Gặp mặt các cán bộ ngoại giao dịp kỷ niệm 45 năm ký Hiệp định Paris
TCCSĐT - Ngày 25-01, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27-01-1973 - 27-01-2018).
Thắng lợi tổng hợp trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao
Cách đây 45 năm, ngày 27-01-1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, trong thời gian 4 năm 8 tháng 14 ngày (từ 13-5-1968 - 27-01-1973).
Trong quá trình đàm phán đó, cả thế giới đều ngưỡng mộ và khâm phục ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén của nhà nữ ngoại giao xuất sắc Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định, bà Nguyễn Thị Bình xúc động nhớ lại thời kỳ chiến đấu anh hùng trên mặt trận ngoại giao. Trước đây, mặc dù không phải là nhà ngoại giao nhưng do có thực tiễn hoạt động chính trị ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc nhiều giới nên bà được cử tham gia đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị Paris.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, cuộc đấu tranh ở Hội nghị đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị với công tác ngoại giao nước nhà ngày nay và mai sau. Đó là chủ trương, chiến lược ngoại giao đúng đắn; đặc biệt đánh giá chính xác sức mạnh, tương quan lực lượng trên chiến trường, tình hình thế giới; biết kết hợp giữa sức mạnh nội lực và tận dụng cơ hội quốc tế. Hội nghị Paris kéo dài 5 năm, trong 3 năm (1969 - 1971), trên chiến trường có sự giằng co giữa ta và địch.
Đến năm 1972, ta giành thế chủ động về mặt quân sự khi mở nhiều chiến dịch trên khắp chiến trường miền Nam, chiến trường miền Trung, Quảng Trị. Khi đó, Mỹ đàm phán muốn rút, nhưng muốn rút trên thế mạnh nên có nhiều hoạt động phá hoại miền Bắc, đặc biệt ngăn chặn nguồn viện trợ miền Bắc cho miền Nam. Có thể nói, lúc bấy giờ, tương quan lực lượng trên chiến trường nghiêng về ta.
Bên cạnh đó, năm 1972 cũng diễn ra một sự kiện quan trọng đối với nền chính trị Mỹ, đó là cuộc bầu cử Tổng thống và Nixon có ý định tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Thời điểm này, phong trào quốc tế đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đang lên cao; đặc biệt tại Mỹ, phong trào phản chiến rất mạnh đã gây áp lực cho chính quyền Nixon. Vì thế, đây là điều kiện thuận lợi để ta mở cuộc tiến công về ngoại giao có tính chất quyết định.
Bằng việc đưa ra giải pháp 7 điểm (ngày 01-7-1971) và 2 điểm nói thêm (ngày 02-02-1972), ta không đòi hỏi giải quyết cả gói “quân sự và chính trị” như trước (gồm việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam và xóa bỏ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn) mà chỉ tập trung vào việc đòi “Mỹ phải rút quân,” các vấn đề chính trị của miền Nam Việt Nam cho các bên của Việt Nam tự giải quyết. Sách lược khôn khéo này thể hiện thiện chí của ta, được dư luận quốc tế hoan nghênh, đồng thời thúc đẩy phong trào đoàn kết với Việt Nam đòi chấm dứt chiến tranh.
Sau đó, chính quyền Nixon chịu ngồi đàm phán thực chất. Sau 3 tháng tranh luận, phía Mỹ cơ bản chấp thuận với văn bản mà phía ta đưa ra và dự định đến tháng 10-1972 sẽ ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, chính quyền Nixon đã lật lọng, ngừng đàm phán và tìm mọi cách để không chấp nhận những yêu cầu của Việt Nam, đồng thời gây sức ép để phía ta sửa đổi một số điều trong dự thảo không có lợi cho Mỹ. Đỉnh điểm của sự gây sức ép là cuộc không kích bằng B52, tàn phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc suốt 12 ngày đêm. Thế nhưng, cuộc không kích của Mỹ đã thất bại nặng nề không những về mặt quân sự mà còn về chính trị, buộc Mỹ phải chấp nhận trở lại đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh việc đánh giá đúng tình hình, tận dụng thời cơ và có sách lược khôn ngoan sẽ đem đến kết quả có lợi nhất. Đặc biệt, ngoại giao muốn thắng lợi phải xuất phát từ nội lực của đất nước, trong đó có sức mạnh về quân sự và sức mạnh kinh tế.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng đề cập đến vai trò quan trọng của ngoại giao nhân dân trong kháng chiến cứu nước và giai đoạn hiện nay. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao nhân dân có tác động đến chính trị, ngoại giao Nhà nước.
Trong những năm 1969 - 1971, chiến trường rất khó khăn nhưng mặt trận ngoại giao nhân dân mạnh hơn đã động viên cuộc đấu tranh trong nước. Tình hình phức tạp hiện nay cần đặc biệt quan tâm đến ngoại giao nhân dân với mục tiêu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cuộc đàm phán Paris là thành công lớn về nhiều mặt không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới. Nguyên nhân dẫn đến thành công đó là sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, của Đảng (lúc bấy giờ là Đảng Lao động Việt Nam).
Ngoài ra, “muốn đánh địch phải hiểu địch”, thường xuyên nghiên cứu, thảo luận tình hình Mỹ, trên cơ sở đó có chiến lược, chính sách quân sự, ngoại giao phù hợp. Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu phải tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, trong đó có dư luận của chính nước đối thủ.
Bài học về độc lập, tự chủ
Tại buổi gặp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, hào hùng trong giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc, các cán bộ, nhân viên ngoại giao từng tham gia phục vụ Hội nghị Paris, tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris, đều chỉ rõ bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối phương ra sao để quyết định từng bước đi; luôn luôn có sự kết hợp giữa những chuyển biến trên chiến trường và trên mặt trận ngoại giao.
Nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris 1973 nhấn mạnh, tính độc lập, tự chủ thể hiện rõ trong chủ trương, biện pháp, nội dung, câu chữ... của Hiệp định.
Chia sẻ về quá trình cập nhật, xử lý thông tin trong quá trình đàm phán, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết, mặc dù cách hơn 6.000 km cộng với tình hình đất nước khó khăn nhưng thông tin từ Paris về Hà Nội và ngược lại được chuyển đến kịp thời, nhanh chóng. Thông tin về tình hình đất nước, tình hình quốc tế, quá trình đàm phán và những điều cần chú ý trong dư luận Mỹ, quốc tế luôn được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ.
Đồng chí Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh Hội nghị Paris kéo dài 5 năm đã làm nên kỳ tích trong ngành ngoại giao Việt Nam. Cuộc gặp mặt hôm nay đã tiếp thêm nguồn cảm hứng, nguồn động lực cho cán bộ ngoại giao nỗ lực cống hiến, làm nên kỳ tích như thế hệ trước tạo ra.
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Cũng chính vì vậy, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, công lý, là di sản vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị, can thiệp của nước ngoài.
Kế tục, phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ngoại giao thời kỳ hội nhập quốc tế, phát triển đất nước tiếp tục là một “mặt trận”, trong đó các cán bộ ngoại giao là những “người lính”, không ngừng phấn đấu góp phần tích cực đưa đất nước vào vị thế có lợi nhất trong nền chính trị, nền kinh tế, văn hóa khu vực và toàn cầu./.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thăm nguyên lãnh đạo Lào và tỉnh Champak  (25/01/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ  (25/01/2018)
Gắn bảo vệ rừng với nâng cao chất lượng đời sống người dân  (25/01/2018)
Đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công  (25/01/2018)
Tránh chồng chéo, lãng phí trong xây dựng cơ sở dữ liệu  (25/01/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên