Khuyến khích thành lập cơ sở trợ giúp xã hội

BTV/chinhphu.vn
21:24, ngày 13-09-2017

TCCSĐT - Nhà nước khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội trên lãnh thổ Việt Nam.

Cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Quy định trên được nêu tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Theo Nghị định trên, cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.

Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội gồm: 1- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; 2- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 3- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; 4- Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 5- Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; 6- Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; 7- Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định nêu rõ, đối tượng phục vụ của cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm: 1- Đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013; 2- Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú; 3- Người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20-6-2012, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30-9-2013 và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29-6-2016; 4- Những người không thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội quy định trên nhưng có nhu cầu được trợ giúp xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí; 5- Các đối tượng khác theo chương trình, đề án hỗ trợ hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Cơ sở trợ giúp xã hội có nhiệm vụ: Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng như: Nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo và đi lại; tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc; tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống và không có điều kiện sinh sống tại gia đình, cộng đồng; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao, các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ của từng nhóm đối tượng lao động sản xuất theo quy định của pháp luật...

Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây: 1- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thành lập theo quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này; cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2- Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

3- Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng.

4- Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì ngoài các điều kiện quy định nêu trên còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.

Nghị định quy định trong quá trình hoạt động, cơ sở không bảo đảm đủ một trong các điều kiện quy định trên thì bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian tối đa 6 tháng để kiện toàn các điều kiện hoạt động.

Chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Luật hợp tác xã


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã về tiến độ triển khai sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Thông báo kết luận nêu rõ, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (Ban Chỉ đạo) được thành lập theo Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 22-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng về các chủ trương, chính sách và giải pháp chiến lược nhằm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; giúp Thủ tướng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được phê duyệt.

Ngay từ khi thành lập tới nay, Ban Chỉ đạo đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động như: Sơ kết 5 năm việc thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp ở các vùng: đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Triển khai khảo sát các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước để phục vụ cho Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012 trên phạm vi toàn quốc. Đây là một trong 4 hội nghị quan trọng nhất của Chính phủ trong năm 2017, sẽ do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì vào đầu tháng 10-2017, nhằm thống nhất các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế tập thể nói riêng và chuỗi sản xuất kinh tế nói chung.

Về nội dung Báo cáo sơ kết, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo cần phải bổ sung những nội dung cụ thể trong báo cáo khảo sát của các ngành, lĩnh vực và các địa phương mang tính đại diện vùng miền, qua đó phát hiện những khâu yếu kém, hạn chế về cơ chế chính sách, trong tổ chức thực hiện luật hợp tác xã; đồng thời phát hiện các mô hình hợp tác xã tiên tiến, điển hình từ thực tiễn để quy chuẩn hóa và nhân rộng trên toàn quốc.

Đồng thời đánh giá kỹ hơn về nhận thức của cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới; quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền pháp luật, hợp tác xã khác với doanh nghiệp; cần cập nhật hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012: đất đai, tài sản (chia - không chia của hợp tác xã, thanh lý tài sản hợp tác xã), tiếp cận tín dụng (tài chính vi mô, bảo lãnh tín dụng, các quỹ), chính sách bảo hiểm (đối với tài sản - sản phẩm nông lâm nghiệp, bảo hiểm xã hội cho cán bộ hợp tác xã), vướng mắc của chính sách, pháp luật, khó đi vào cuộc sống...), xóa nợ đọng của hợp tác xã…

Phó Thủ tướng yêu cầu kiện toàn quỹ hỗ trợ hợp tác xã từ trung ương đến địa phương; bổ sung vốn điều lệ cho quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở trung ương; xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng, phong phú: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về hợp tác xã, mở các chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức triển lãm, hội chợ giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã, xây dựng các phim phóng sự, phim truyền hình về hợp tác xã (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng phát sóng vào dịp tổ chức sơ kết).

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị kịch bản, địa điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể tổ chức hội nghị vào đầu tháng 10-2017.

Phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em theo Quyết định 856/QĐ-TTgngày 15-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia.

Các Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

18 Ủy viên Ủy ban quốc gia là lãnh đạo một số bộ, ngành cơ quan Trung ương.
Theo Quyết định 856/QĐ-TTg ngày 15-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em, Ủy ban quốc gia về trẻ em có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện các vấn đề liên quan đến trẻ em và thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện quyền và các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em; các báo cáo thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.

Ủy ban quốc gia về trẻ em làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động, sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban./.