TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025.

Đến năm 2020 giảm tới 5% tổng số vụ phạm tội hình sự

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 05-KL/TW ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2020.

Chương trình sẽ tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương nội dung Kết luận số 05-KL/TW, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với trường hợp để xảy ra tội phạm tăng hoặc phức tạp kéo dài; tăng cường mối quan hệ phối hợp liên ngành trong phòng, chống tội phạm.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm; tăng cường quản lý, giáo dục cải tạo các đối tượng bị kết án đang ở ngoài xã hội, các đối tượng được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; chủ động thực hiện các biện pháp giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; tấn công trấn áp các loại tội phạm, tập trung đấu tranh những loại tội phạm nổi lên hiện nay, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người và các vi phạm về an toàn thực phẩm; mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; hoàn thiện tổ chức, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm...

Chương trình phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ở các địa bàn trọng điểm; giảm từ 15% đến 20% số vụ án do người chưa thành niên thực hiện và giảm từ 5 - 7% tội phạm xâm hại trẻ em.

Hằng năm, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên; hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới; 100% tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý; tăng 5 - 10% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng trên tổng số vụ việc được phát hiện; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”; chuyển hóa thành công 60% địa bàn được xác định là trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội...

Đưa công nghiệp môi trường trở thành ngành kinh tế quan trọng

Đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh. Đó là mục tiêu của Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án phấn đấu phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Đồng thời, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

Một trong những giải pháp để phát triển ngành công nghiệp môi trường mà Đề án hướng tới là xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, các bộ đơn giá dịch vụ môi trường, suất đầu tư theo công nghệ trong xử lý môi trường; phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường; phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường.../.