TCCSĐT - Sốt xuất huyết là một bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên bình diện quốc tế. Sự lan tràn về mặt địa lý của cả véc tơ truyền bệnh (muỗi) và virus đã đưa đến sự tăng cao tỷ lệ mắc bệnh cũng như khả năng xuất hiện dịch do nhiều chủng huyết thanh khác nhau ở các đô thị trong vùng nhiệt đới.
Theo tin từ cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế, hiện tại cả nước đã ghi nhận 137.997 trường hợp mắc, 30 tử vong. Dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng trong các tháng cuối năm do vậy người dân phải biết tự bảo vệ chính bản thân mình bằng cách diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Thanh Hóa: Nỗ lực khống chế dịch sốt xuất huyết


Chiều 05-10, ngành Y tế Thanh Hoá tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND và Công điện số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Thanh Hóa tăng cường các đoàn công tác về địa phương, tuyến Y tế cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch, không để bùng phát trên diện rộng. Lực lượng Y tế dự phòng đã sử dụng gần 70 lít hóa chất phun diệt muỗi ở các ổ dịch sốt xuất huyết, bảo vệ bằng hóa chất cho gần 2.400 lượt hộ gia đình ở các xã phát sinh ổ dịch. Ngoài ra, Thanh Hoá đã tiến hành xét nghiệm 916 mẫu huyết thanh, kết quả có 570 mẫu có xét nghiệm dương tính với ví rút Dengue; thực hiện giám sát véc tơ tại 34 xã thuộc 10 huyện. Lực lượng chức năng cũng tiến hành làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các đơn vị và các hoạt động phun hoá chất chủ động lần 1 (tháng 5-6), lần 2 (tháng 7-9)...

Qua giám sát, kiểm tra, phối hợp chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng với Bệnh viện Đa khoa ở 18 huyện, thị xã, hầu hết các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Nhưng qua giám sát cũng cho thấy một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch nói chung, sốt xuất huyết nói riêng, chưa thực hiện tốt vệ sinh môi trường để loại bỏ nguồn phát sinh muỗi. Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng cũng chưa được người dân quan tâm thực hiện. Một số Trung tâm Y tế dự phòng các huyện thị xã, thành phố chưa thực sự chủ động trong công tác giám sát theo dõi bệnh nhân và xử lý ổ dịch...

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa Hà Đình Ngư nhận định: Tại Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và phía Nam, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và thời tiết thuận lợi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển. Vì vậy trong quý 4-2017, ngành Y tế Thanh Hóa cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Các địa phương và ngành y tế tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch khi phát hiện các trường hợp mắc mới; thường xuyên thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy. Cùng với việc tăng cường giám sát, kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết ở các địa phương, các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh cần kịp thời thu dung điều trị cho người bị sốt xuất huyết.

Hiện Thanh Hóa đã có 26/27 huyện, thị, thành phố với 532 xã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó xuất hiện 6 ổ dịch nhỏ tại xã Hải Bình, xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia), xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành), xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hoá), xã Hà Sơn (huyện Hà Trung), xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc) với tổng số 133 bệnh nhân, trong đó cơ bản các ổ dịch đã được bao vây, khống chế.

An Giang: Không chủ quan khi sốt xuất huyết “hạ nhiệt”

Từ đầu năm đến đầu tháng 10, toàn tỉnh An Giang có gần 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2016. Theo dõi vectơ truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh cho thấy, sốt xuất huyết đã được khống chế và suy giảm. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia y tế, dấu hiệu “hạ nhiệt” của sốt xuất huyết vẫn chưa bền vững. Vì vậy, An Giang không được chủ quan, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết từ cơ sở

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang Huỳnh Mộng Hùng cho biết, cập nhật đến hết tuần thứ 39 toàn tỉnh có 3.924 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 151 trường hợp bị sốc nặng, 3 trường hợp tử vong; số ca nhiễm mới sốt xuất huyết là 100 trường hợp, giảm 19% so với tuần trước (tuần thứ 38). Tuy bệnh sốt xuất huyết đã có dấu hiệu giảm nhưng chưa “ bền vững”.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thoại Sơn: Trong tháng 7 vừa qua số ca mắc mới sốt xuất huyết tăng đột biến, nhưng hiện đã có dấu hiệu chững lại. Những năm trước đây, sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều ở trẻ em, riêng trong năm 2017 này, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn gia tăng, cụ thể từ đầu năm 2017 đến nay Bệnh viện đa khoa huyện Thoại Sơn tiếp nhận trên 200 ca sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có tới 19 ca là người lớn.

Trong những tháng cuối năm 2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ sốt xuất huyết; khoanh vùng, xử lý sớm ổ dịch ngay khi phát hiện các trường hợp đầu tiên.

“Bên cạnh đó, để sốt xuất huyết không bùng phát, lây lan, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, tạo thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống sốt xuất huyết và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng”-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang Huỳnh Mộng Hùng khuyến cáo.

Đồng Nai: Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng


Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh truyền nhiễm khác. Theo đó, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, đặc biệt là những điểm nóng đã phát hiện ổ sốt xuất huyết và tay chân miệng để có biện pháp xử lý kịp thời, không để bệnh bùng phát, lan rộng.

Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường kết hợp phun hóa chất diện rộng tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Sở Y tế Đồng Nai yêu cầu tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế huyện chuẩn bị kế hoạch cụ thể, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống...

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền cho học sinh về mối nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; hướng dẫn biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết như: Mắc màn khi ngủ, vệ sinh sạch sẽ tại gia đình và nơi công cộng...đồng thời lựa chọn một số trường trên địa bàn tỉnh để ra quân làm vệ sinh môi trường trong trường học; tổ chức đoàn kiểm tra vệ sinh ở các trường học…

Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 4.400 ca mắc sốt xuất huyết, 3 ca tử vong; trong đó, gần 4.000 trường hợp phải điều trị nội trú, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2017, Đồng Nai ghi nhận gần 7.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó hơn 2.700 ca phải điều trị nội trú, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2017. Thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu là 3 địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, chiếm 60% toàn tỉnh.

Cần Thơ: Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết tại Cần Thơ tăng tới 66% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9-2017, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đã tăng đến 101% so với cùng kỳ năm 2016. Toàn thành phố Cần Thơ có 9/9 quận, huyện; trong đó tại quận Thốt Nốt trong 9 tháng đầu năm có số ca mắc sốt xuất huyết tăng tới 146,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Còn theo đại diện Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tính từ đầu năm đến tháng 8/2017, bệnh viện tiếp nhận điều trị gần 2.500 ca sốt xuất huyết điều trị ngoại trú và gần 1.500 ca điều trị nội trú. Nguyên nhân khiến các ca mắc sốt xuất huyết ở Cần Thơ tăng là do thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều. Đây là những điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền bệnh.

Trước thực tế này, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: Cần Thơ đã mở chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn xuất hiện ổ sốt xuất huyết. Chiến dịch kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 12-2017. Bên cạnh đó, ngành Y tế Cần Thơ cũng mở chiến dịch truyền thông tổ chức các đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho các ban, ngành, đoàn thể tuyến thành phố, quận, huyện và xã, phường trên địa bàn; treo băng rôn, áp phích chủ đề phòng chống sốt xuất huyết. Lực lượng chức năng thường xuyên đến từng hộ gia đình nhắc nhở người dân diệt lăng quăng, diệt muỗi và chủ động thực hiện các biện pháp phòng sốt xuất huyết; phát tờ rơi hướng dẫn cách nhận biết và chăm sóc người mắc bệnh sốt xuất huyết. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân khi có biểu hiện liên quan đến sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời..

Hà Tĩnh: Ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan sau bão

Trước đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, môi trường bị ô nhiễm cùng với thời tiết ẩm ướt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi phát triển nên tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện 2 ổ bệnh sốt xuất huyết. Tỉnh đã huy động lực lượng khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan diện rộng.

Tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, nơi xuất hiện ổ bệnh sốt xuất huyết sau bão đầu tiên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh đã huy động lực lượng cùng máy phun hóa chất diệt côn trùng cỡ lớn, tiến hành phun nhiều ngày liên tiếp ở hai thôn Đông Hà I và Đông Hà II. Từ ca bệnh đầu tiên là anh Trần Xuân Khiêm (sinh năm 1992) ở thôn Đông Hà II bị sốt và phát ban ngày 22-9, sau đó bệnh sốt xuất huyết đã nhanh chóng lây lan trên địa bàn hai thôn Đông Hà I và Đồng Hà II, với 14 người mắc. Hiện những người bị sốt xuất huyết được điều trị cách ly tại Bệnh viện huyện Thạch Hà, có 3 trường hợp khỏi bệnh đã xuất viện.

Tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh có 9 trường hợp bị sốt xuất huyết, đang được cách ly điều trị tại Trạm y tế xã và bệnh viện tuyến huyện, thị.

Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết lây lan diện rộng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cấp hàng chục lít hóa chất diệt côn trùng cho các địa phương có dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại hơn 300 hộ. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tuyến huyện, thị cử cán bộ bám sát địa bàn phối hợp với chính quyền hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, thả cá trong bể nước, lật úp các lu, bể chứa nước thừa thải; đồng thời tổ chức làm vệ sinh môi trường, khơi thông cống, rãnh, thu dọn rác thải ở các khu dân cư...

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết:

Mỗi người có thể bị mắc bệnh 4 lần trong đời.

Giảm sốt là thời điểm nguy hiểm nhất.

Không được dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen hạ sốt khi nghi ngờ mắc bệnh.

Truyền dịch là biện pháp cần thiết để điều trị bệnh./.