TCCSĐT - Tối 30-11-2016, tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Năm 2016, 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, trong đó có 23 doanh nghiệp đã 5 lần đạt Thương hiệu quốc gia, 9 doanh nghiệp đạt 4 lần liên tiếp, 14 doanh nghiệp đạt 3 lần, 13 doanh nghiệp đạt 2 lần và 29 doanh nghiệp đạt lần đầu. Đây là những doanh nghiệp tiên phong, có sức lan tỏa lớn đối với Thương hiệu quốc gia và đại diện cho 16 lĩnh vực ngành hàng sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam, được lựa chọn theo những tiêu chí khắt khe nhất của Ban Tổ chức.

Trong số đó, các doanh nghiệp đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên có 70/88 doanh nghiệp và 26 doanh nghiệp có doanh thu từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Theo số liệu báo cáo, tổng doanh thu năm 2015 của các doanh nghiệp này đạt hơn 662 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2013. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách nhà nước là 59.093 tỷ đồng, tăng hơn 27,6% so với năm 2013, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động. Đáng chú ý, những doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong mọi điều kiện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Có những doanh nghiệp giữ mức tăng trưởng gần 70%.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Những thành tựu mà các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã đạt được là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm tới đây… Vì vậy, Nhà nước và Chính phủ đang nỗ lực tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia sẽ theo đuổi các giá trị của Chương trình Thương hiệu quốc gia là “Chất lượng - đổi mới - sáng tạo - năng lực tiên phong” để xứng đáng với danh hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đã trao cho, cũng như lòng tin của người tiêu dùng gửi gắm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần hướng tới việc bảo đảm uy tín chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến, hiện đại và hoạt động tài chính minh bạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao vị thế tiên phong của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, để xứng đáng với vai trò đại diện điển hình cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng như Bộ Công Thương cần tiếp thu ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị trong Hội đồng tạo điều kiện hỗ trợ chính sách và nguồn lực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng tham gia tích cực hơn nữa trong tiến trình xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Sau Lễ công bố Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế. Khi doanh nghiệp có thương hiệu đạt giá trị quốc tế thì sẽ mang lại hình ảnh cho cả doanh nghiệp và chương trình thương hiệu quốc gia.

Nhân dịp Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia lần thứ 5 được tổ chức vào năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể các doanh nghiệp và biểu dương các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia, lực lượng tiên phong trong phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Thủ tướng nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng phát triển trong từng ngành và lĩnh vực, góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu./.

Thương hiệu quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia thông qua việc xây dựng hình ảnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Việc lựa chọn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia được tiến hành 2 năm một lần từ năm 2008 với mục đích khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nâng cao niềm tự hào đối với các sản phẩm của Việt Nam.

Công tác lựa chọn được thực hiện nghiêm túc, công khai và minh bạch. Số lượng các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, cụ thể năm 2008 có 30 doanh nghiệp được lựa chọn, năm 2010 là 43 doanh nghiệp, năm 2012 là 54 doanh nghiệp và năm 2014 là 63 doanh nghiệp.