Sáng 02-02-2017 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu), lễ kỷ niệm 1977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2017 đã được tổ chức trọng thể tại di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo nhiều cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội và đông đảo nhân dân đã tham dự.

Lễ kỷ niệm nhằm tri ân nữ anh hùng kiệt xuất Hai Bà Trưng và tưởng nhớ các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt của Hai Bà.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng đã đem lại cho đất nước một nền độc lập, tự chủ dù chỉ tồn tại trong ba năm nhưng đã hun đúc, rèn giũa ý chí, sức sống của một dân tộc anh hùng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “còn cái lai quần cũng đánh”, “phong trào đồng khởi”, “đội quân tóc dài” một thời đã làm cho quân thù phải khiếp sợ, để thấy ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là vô cùng vĩ đại.

Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa còn lưu mãi sử sách. Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, trong đó có sức mạnh trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, tự hào về truyền thống phụ nữ Việt Nam, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Sau lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu đã dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng.

Năm 40 (sau công nguyên), Hai Bà Trưng đã gương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán. Chỉ trong thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt thời đó. Tô Định bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc được tướng sỹ và nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh.

Sau khi Hai Bà mất, để tưởng nhớ công đức hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ Hai Bà Trưng. Hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh tổ chức tế lễ tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với Hai Bà Trưng cùng lục bộ chư tướng của Hai Bà./.