Hàn Quốc và Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam.

Trong năm vừa qua đã có 2,7 triệu lượt người qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng. Hoạt động giao lưu giữa hai quốc gia cũng sẽ là nguồn động lực đối với nhân dân hai nước và đây sẽ là định hướng để hai nước phát triển.

Tổng thống cho biết tại buổi hội đàm cấp cao, hai bên đã nhất trí nâng kim ngạch lên 100 tỷ USD vào năm 2020, bằng một nửa so với mục tiêu đầu tư vào các nước ASEAN mà Hàn Quốc đặt ra. “Điều đó cho thấy Việt Nam quan trọng với Hàn Quốc như thế nào. Sẽ rất khó để đạt được mục tiêu đó nếu chỉ dựa vào xuất nhập khẩu của chỉ một bên. Chúng ta phải thực hiện được thương mại đối ứng lẫn nhau, nâng cao ưu điểm của doanh nghiệp hai nước và trở thành những đối tác hợp tác cùng phát triển, chung vai sát cánh đầu tư sang nước thứ 3 mới có thể đạt được mục tiêu đó,” Tổng thống Moon Jae-in nói.

Tổng thống Moon Jae-in mong muốn Hàn Quốc tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đang thực hiện; Chính phủ hai nước tạo nền tảng để thanh niên Việt Nam-Hàn Quốc đứng lên khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp hai nước ủng hộ các bạn trẻ tham gia thử thách đó.

Tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Moon Jae-in và Đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Phó Thủ tướng Hàn Quốc Kim Dong Yeon; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã có buổi tiếp
Chủ tịch giới chủ Hàn Quốc Kyung Shik Sohn.

 
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Kim Dong Yeon. Ảnh: TTXVN

Trao đổi những vấn đề hai bên cùng quan tâm, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Kim Dong Yeon cho biết qua buổi hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho thấy hai bên có những quan điểm chung, cùng nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai nước. Phó Thủ tướng Kim Dong Yeon bày tỏ mong muốn hai bên có cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của hai nước. Theo Phó Thủ tướng Kim Dong Yeon, sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác hai nước đã phát triển nhanh, hiệu quả. Phó Thủ tướng Kim Dong Yeon đề xuất về một cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ ở cấp Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế của hai nước, mỗi năm một lần, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển hơn, nâng tầm mối quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.

Vui mừng trước những thành tựu hợp tác giữa hai nước thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ kinh tế với Hàn Quốc. Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về thương mại, ODA và du lịch. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và cũng là đối tác hàng đầu của Hàn Quốc trong các nước ASEAN. Nhiều doanh nghiệp đầu tư của Hàn Quốc đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị hai bên nỗ lực đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2020 gắn với thúc đẩy cân bằng thương mại, cùng tạo điều kiện để hàng xuất khẩu của hai nước vào được thị trường của nhau.

Phó Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, quan hệ thương mại và đầu tư trong dòng chảy hội nhập đâu đó đã xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ thương mại, vì vậy việc có cơ chế hợp tác cấp cao chuyên biệt là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ngoài hợp tác đa phương, việc ký phê chuẩn hiệp ước song phương là rất quan trọng. Hai bên hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để thúc đẩy kinh tế, trên cơ sở hợp tác về tài chính và các lĩnh vực hợp tác khác.

Đánh giá cao kinh nghiệm của Hàn Quốc trong gia tăng sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng. Nhiều tập đoàn, nhà đầu tư của Hàn Quốc đang gia tăng mức độ quan tâm đến nền kinh tế của Việt Nam. Chính phủ hai nước có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác.

** Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong buổi tiếp đoàn công tác do ông Kyung Shik Sohn, Chủ tịch giới chủ Hàn Quốc làm Trưởng đoàn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Hàn Quốc là nước có đầu tư rất lớn với hàng trăm công ty, tập đoàn lớn đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này đang làm ăn nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ những quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ủng hộ các tập đoàn Hàn Quốc sang đầu tư và sử dụng lao động, quản lý tại các địa phương; cho rằng đó là cách kinh doanh thông minh, hiệu quả vì lao động Việt Nam là những người cần cù, chịu khó, nếu doanh nghiệp đặt niềm tin thì họ sẽ nỗ lực làm việc hết mình.

Khẳng định mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng tốt đẹp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam trong những ngày qua đã diễn ra nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước; nhiều biên bản ghi nhớ quan trọng đã được ký kết làm tăng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia trong tương lai. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống chính sách, sửa đổi một số luật, trong đó có Luật Người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chú trọng vào việc tăng cường thương lượng giữa giới chủ và người lao động, giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước vào doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động Hàn Quốc ký các nội dung về bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội; hướng tới mục tiêu doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn chăm lo tốt cho người lao động, xây dựng mối quan hệ thương mại hai bên ngày càng tốt đẹp hơn. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc sang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch giới chủ Hàn Quốc Kyung Shik Sohn trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón; đồng thời khẳng định các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam luôn mong muốn được chào đón và sẽ hoạt động một cách công khai, minh bạch theo quy định của Chính phủ Việt Nam. Ông Kyung Shik Sohn nêu rõ mục đích chính của các doanh nghiệp Hàn Quốc là luôn duy trì hoạt động kinh doanh trên tinh thần đảm bảo lợi ích giữa hai bên. Với vai trò là Chủ tịch giới chủ Hàn Quốc, đồng thời là chủ một tập đoàn lớn đang kinh doanh tại Việt Nam, ông Kyung Shik Sohn khẳng định sẽ nỗ lực tuyên truyền cho giới chủ cùng nghiêm túc, hướng đến sự công bằng trong lao động sản xuất, dù đó là nhân sự Hàn Quốc hay Việt Nam để đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động kinh doanh.

Tìm hiểu về văn hóa dân tộc và đẩy mạnh giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam - Hàn Quốc

Cùng ngày, Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang bà Nguyễn Thị Hiền và Phu nhân Tổng thống Moon Jae-in bà Kim Jung-sook đã đến thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, để tìm hiểu về văn hóa dân tộc Việt Nam và đẩy mạnh giao lưu, hợp tác văn hóa giữa hai nước.

 
 Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Kim Jung-sook và Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Hiền thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phu nhân Nguyễn Thị Hiền và Phu nhân Kim Jung-sook đã được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Một trong những đặc trưng chung tạo nên phẩm chất con người và văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, cộng đồng làng xóm và đức tính nhân hậu, vị tha của mỗi con người. Bảo tàng Dân tộc học hiện trưng bày khoảng 1.000 hiện vật. Khu vực ngoài trời trưng bày 10 công trình kiến trúc dân gian, trong đó những khuôn viên nhà người Việt, người Chăm đã được phục dựng hoàn chỉnh. Sự phong phú, đa dạng về hiện vật cũng như cách thức trưng bày của Bảo tàng đã tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến thăm.

Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc cũng đã xem màn trình diễn múa rối nước - nghệ thuật diễn xướng dân gian của Việt Nam. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo nhất. Với sân khấu là mặt nước, diễn viên là các con rối, cộng với hiệu quả của ánh sáng và pháo hoa đã tạo ra những màn biểu diễn hấp dẫn và huyền ảo. Nghệ thuật múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước./.