Trong Thông điệp Liên minh châu Âu ngày 13-9 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trình bày tại phiên họp của Nghị viện châu Âu diễn ra ở Strasbourg của Pháp, ông Juncker đã nêu những điểm chính định hướng phát triển cho một trong những liên minh lâu đời và hùng mạnh nhất trên thế giới này.

Về hội nhập, Chủ tịch EC Juncker kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên EU sử dụng đồng tiền chung euro và giúp đỡ những thành viên yếu kém cả về mặt tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Juncker cũng cảnh báo việc Ba Lan và Thụy Điển mong muốn sử dụng đồng tiền riêng đang đe dọa quá trình hợp nhất tiền tệ này. Bên cạnh đó, ông Juncker cũng muốn tất cả các nước thành viên tham gia vào Liên minh Ngân hàng EU, tạo một hệ thống giám sát đồng nhất cho toàn khối và hệ thống tiêu chuẩn chung về các chính sách lao động và xã hội. Ý tưởng thành lập một Cơ quan chuyên trách về lao động chung cho toàn khối cũng được nêu trong thông điệp. Ngoài ra, để tinh giản bộ máy và thuận lợi trong quá trình làm việc, ông Juncker cũng đề nghị tăng quyền hạn cho những người kế nhiệm ông về sau, không chỉ giữ vai trò chủ tịch EC mà còn kiêm cả vai trò chủ tịch Hội đồng châu Âu, là người cầm trịch tại các hội nghị thượng đỉnh EU, bởi theo ông việc tối giản hóa bộ máy EU sẽ giúp quy trình làm việc thuận lợi hơn không chỉ trong châu Âu mà cả ở các khu vực khác trên thế giới.

Về việc Anh rời khỏi EU (Brexit), ông Juncker cho rằng đây là một "tấn bị kịch" mà chính người Anh, những người đã bỏ phiếu lựa chọn ra đi sẽ phải hối hận nhưng điều đó sẽ không cản trở tiến trình hòa nhập thành một khối thống nhất của các quốc gia còn lại trong EU đặc biệt khi các điều kiện hiện tại đều đang rất thuận lợi. Tuy nhiên, ông không đưa ra tuyên bố nào liên quan tới các chính sách hậu Brexit cũng như kế hoạch về mối quan hệ song phương trong tương lai. Ông kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 30-3-2019 ngay sau khi Anh chính thức không còn là thành viên của EU.

Về thương mại và công nghiệp, EU sẽ sớm triển khai các cuộc đàm phán tự do thương mại với New Zealand và Australia và đặt mục tiêu hoàn thiện đàm phán cùng thời điểm với các đàm phán đang diễn ra giữa khối này và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Mexico và các quốc gia Nam Mỹ vào cuối năm 2019, cũng là lúc ông Juncker mãn nhiệm. EU cho rằng việc Mỹ "thờ ơ" với thương mại quốc tế là cơ hội cho khối này. Chủ tịch EC nhấn mạnh những thỏa thuận thương mại kể trên sẽ tạo ra cơ hội việc làm và tạo sức lan tỏa của các tiêu chuẩn châu Âu trong một số lĩnh vực, trong đó có môi trường. Tuy mở cửa giao thương nhưng châu Âu cũng sẽ có một số quy định nội khối liên quan tới hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, an ninh và công nghệ. Sau hàng loạt bê bối gian lận khí thải trong ngành sản xuất ô tô, chủ yếu ở Đức, ông Juncker đề xuất Chiến lược Chính sách công nghiệp để giúp ngành công nghiệp này giữ vững vị trí hoặc trở thành mũi nhọn trong lĩnh vực công nghiệp đột phá, số hóa và phi carbon hóa.

Về an ninh và nhập cư, trong thông điệp thường niên, ông Juncker cũng đề xuất thiết lập một Cơ quan an ninh mạng và một Đơn vị tình báo toàn khối với nhiệm vụ phối hợp chia sẻ thông tin về những đối tượng tình nghi, đồng thời thiết lập một Cơ quan công tố chung chuyên phụ trách điều tra khủng bố. EU sẽ tiếp tục đề xuất các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác trục xuất người nhập cư không đủ điều kiện tị nạn về nước. Đây được cho là một trong những bước đi cần thiết để các quốc gia thành viên chấp thuận những quy định tị nạn mới để cùng chung tay giúp đỡ những người tị nạn thực sự cần giúp đỡ.

Liên quan kế hoạch gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan, ông Juncker cho rằng các nước Tây Balkan sẽ có cơ hội gia nhập EU sau năm 2019, song Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó có cơ hội trở thành thành viên EU trong tương lai gần./.