Chính phủ đồng ý bỏ sổ hộ khẩu

BTV/VGP
09:51, ngày 05-11-2017
TCCSĐT - Chính phủ đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Đây là thông tin nổi bật trong các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những ngày qua.

Bỏ sổ hộ khẩu

Tại Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong hàng loạt lĩnh vực như xuất nhập cảnh, đăng ký phương tiện giao thông, phòng cháy chữa cháy, đăng ký, quản lý cư trú…

Đặc biệt, về nhóm thủ tục đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã), Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Cùng với đó, thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an.

Bỏ "Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA của Bộ Công an. Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an.

Về thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã, Chính phủ đồng ý bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP.

Cùng với đó, Chính phủ đồng ý bãi bỏ các nhóm thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, xóa đăng ký thường trú, cấp đổi sổ tạm trú tại Công an cấp xã, cấp lại sổ tạm trú tại Công an cấp xã…

Chính phủ đồng ý bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính về cấp, quản lý chứng minh nhân dân quy định tại nhiều Nghị định và Thông tư.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 và trình Quốc hội ban hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định liên quan.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ 24 Thông tư có liên quan.

Không đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch phạt đến 5 triệu đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ một số trường hợp.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch. Cụ thể, phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định; không làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực; không đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc không thông báo bằng văn bản khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch bị mất hoặc hỏng;...

Phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số mã vạch; sử dụng mã số mã vạch đã bị thu hồi; bán, chuyển nhượng mã số mã vạch đã được cấp.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản; sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.

Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Tổ chức mã số mã vạch quốc tế; cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số mã vạch GS1 hợp pháp; phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số mã vạch từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm.

Nghị định có hiệu lực từ 15-12-2017.

Làm rõ hành vi vi phạm của Tập đoàn Khaisilk

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí có đăng bài phản ánh nhiều sản phẩm lụa tơ tằm của Tập đoàn Khaisilk bày bán trên thị trường có dấu hiệu là hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15-12-2017.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí, các hiệp hội ngành, nghề đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, về những nguy hại của hành vi gian lận xuất xứ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, các làng nghề truyền thống; kịp thời lên án, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ uy tín quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng./.