TCCSĐT - Ngày 12-01-2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, năm 2017, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động của ngành dầu khí đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao. Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất Chính phủ giao Tập đoàn đều về đích trước kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và cân đối ngân sách nhà nước năm 2017. Tổng sản lượng khai thác năm 2017 vượt 1,60 triệu tấn quy dầu (vượt 6,7%) so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Tập đoàn đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 380 triệu vào ngày 20-8-2017. Sản xuất điện hoàn thành kế hoạch cả năm trước 8 ngày, vượt 481 triệu kWh (2,4%) so với kế hoạch năm. Tập đoàn đạt mốc sản xuất kWh điện thứ 150 tỷ vào ngày 17-12-2017. Sản xuất đạm đạt 1,65 triệu tấn, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 53 ngày, vượt 128 nghìn tấn (8,4%) so với kế hoạch năm. Tập đoàn đạt mốc sản xuất tấn đạm thứ 15 triệu vào ngày 22-11-2017. Sản xuất xăng dầu đạt 6,24 triệu tấn, bằng 92% kế hoạch năm. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt mốc sản xuất tấn sản phẩm các loại thứ 50 triệu vào ngày 16-12-2017. Nộp ngân sách nhà nước 97,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng, vượt 22,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm, tăng 8,0% so với năm 2016. Công tác an toàn trên các công trường/nhà máy được các nhà thầu dầu khí, các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, không có sự cố nào xảy ra; công tác triển khai Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.

 

 Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn báo cáo kết quả hoạt động.


Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dầu khí vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế. Sự phát triển ngành dầu khí cả về quy mô, năng lực, công nghệ còn chậm, chưa đồng bộ so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Quy mô, tiềm lực tài chính của PVN chưa đủ mạnh. Trong khi đó, sự tham gia của các thành phần kinh tế khác ở trong nước vào ngành dầu khí còn hạn chế; một số dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả còn thấp, rủi ro cao. Năng lực điều hành và khả năng kinh doanh còn hạn chế so với một số nước trong khu vực. Mô hình, phương thức quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn chậm được hoàn thiện, bộc lộ nhiều bất cập. Việc tái cấu trúc tập đoàn tuy đã được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, nhưng kết quả vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, người lao động ngành Dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Đồng thời, thẳng thắn phân tích những hạn chế, yếu kém; chia sẻ với những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các kế hoạch phát triển của Tập đoàn.

 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2016-2020. Ngành dầu khí đứng trước yêu cầu hết sức nặng nề, đó là vừa nhanh chóng khắc phục hiệu quả những hạn chế, sai phạm thời gian trước, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển những lĩnh vực cốt lõi, xứng đáng vị thế của một trong những Tập đoàn trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-07-2015 của Bộ Chính trị và các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2035. “Trong năm 2018, tôi đề nghị Tập đoàn triển khai có hiệu quả 8 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 12-7-2017 về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2020”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Cần tập trung toàn lực cho việc tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ Công ty Mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy truyền thống ngành dầu Khí, đặc biệt là tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo điều hành doanh nghiệp. Xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém; đồng thời, xây dựng các giải pháp thu hút vốn đầu tư để phát triển ngành dầu khí; có giải pháp đẩy mạnh việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí; đẩy mạnh các dự án khai thác khí quan trọng (Khí Lô B, Cá Voi Xanh); đẩy nhanh tiến độ các dự án còn chậm so với yêu cầu...; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt, có giải pháp khả thi để sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển ngành dầu khí, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh; quan tâm hơn nữa đến đời sống của người lao động, chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội người dân vùng khó khăn, vùng dự án.

Tại Hội nghị, 13 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực khai thác dầu thô; cổ phần hóa doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh; quản trị doanh nghiệp đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tôn vinh vì có những thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp./.