TCCSĐT - Sáng 31-01 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc Thông điệp Liên bang Mỹ năm 2018 trước lưỡng viện Quốc hội với chủ đề "Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào", trong đó, ông dành phần lớn thời gian để nêu bật những thành tựu mà chính quyền của ông đạt được trong năm cầm quyền đầu tiên. Thông điệp Liên bang sẽ định hình chương trình nghị sự của chính quyền và đảng Cộng hòa trong thời gian tới.

Những "bước tiến đáng kinh ngạc" và "những thành công phi thường" về kinh tế

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump đề cập nhiều đến những vấn đề kinh tế. Ngay phần đầu bản thông điệp, Tổng thống Trump đã đề cập đến những "bước tiến đáng kinh ngạc" và "những thành công phi thường" mà nước Mỹ đã đạt được trong năm qua. Ông cũng nhắc đến những thiệt hại mà nước Mỹ phải hứng chịu trong các cơn bão lớn, lũ lụt, hỏa hoạn cùng vụ xả súng đẫm máu tại Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay ở Las Vegas, đồng thời, đề cao tinh thần tương trợ lẫn nhau của người Mỹ trong khó khăn. Ông cũng nhắc tới những khu vực đang trong quá trình khôi phục sau thiên tai như Florida, California hay vùng lãnh thổ Puerto Rico với lời hiệu triệu "chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua".

Tổng thống Trump đề cập nhiều đến những thành quả của nền kinh tế Mỹ, một nền kinh tế được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất trong kinh tế toàn cầu trong năm 2017. Trong năm qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 2,4 triệu việc làm mới, trong đó có 200.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Tiền lương cũng đã tăng sau nhiều năm chững lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 45 năm qua, đặc biệt "tỷ lệ thất nghiệp người Mỹ gốc Phi ở mức thấp nhất trong lịch sử". Năm 2017 cũng ghi nhận chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao nhất từ trước tới nay, trong khi thị trường chứng khoán liên tục lập những kỷ lục mới, thu về 8.000 tỷ USD trong một thời gian ngắn. Theo Tổng thống Trump, các kế hoạch cắt giảm thuế đã mang lại sự hỗ trợ lớn lao đối với tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ, với mức thu nhập trung bình của hộ gia đình đã tăng hơn 4.000 USD, trong khi mức thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp nhỏ đã giảm tới 20%, qua đó thúc đẩy các công ty mở rộng và tuyển thêm lao động. Tổng thống nêu rõ: "Đây là khoảnh khắc mới của người Mỹ. Chưa bao giờ có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để sống với giấc mơ Mỹ".

Về vấn đề thương mại, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ đã lật giở trang cũ trong nhiều thập kỷ các thỏa thuận thương mại không công bằng, vốn hy sinh sự thịnh vượng của chúng ta. Từ bây giờ, chúng ta hy vọng các mối quan hệ thương mại công bằng và quan trọng hơn là có qua có lại”. Ông cũng kêu gọi Quốc hội giải ngân khoản ngân sách ít nhất 1.500 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng mới: "Chúng ta sẽ xây mới những con đường, cây cầu, tuyến cao tốc, đường sắt và đường thủy trên khắp đất nước. Và chúng ta sẽ làm việc đó bằng trái tim, bàn tay và sự bền bỉ của người Mỹ".

Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nước Mỹ an toàn và mạnh mẽ

Bên cạnh việc nêu bật những thành tựu quan trọng mà nước Mỹ đã đạt được trong năm vừa qua trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thương mại và an ninh quốc gia, bài phát biểu của Tổng thống Trump cũng đề cập đến những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề nóng nhập cư, cho rằng chính sách nhập cư hiện hành vẫn còn "lỗ hổng", khi điều mà ông gọi là “biên giới mở” của Mỹ đã cho phép những tay buôn ma túy tràn vào nước này, làm gia tăng số lượng súng đạn, tội phạm băng nhóm và cướp đi sinh mạng của người dân.

Ông đề nghị các nghị sĩ lưỡng đảng tại hai viện Quốc hội cùng nhau “lấp lỗ hổng luật pháp”, thông qua các đạo luật mới sửa đổi luật di trú và đưa ra những hỗ trợ khác nhằm đối phó, ngăn chặn tội phạm và các phần tử khủng bố xâm nhập vào Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời vạch ra kế hoạch nhập cư 4 điểm, gồm lộ trình cấp quyền công dân cho 1,8 triệu người nhập cư trái phép đến Mỹ khi còn nhỏ; bảo vệ toàn diện biên giới, tức là xây bức tường dọc biên giới với Mexico và tuyển thêm an ninh; chấm dứt "xổ số thẻ xanh", chương trình cấp thị thực ngẫu nhiên cho người nhập cư mà không cân nhắc đến năng lực, chuyên môn và mức độ an toàn đối với người dân Mỹ; và bảo vệ các gia đình hạt nhân bằng việc chấm dứt chương trình "chuỗi di cư" - chương trình cho phép người thân ruột thịt của người nhập cư cũng được đến Mỹ.

Tổng thống Trump cũng cho biết trong những tuần tới, Hạ viện và Thượng viện sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với gói cải cách nhập cư, sau khi chính quyền của ông trong nhiều tháng qua đã có các cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ hai đảng để có thể thống nhất về một cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề này.

Quốc phòng và đối ngoại: Nhiều băn khoăn của cộng đồng quốc tế

Về vấn đề quốc phòng, Tổng thống Trump đề xuất hiện đại hóa và tái xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng sức mạnh răn đe trước bất cứ hành động gây hấn nào. Ông cũng cho biết sẽ xem xét lại việc mở cửa trở lại nhà tù quân sự tại vịnh Guantanamo, đi ngược lại với những nỗ lực mà người tiền nhiệm Barack Obama đã thực hiện trong việc đóng cửa cơ sở giam giữ gây tranh cãi này. Đối với cuộc chiến chống khủng bố, ông Trump cũng nêu bật thành quả của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu trong việc góp phần đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng tại Iraq và Syria; thừa nhận kết quả này có được là nhờ chiến lược phối hợp với các đồng minh được xây dựng từ thời người tiền nhiệm, và cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến tới khi “IS bị xóa sổ”.

Trong chính sách đối ngoại, Tổng thống Trump nêu rõ: "Chúng ta đang tái thiết sức mạnh và lòng tin ở trong nước. Song song với đó, chúng ta cũng đang khôi phục sức mạnh và vị thế ở bên ngoài”. Ông mô tả những đối thủ như Trung Quốc và Nga đang thách thức các lợi ích, thách thức nền kinh tế và các giá trị của nước Mỹ; kêu gọi sửa đổi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Đối với viện trợ nước ngoài, Tổng thống Trump kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật giúp đảm bảo các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ chỉ phục vụ người dân Mỹ và dành cho "những người bạn của Mỹ".

Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump tỏ rõ sự cứng rắn của mình bằng phát biểu cho rằng “sự tự mãn và nhượng bộ chỉ càng tạo cơ hội cho những hành vi khiêu khích và hung hăng", đồng thời khẳng định sẽ không lặp lại sai lầm của những chính quyền trước mà ông cho là đã đẩy nước Mỹ vào hoàn cảnh nguy hiểm hiện nay. Ông nhấn mạnh việc Triều Tiên theo đuổi tên lửa hạt nhân có thể đe dọa nước Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch gây sức ép tối đa để ngăn chặn điều này.

Kêu gọi gạt bỏ mọi bất đồng để hướng tới tương lai

Với chủ đề “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”, thông điệp liên bang của Tổng thống Trump đã tái hiện tầm nhìn về việc “cải cách tinh thần Mỹ” mà ông từng đưa ra trong diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ khi mới nhậm chức; thể hiện sự mềm dẻo, hứa hẹn sự lạc quan và hợp tác của nhà lãnh đạo vốn có nhiều quyết sách gây tranh cãi này, hướng tới mục tiêu đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Điểm nhấn trong văn bản này là lời kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng mong muốn các phe phái chính trị gạt bỏ mọi bất đồng để hướng tới một tương lai, với tuyên bố "hiện là thời điểm thuận lợi để bắt đầu giấc mơ Mỹ". Ông kêu gọi tất cả cả nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ, vượt qua những mâu thuẫn và khác biệt để tìm kiếm điểm chung, thúc đẩy tình đoàn kết và thống nhất trong người dân, cùng nhau "xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và đầy tự hào".

Giới phân tích đánh giá Tổng thống Trump tiếp tục gửi đi một thông điệp rõ ràng nhấn vào trọng tâm "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" đúng như khẩu hiệu quen thuộc của ông trong chiến dịch vận động tranh cử 2 năm về trước. Nhưng đặt sang một bên những thành tựu đối nội cũng như những vấn đề đối ngoại gai góc, có thể nhận thấy mục tiêu xuyên suốt trong thông điệp kéo dài một tiếng rưỡi của ông Trump là kêu gọi sự gắn kết và hòa giải trong nội bộ nước Mỹ, từ người dân bình thường tới các nghị sĩ, coi đây là nền tảng vững chắc để nước Mỹ trở nên an toàn và mạnh mẽ hơn. Và đây cũng là nền tảng vững chắc để ông tiếp tục theo đuổi giấc mơ về nước Mỹ vĩ đại sau một năm nhiều dấu ấn khác biệt.

Thực tế, bên cạnh những thành tựu kinh tế không thể phủ nhận, một năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Trump là sự đan xen các quyết định gây tranh cãi cả trong và ngoài nước. Cho rằng lợi ích của nước Mỹ không dựa vào các quan hệ đối tác an ninh cùng có lợi ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông, ông Trump đã dẫn dắt nước Mỹ bước vào giai đoạn mới, chuyển từ chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ có tính hướng ngoại sang hướng nội. Trong 365 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Trump đã rút khỏi TPP, buộc các nước tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, đặt câu hỏi về tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)… Những trụ cột “truyền thống” dường như bị lung lay trước tác động của những vấn đề mang tính hệ thống nói trên. Bên cạnh đó, Washington còn chỉ ra một loạt nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, tìm cách áp đặt các biện pháp bảo hộ theo hướng có lợi cho nước này, với lập luận rằng tình trạng mất cân bằng thương mại kéo dài là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ trì trệ và người lao động Mỹ mất việc làm. Tất cả đều toát lên nhãn quang thực dụng của một nhà lãnh đạo xuất thân từ giới kinh doanh.

Những quyết sách này nhằm mục tiêu xuyên suốt "Nước Mỹ trước tiên" nhưng không khỏi khiến người dân Mỹ và một bộ phận không nhỏ chính giới hoài nghi về vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu. Cũng những quyết sách này đã khiến Tổng thống Trump trở thành chính trị gia gây mâu thuẫn, chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Trong bức tranh toàn cảnh với nhiều mảng màu đối lập này, Thông điệp liên bang là cơ hội để Tổng thống Trump tái khẳng định những thành tựu đã làm được và kêu gọi sự đồng thuận, hòa giải từ người dân tới chính giới, đặc biệt khi chính trường Mỹ luôn là sàn đấu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. Điều này là dễ hiểu khi năm 2018 được đáng giá là năm khó khăn đối với chính quyền của Tổng thống Trump khi là năm diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, vốn theo truyền thống được coi là “không thuận lợi” cho các tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đảng Dân chủ đang thể hiện rõ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát quốc hội trong 2 năm còn lại nhiệm kỳ của ông Trump, trong bối cảnh thế đa số mong manh mà phe Cộng hòa nắm giữ tại Thượng viện Mỹ đã suy yếu khi lần đầu tiên sau 25 năm, một ứng cử viên Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng viện bổ sung tại bang Alabama hồi trung tuần tháng 12 vừa qua, một bang truyền thống của đang Cộng hòa. Thực tế này đặt ra thách thức lớn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt là mở rộng thành phần ủng hộ để có thể lật ngược tình thế, nếu không muốn theo chân hai tổng thống tiền nhiệm là George W.Bush và Barack Obama, những người đều nhận thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu không lật ngược thế cờ, Tổng thống Trump và êkíp của ông sẽ gặp khó khăn hơn trong các quyết sách sau này.

Dư luận phản ứng trái chiều về Thông điệp của Tổng thống Mỹ D.Trump

Mỹ cần từ bỏ trạng thái Chiến tranh Lạnh, xem xét Trung Quốc cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ theo đúng hướng. Đây là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra ngày 31-01 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày Thông điệp Liên bang đầu tiên, trong đó gọi Trung Quốc và Nga là "các đối thủ" thách thức lợi ích, kinh tế và giá trị của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng Bắc Kinh và Washington cùng chia sẻ những lợi ích chung song song với một số khác biệt, tuy nhiên lợi ích chung giữa hai nước nhiều hơn là sự khác biệt. Theo bà, lịch sử và thực tiễn cho thấy hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất giữa Trung Quốc và Mỹ và lợi ích chung giúp hai nước có tương lai tốt đẹp hơn. Bà Hoa Xuân Oánh cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ thỏa hiệp với Trung Quốc, tôn trọng lẫn nhau, tập trung vào hợp tác, kiểm soát bất đồng nhằm duy trì sự phát triển mối quan hệ song phương ổn định và mạnh mẽ.

Trong khi đó, Ủy viên ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hanna Amireh cho rằng Thông điệp Liên bang năm 2018 của ông Trump đã báo hiệu sức ép gia tăng đối với người Palestine khi ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh Mỹ - Israel. Quan chức PLO cho rằng những biện pháp được thực thi nhằm gây sức ép đối với người Palestine về vấn đề chính trị và tài chính nhiều khả năng sẽ tiếp tục được Washington thực hiện. Ông Hanna Amireh lưu ý rằng Mỹ có thể cũng có những biện pháp trừng phạt nhằm vào những quốc gia khác vốn đã bỏ phiếu ủng hộ Palestine tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây nhằm bác bỏ tuyên bố của ông Trump hồi tháng 12-2017 về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Còn tại Mỹ, kết quả của cuộc thăm dò dư luận công bố ngay sau khi Tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang cho thấy đại đa số cử tri Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với bài phát biểu này.

Theo cuộc thăm dò với 1.178 cử tri do CBS News thực hiện, được tiến hành với 42% cử tri của đảng Cộng hòa, 33% đảng độc lập và 25% đảng của đảng Dân chủ, cho biết, khoảng 80% cử tri cho rằng ông Trump đã cố gắng truyền đi thông điệp kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, chứ không phải sự chia rẽ. Bài phát biểu của ông Trump giành được sự ủng hộ của 97% cử tri của đảng Cộng hòa, 72% cử tri độc lập và 43% cử tri của đảng Dân chủ. Kết quả này trái ngược với cuộc thăm dò được tiến hành vào đầu tháng 01, theo đó chỉ có 33% cử tri độc lập và 7% cử tri của đang Dân chủ ủng hộ những việc mà Tổng thống Trump đang làm.

Cũng theo kết quả thăm dò trên, 60% người tham gia cho biết bài phát biểu khiến họ cảm thấy tự hào, 35% nói rằng cảm thấy an toàn hơn, 21% cảm thấy tức giận và 14% cảm thấy sợ hãi. Với các chính sách được đưa ra trong bài phát biểu, 91% cử tri ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, 75% ủng hộ kế hoạch an ninh quốc gia và 72% bày tỏ ủng hộ đề xuất về vấn đề nhập cư của Tổng thống Trump. Về kinh tế, 76% cử tri ca ngợi những đóng góp của ông Trump đối với những thành quả bước đầu của nền kinh tế Mỹ trong vòng một năm qua.

Báo chí Mỹ cũng phản ứng trái chiều

Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được những phản ứng trái chiều từ báo giới nước này. Trong một phản ứng tích cực, cây bút của tờ Wall Street Journal, Rebecca Ballhaus nhận định Tổng thống Trump đã thể hiện tinh thần lạc quan trong Thông điệp Liên bang khi kêu gọi người dân Mỹ ‘mơ về mọi thứ’ và ‘tin ở chính mình’, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết bằng cách nói về ‘một gia đình Mỹ’. Cùng quan điểm trên, một cây bút khác của tờ báo này, ông Jacob M. Schlesinger cho rằng việc Tổng thống Trump chủ yếu nhắc đến những thành quả cũng như sức mạnh kinh tế Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ cho thấy Thông điệp Liên bang của ông khá lạc quan.

Trong bài viết có tiêu đề “Người thắng kẻ thua sau Thông điệp Liên bang của Trump”, tờ Washington Post bình luận: “Ông Trump đã có một bài phát biểu phô diễn sức mạnh, theo đúng nghĩa đen”. Báo này cũng kể ra những điểm sáng khác trong Thông điệp Liên bang: lời kêu gọi đoàn kết, làm dấy lên những tia hy vọng về một khởi đầu mới trên chính trường đang tồn tại nhiều chia rẽ, các tuyên bố về cắt giảm thuế, điều mà Washington Post cho là khía cạnh các nhà lập pháp đảng Cộng hòa có cơ hội để tự hào.

Tuy nhiên, theo Washington Post, Thông điệp Liên bang đầu tiên của ông Trump có nhiều điểm đáng tiếc, cụ thể là những tuyên bố sai sự thật, từ việc Mỹ “là nhà xuất khẩu năng lượng trên thế giới”, cho đến việc ông nói rằng Quốc hội đã thông qua và ký “cải cách và luật cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”…

Tờ USA Today không đánh giá cao Thông điệp Liên bang trên vì ông Trump đã không nhắc đến những thách thức nghiêm trọng nhất, trong khi tờ Economics and Tax chỉ ra rằng thực tế là “số lượng việc làm được tạo ra trong năm vừa qua thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Obama”. Phóng viên Jim Tankersley của Economics and Tax nhận định trong suốt 80 phút, Tổng thống Trump không hề đề cập một từ nào tới việc cắt giảm chi tiêu chính phủ, thay vào đó là những tín hiệu cho thấy mục tiêu tăng chi ngân sách, một điểm rất đáng chú ý trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ đang gần tới ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Alan Rappeport, chuyên gia bình luận của tờ Economic Policy, cho rằng dù đây là một Thông điệp Liên bang khá dài, song có nhiều vấn đề vẫn chưa được Tổng thống Trump đề cập, chẳng hạn như bạo lực súng đạn, quan hệ với Nga hay Trung Quốc./.