Vấn đề Biển Đông trong chính sách khu vực của Chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm

Phạm Minh Thu Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao
22:05, ngày 28-02-2018

TCCSĐT - Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được Tổng thống Mỹ Đ. Trăm nêu ý tưởng vào tháng 11-2017, tuy nhiên đến nay, nội hàm của chiến lược này vẫn là một câu hỏi lớn. Dù vậy, việc nghiên cứu sớm định vị vấn đề Biển Đông trong chính sách khu vực của Mỹ là cần thiết.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc

Chiến lược Quốc phòng mới đây của Mỹ coi cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ. Trong khi khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, Mỹ coi Trung Quốc (cùng Nga) là “đối thủ” trong “cuộc chơi” khu vực và toàn cầu, bởi Mỹ cho rằng, hai nước này đang tìm cách thiết lập lại trật tự thế giới nói chung và tại Ấn Độ - Thái Bình Dương nói riêng theo “mô hình chuyên chế” thông qua việc “giảm thiểu” các nguyên tắc và luật lệ.

Với Trung Quốc, Mỹ cho rằng Trung Quốc đang sử dụng “sức mạnh mềm” cũng như các biện pháp kinh tế, các hoạt động gây ảnh hưởng và đe dọa quân sự để củng cố mục đích địa - chính trị của mình. Phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ bó hẹp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thay vào đó, Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động, vươn tầm ảnh hưởng thông qua các Sáng kiến liên châu lục, như “Vành đai và Con đường”, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Trong bối cảnh mới, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong khu vực, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã chuyển chiến lược từ “tái cân bằng” sang “Ấn Độ - Thái Bình Dương” với mục đích xây dựng một khu vực mà các quốc gia có thể vươn lên trong “tự do và hòa bình”.

Xét về khái niệm địa - sinh học, Ấn Độ - Thái Bình Dương, còn được gọi là Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương, là khu vực bao gồm các vùng biển nhiệt đới ở Ấn Độ Dương, phía tây và trung tâm Thái Bình Dương, các vùng biển kết nối hai đại dương ở In-đô-nê-xi-a. So với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm khu vực rộng lớn hơn gồm các nước nằm ở bờ biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân, lấy hai đại dương làm trung tâm. Trong thuật ngữ mới, Ấn Độ được cho là nhân tố chính yếu trong chính sách Ấn Độ Dương của Mỹ.

Mỹ thừa nhận, trong hàng thế kỷ qua, thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, từ trên không, dưới đất liền, ngoài biển và không gian mạng (2). Đáng chú ý, Mỹ cho rằng “nỗ lực xây dựng và quân sự hóa tiền đồn ở Biển Đông (của Trung Quốc) đang đe dọa tự do thương mại, chủ quyền các quốc gia khác và xói mòn ổn định khu vực”, đồng thời “hạn chế tiếp cận của Mỹ với khu vực” (3). Do đó, Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” ra đời được cho là sẽ góp phần bảo đảm thông thương giữa hai đầu đại dương này.

Tầng nấc hợp tác trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Ở tầng cấu trúc khu vực, Mỹ coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là “trung tâm” của chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương, là “nền tảng thúc đẩy trật tự dựa trên tự do”(4). Nếu như APEC thiên về cấu trúc kinh tế, thì ASEAN (cùng các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt, như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…) lại có vai trò trụ cột trong các vấn đề phi kinh tế khác, trong đó có an ninh hàng hải. Chiến lược quốc phòng của Mỹ (tháng 01-2018) nhấn mạnh sẽ tăng cường quan hệ đối tác và đồng minh Ấn Độ - Thái Bình Dương để xây dựng kiến trúc an ninh ngăn chặn sự hung hăng, duy trì ổn định và bảo đảm tiếp cận tự do các lĩnh vực chung, bảo đảm hệ thống quốc tế tự do và mở rộng..

Ở tầng chủ thể quốc gia, Ấn Độ được Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm đề cao vai trò với tư cách là “đối tác quân sự chính yếu của Mỹ”(4). Các nước đồng minh (Phi-líp-pin, Thái Lan) và đối tác khác tiếp tục giữ vai trò quan trọng, song cần được “nạp mới năng lượng” để trở thành “đối tác hải quân hợp tác” của Mỹ. Trong chuyến thăm In-đô-nê-xi-a vào tháng 01-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Mát-tít khẳng định coi nước này là “điểm tựa hàng hải ở Biển Đông”.

Tiến trình thực thi chính sách Biển Đông

Chính sách Biển Đông trong hơn một năm cầm quyền của Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm được thể hiện trên các khía cạnh chính trị - ngoại giao, quân sự, và pháp lý.

Trước tiên, về khía cạnh chính trị - ngoại giao, ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Đ. Trăm đã sớm khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải, phản đối đe dọa, cưỡng ép và sử dụng vũ lực, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng (5). Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc T. Bran-xtát (Branstad) cho biết trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đ. Trăm đã nêu “quan ngại về việc xây dựng và quân sự hóa tiền đồn ở Biển Đông” của Trung Quốc; nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa bình, tiến hành hoạt động thương mại không bị cản trở và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm tự do hàng hải của các hoạt động trên biển, trên không cũng như khai thác biển một cách hợp pháp. Mới đây, Mỹ tái khẳng định sẽ “tăng cường cam kết với tự do hàng hải, giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”(6).

Trên khía cạnh quân sự, “duy trì hòa bình thông qua sức mạnh” được Mỹ coi là một trong ba trụ cột của Chiến lược Quốc phòng. Với vấn đề Biển Đông, để bảo đảm an ninh, hòa bình, phát triển và thịnh vượng, Mỹ nhấn mạnh: 1- Duy trì hiện diện quân sự tiền phương có khả năng ngăn chặn; 2- Tăng cường quan hệ quân sự lâu dài và khuyến khích phát triển mạng lưới quốc phòng mạnh với đồng minh và đối tác; 3- Tăng cường hợp tác tình báo quốc phòng và thực thi pháp luật với đối tác Đông Nam Á; 4- Tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Ấn Độ; nạp mới năng lượng cho quan hệ đồng minh với Phi-líp-pin và Thái Lan, tăng cường quan hệ với các đối tác và các nước khác. Về ngân sách quốc phòng, Tổng thống Đ. Trăm đã ký Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) lên tới 700 tỷ USD trong năm tài chính 2018, tăng hơn 80 tỷ USD so với năm 2017 (7), cho Bộ Quốc phòng. Mức chi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện vẫn chưa rõ song sẽ góp phần duy trì và ổn định hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai Sáng kiến An ninh hàng hải (MSI) từ chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội khi 05 Hạ nghị sỹ và 08 Thượng nghị sỹ của cả hai đảng viết thư (tháng 3-2017) đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Giêm Mát-tít ủng hộ Sáng kiến Ổn định châu Á - Thái Bình Dương (ASPI) do Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mắc-Kên (McCain) đề xuất vào tháng 01-2017. Đáng chú ý, quá trình triển khai quân sự trên thực tế ghi nhận 06 cuộc tuần tra của hải quân Mỹ trong năm 2017, tăng gấp đôi số cuộc tuần tra so với toàn bộ nhiệm kỳ cuối của Tổng thống tiền nhiệm B. Ô-ba-ma. Đầu năm 2018, hải quân Mỹ đã tiến hành tuần tra quanh bãi cạn Sca-bơ-râu (Scarborough). Đáng chú ý, hoạt động tự do hàng hải đúng nghĩa (FONOP) đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm quanh phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn (Mischief Reef), 01 trong 07 cấu trúc thuộc Trường Sa được bồi đắp tôn tạo thành đảo nhân tạo bởi Trung Quốc, là thực thể hoàn toàn chìm dưới nước khi thủy triều dâng, được Trung Quốc tôn tạo ở quy mô lớn nhất và xây dựng đường băng dài 03 km. Tuy nhiên, bà Bon-ni Glat-xơ (Bonnie Glaser), chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, FONOP “không phải là một chiến lược đầy đủ”(8), dù là dưới thời chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma hay Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm hiện tại.

Về khía cạnh pháp lý, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông và biển Hoa Đông, bao gồm tự do hàng hải của các hoạt động trên biển và trên không cũng như khai thác biển một cách hợp pháp khác.

Năm 2017 khép lại với việc ASEAN và Trung Quốc thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau gần 4 năm khởi động đàm phán. Đầu tháng 3-2018, hai bên sẽ chính thức khởi động đàm phán COC tại Việt Nam. Hy vọng rằng, triển vọng tích cực của phiên đàm phán này sẽ góp phần mang lại hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực nói chung và quan hệ Mỹ - Trung Quốc nói riêng./.

-----------------------------

(1) Thông điệp Liên bang và Chiến lược An ninh Quốc gia được Mỹ công bố vào tháng 01-2018

(2) Chiến lược Quốc phòng do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 01-2018, defense.gov

(3) Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ, whitehouse.gov

(4) Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ

(5) Tuyên bố chung giữa Tổng thống Đ. Trăm và Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, whitehouse.gov

(6) Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ

(7) Whitehouse.gov

(8) Straitstimes.com