TCCSĐT - Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang tại buổi họp mặt đồng bào tiêu biểu các dân tộc thiểu số Xuân Mậu Tuất 2018 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27-02-2018.

Theo đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, buổi gặp mặt này nhằm biểu dương những đóng góp quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực. Đồng thời, lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, tình cảm của đồng bào, qua đó tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, phát huy những thành quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ra sức thực hiện các chương trình mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đều nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng như chính quyền Thành phố luôn quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số cả về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Vì vậy, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng cải thiện, trình độ dân trí cũng ngày càng cao, có nhiều người thành đạt, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của Thành phố. Các đại biểu cũng bày tỏ vui mừng khi vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 54 “về cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố” và họ tin rằng đây cũng là cơ sở để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố có nhiều cơ hội hơn để phát triển cũng như được hưởng lợi hơn nữa từ mô hình và cơ chế này.

Đại diện đồng bào dân tộc Hoa, ông Hàng Vay Chi, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thành phố cho biết: Nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp người Hoa. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có trên 170.000 doanh nghiệp và hợp tác xã, trong đó có trên 30% của người Hoa. “Tôi và nhiều doanh nghiệp người Hoa rất vui mừng khi Thành phố được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54. Với chủ trương này, chúng tôi hy vọng nền kinh tế của Thành phố sẽ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu hơn nữa. Song song đó, chúng tôi cũng mong Thành phố có nhiều hơn những cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, vì hầu hết doanh nghiệp người Hoa, có con cháu ra nước ngoài học tập, có trình độ tốt, người ở Việt Nam có kinh nghiệm từ gia đình. Do đó, nếu Thành phố kết hợp được hai lực lượng này sẽ đem lại nhiều kết quả. Một vấn đề nữa là, Thành phố cần có giải pháp mở rộng, liên kết với các nước trong khu vực, phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp, đủ sức cạnh tranh, tôn vinh kịp thời doanh nghiệp có sự đóng góp cho Thành phố.

Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đại diện đồng bào dân tộc Khmer) Đại đức Châu Hoài Thái, mong muốn: “Thành phố hiện có hai chùa để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - lễ hội, con em và chư tăng Khmer tham gia học tập, phật học, có những vị đi du học nước ngoài... Để Thành phố phát triển hơn nữa, theo chúng tôi, cần đầu tư mạnh mẽ vào yếu tố con người. Bởi, thành phố thông minh không chỉ cần máy móc, phương tiện thông minh mà cần con người thông minh. Đây chính là cái lõi của vấn đề”. Cũng theo Đại đức Châu Hoài Thái, Thành phố cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer, kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào Khmer...

Cùng với quan điểm này, TS. Vũ Văn Hải, đại diện cho đồng bào Chăm lưu ý: Trong quý IV/2017, Thành phố đã có dự thảo Đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, kèm theo các tiêu chuẩn là phù hợp với đòi hỏi của một đô thị thông minh, nhưng lại có thể khó đối với người dân tộc thiểu số. Bởi, chúng ta cần có cái nhìn khách quan rằng, người dân tộc thiểu số ở Thành phố không phải đã hết khó khăn về “trình độ”, hội nhập khi đồng hành trên con đường xây dựng Thành phố thông minh. Vì vậy, với người dân tộc thiểu số là nhóm thu nhập thấp, thậm chí chỉ ở mức trung bình thì việc tiếp cận sẽ gặp khó khăn nhất định”.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Tất Thành Cang đánh giá cao những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua đối với sự phát triển của Thành phố ở các lĩnh vực. Đồng chí Tất Thành Cang cho biết, thời gian qua, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng tăng, vì cách đây 10 năm, Thành phố có 44 cộng đồng, thì tới nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố khá đa dạng, với 51 dân tộc khác nhau.

Cùng với việc đánh giá cao các ý kiến của đại biểu là những tâm huyết, nguyện vọng chính đáng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã ghi nhận và chỉ đạo các sở, ban, ngành sẽ có sự quan tâm, sâu sát hơn nữa trong việc xây dựng các chính sách dân tộc của Thành phố. Đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước và Đảng bộ chính quyên Thành phố luôn thực hiện nhất quán đó là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và cùng giúp đỡ nhau tiến bộ. Bình đẳng ở đây không phải ai cũng như ai mà cần xem xét tới điều kiện đặc thù. Chính bình đẳng đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện công tác, làm việc, phát triển. Riêng Thành phố cũng có những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho bà con về nhà ở, học tập, việc làm, chính sách phát triển văn hóa… Đồng chí Tất Thành Cang khẳng định: Thường vụ Thành ủy xác định việc chăm lo, phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số là tâm nguyện của Bác Hồ, chính sách Đảng, Nhà nước xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, để làm sao chúng ta có một dân tộc Việt Nam đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em, chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc chăm lo chính sách dân tộc thiểu số là chăm lo cho sự phát triển bền vững của Thành phố và đất nước./.