Kiên quyết cắt giảm vốn chậm giải ngân để ưu tiên việc cấp bách
TCCSĐT - Sáng 03-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng Chín, kết thúc quý 3 của năm 2017 để nhìn nhận tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của đất nước từ đầu năm đến nay một cách toàn diện các mặt ưu, nhược điểm.
Phát biểu tại phiên họp, bày tỏ vui mừng trước thành tích mang tính đột biến của quý 3, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan; khắc phục bất cập, tồn tại để quyết tâm hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2017.
Tăng trưởng đột biến trong quý 3
Phát biểu khai mạc phiên họp, đánh giá tình hình tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến cơn bão số 10 - cơn bão lớn nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào nước ta. Tuy nhiên, thiệt hại của cơn bão đã được giảm thiểu do hiệu quả tốt của công tác phòng, chống thiên tai từ dự báo đến chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả. Hệ thống an sinh xã hội, các lực lượng quân đội, công an, Đoàn thanh niên hoạt động tích cực, hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định sản xuất.
Thủ tướng đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan, các bộ, ngành và sự tương trợ, chia sẻ của người dân cả nước hỗ trợ bà con các tỉnh gặp thiên tai khắc phục khó khăn theo truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ, nếu quý 1 mức tăng trưởng chỉ đạt 5,15%; quý 2 đạt 6,28% thì tháng 7, 8, 9, nhất là tháng 8 và tháng 9, kinh tế đất nước đã có mức tăng trưởng đột biến, chủ yếu ở các khu vực sản xuất dịch vụ; nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao với mức xuất khẩu nông sản tăng mạnh; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, bán lẻ và du lịch đã nâng tăng trưởng cả quý 3 lên mức 7,46%.
Thủ tướng cho biết, theo số liệu thống kê chính thức, với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, cùng với khắc phục tư tưởng chủ quan trong chỉ đạo, điều hành và khắc phục một số tồn tại, bất cập thì năm nay sẽ là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức toàn diện tất cả 13 chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt và quan trọng là tăng trưởng từ động lực phát triển sản xuất dịch vụ chứ không phải là tăng trưởng từ tín dụng hoặc khai khoáng.
Thủ tướng cũng thông tin về việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa đưa ra đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc. So với cách đây 5 năm thì chỉ số này của Việt Nam đã tăng đến 50 bậc. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) do Nikkei vừa công bố của Việt Nam đạt 53 điểm, cao nhất trong khối ASEAN. Không khí làm ăn của người dân, doanh nghiệp sôi động, rất đáng mừng. Kế hoạch xuất khẩu phấn đấu phải đạt mức tăng trưởng từ 20% - 21%, nhất là trong xuất khẩu nông nghiệp.
Giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế
Nhìn lại 3/4 chặng đường của năm 2017, Thủ tướng đánh giá cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Trên 5.000 thủ tục hành chính đã được cắt giảm, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp bình quân 9 tháng tăng 3,79%; giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Thu ngân sách tăng 14%; tín dụng tăng 12%; thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất từ năm 2008. Nhập siêu giảm, xuất khẩu tăng. Dự trữ ngoại hối đạt trên 44 tỷ USD. Vốn FDI thu hút mạnh mẽ với mức gần 26 tỷ USD, tăng trên 34%, vốn thực hiện là 12,5 tỷ USD. Cả nước có gần 94 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và sản xuất kinh doanh thuận lợi. Niềm tin thị trường và xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước tăng lên. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được thực hiện tốt.
Mặc dù kết quả đáng mừng như vậy, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành không được chủ quan, nhất là trước những bất thường của thời tiết, khí hậu trong quý 4. Thay vào đó, càng phải tập trung điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra thì mới hoàn thành các mục tiêu.
“Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ năng nề còn ở quý 4 thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt tăng trưởng GDP”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng phân tích 9 tháng tăng trưởng đạt 6,41% là cao hơn cùng kỳ, nhưng muốn cả năm đạt 6,7% thì quý 4 phải đạt 7,4% đến 7,5%. Con số này không dễ dàng.
Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các lĩnh vực phải rà soát lại, tìm ra những hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục kịp thời để tiếp tục tăng trưởng, trong đó, lĩnh vực đầu tiên cần tập trung là công nghiệp bởi lĩnh vực chế biến chế tạo tăng mạnh nhưng khu vực công nghiệp xây dựng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ.
Nền kinh tế đang khát vốn
Đi sâu vào những trở ngại trong sản xuất kinh doanh, Thủ tướng nhận xét mặc dù có 94.000 doanh nghiệp mới thành lập và 21.000 doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, số vốn vào thị trường cao, nhưng vẫn còn một số lượng lớn doanh nghiệp lên tới 8.700 doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục giải thể.
Lo lắng trước tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, dù cải thiện nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu vì đến nay mới giải ngân được gần 55%, Thủ tướng đặt vấn đề: “Chúng ta đang nói thiếu vốn nhưng nền kinh tế có vốn rồi mà giải ngân không phải là dễ. Đây có phải là việc mà chúng ta cần phải quan tâm để góp phần tăng trưởng chăng?”.
Đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tìm cách giải ngân hết số vốn trên 307.000 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2017 trong xây dựng cơ bản, Thủ tướng thống nhất giải pháp là địa phương nào, ngành nào không giải ngân được thì kiên quyết cắt giảm theo đúng quy định để sử dụng cho những việc cấp bách khác.
“Có chế tài này để các đồng chí đều phải tập trung, chứ không thể nói là muốn giải ngân cũng được mà không cũng được. Nền kinh tế đang khát vốn, nếu đưa tiền các đồng chí không triển khai được thì phải điều chuyển,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng về tốc độ trong cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn Nhà nước “rất chậm, hầu như giậm chân tại chỗ”. Từ đầu năm đến nay, mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp, thoái vốn mới đạt 11,8 nghìn trên kế hoạch 60.000 tỷ đồng. Muốn đạt tổng thu ngân sách Trung ương của năm 2017 thì việc bán vốn Nhà nước vẫn còn gần 50.000 tỷ đồng nữa cần thực hiện.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thảo luận những giải pháp để giữ vững phát triển, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt của Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 là phiên họp chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải quan tâm, đôn đốc việc triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ họp, nhất là việc chuẩn bị một số báo cáo trình Quốc hội.../.
Khả năng hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu Quốc hội giao  (03/10/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư chúc Tết Trung thu  (02/10/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Lào  (02/10/2017)
Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Hội đồng điều hành Nghị viện châu Á  (02/10/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên