Thống nhất với quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sáng 08-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật du lịch (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.


Xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng

Các ý kiến cho rằng thời gian qua, ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính dự báo hướng tới 10-20 năm tới nên Luật phải có tác động hướng tới dự báo sẽ phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Cụ thể, đại biểu đề nghị cần cập nhật các quan điểm, mục tiêu, giải pháp chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

“Không thể vì sự phát triển nhanh chóng mà bất chấp chất lượng, sẵn sàng vì lợi nhuận mà tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài”, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) cảnh báo và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ để giúp ngành này phát triển nhanh hơn.

Điều kiện kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ

Nói về điều kiện kinh doanh lữ hành quy định tại Điều 32 dự thảo Luật, các ý kiến cho rằng hoạt động kinh doanh lữ hành là một dạng kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép, vì liên quan đến con người, ngoại giao, an ninh quốc gia nhưng những quy định trong dự thảo còn khá mở và đơn giản.

Người hoạt động kinh doanh lữ hành phải am hiểu về hoạt động lữ hành, hiểu tính chất hoạt động du lịch và phải có kiến thức pháp luật, kiến thức xử lý các tình huống có liên quan, phải được đào tạo.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) cho rằng nên giữ nguyên qui định về kinh doanh lữ hành như cũ. Giữa hoạt động của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế, cần đảm bảo công bằng và kinh doanh lành mạnh.

Nhìn nhận chất lượng hướng dẫn viên Việt Nam hiện nay không đồng đều, tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên ở một số khu vực vào một số mùa cao điểm là có, khẳng định hướng dẫn viên quyết định đến 60-70% thành công của các tour, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng nếu các công ty thành lập ra, nhận tour, nhưng không có hướng dẫn viên, khi phục vụ cho khách lại ký hợp đồng với một hướng dẫn viên bất kỳ, không phải hướng dẫn viên cơ hữu sẽ dẫn đến nguy cơ khách không được phục vụ tốt.

“Nếu giữ như dự thảo Luật thì ai cũng có thể mở được doanh nghiệp lữ hành, miễn là có tiền, làm phức tạp thêm tình hình kinh doanh lữ hành ở nước ta. Có nhiều vấn đề liên quan đến lữ hành mà chưa xử lý được một cách rốt ráo, hiệu quả, như người nước ngoài núp bóng người Việt Nam để hoạt động du lịch tại Việt Nam, hay tình trạng nhái các thương hiệu đang diễn ra”, đại biểu Tuyết nói. Đại biểu đề xuất quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành phải chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động này được kiểm soát.

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng kinh doanh lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện, tổng hợp của các dịch vụ, kết nối và có doanh thu lớn, dễ tổ chức nên cần quy định để thể hiện được quy mô của lữ hành, bảo đảm được số lượng nhân sự, số hướng dẫn viên có chuyên môn nghiệp vụ, để doanh nghiệp mang dáng dấp vững vàng. Khi cho phép thành lập doanh nghiệp lữ hành phải có quy mô và đủ các điều kiện liên quan, đảm bảo chất lượng.

Không xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện

Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với quy định xếp hạng chất lượng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện. Hiện ở Việt Nam, các cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh, nhiều, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm về du lịch.

Nhiều người bỏ tiền xây dựng khách sạn phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên, sự tự giác, tinh thần trách nhiệm để gắn kết và cùng xây dựng cho ngành phát triển là chưa tốt.

Để bảo đảm xây dựng du lịch Việt Nam có chất lượng, phát triển bền vững, lâu dài và xây dựng được thương hiệu du lịch Việt Nam liên quan đến mảng lưu trú, đại biểu đề xuất phải có những yêu cầu bắt buộc xếp hạng để tránh quảng cáo sai chất lượng dịch vụ, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở, đánh đồng cơ sở được xếp hạng với những cơ sở không được xếp hạng, tự mạo nhận, ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch trong thời gian tới.

Không phải tỉnh, thành nào cũng làm tốt việc xếp hạng khách sạn 2 sao trở xuống. Nhiều khách sạn 2,3 sao như nhà nghỉ, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá.

Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), hiện chưa có quy chuẩn thống nhất về xếp sao hạng, dẫn đến các địa phương tùy tiện nâng sao để cạnh tranh, khiến khách hàng phải chịu trận khi bị tăng giá vô tội vạ.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhìn nhận 70% khách sạn ở Việt Nam là khách sạn 3 sao trở xuống, nếu để tự nguyện đăng ký sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn hơn, dẫn đến mất sự kiểm soát của Nhà nước và không đảm bảo công bằng, uy tín cho ngành du lịch.

Theo bà Ánh, cần giao Tổng cục Du lịch xếp hạng với khách sạn 4-5 sao, còn Sở Du lịch xếp hạng cơ sở từ 1 đến 3 sao.

Các đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phạm Phú Quốc, Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), Dương Minh Ánh đề nghị cần quy định tái kiểm để đảm bảo giữ chất lượng như ban đầu, doanh nghiệp phải đầu tư, để cho thị trường tự điều tiết sẽ không đảm bảo chất lượng.

Quan tâm đến đạo đức hướng dẫn viên

Liên quan đến quy định về hướng dẫn viên du lịch, trước thực tế có tình trạng nước ngoài sang du lịch Việt Nam, sau đó ở lại hành nghề hướng dẫn viên du lịch, không kiểm soát được những thông tin họ trao đổi với du khách; những doanh nghiệp nhỏ trong nước sẵn sàng bán thương hiệu của mình để các doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động, đại biểu thống nhất quan điểm người Việt Nam mới được xem xét cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam nếu đủ các điều kiện theo quy định, người nước ngoài không được hoạt động du lịch tại Việt Nam.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết chỉ rõ điều cần được quan tâm là đạo đức hướng dẫn viên. Bởi, trong thực tế, đạo đức của nhiều trường hợp chưa tốt, từ việc sử dụng bằng cấp giả để được cấp thẻ hướng dẫn viên, đưa khách đi không thực hiện hết nghĩa vụ của mình đối với khách, không phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh... Nhiều hướng dẫn viên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài núp bóng hoạt động du lịch tại Việt Nam.

Đại biểu đề nghị hướng dẫn viên chỉ được hoạt động khi có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành. Cũng như vậy, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho biết thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều vi phạm nghiêm trọng, có hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách trái qui định, xuyên tạc cả văn hóa, lịch sử Việt Nam, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch Việt Nam. Đại biểu cho rằng không thể bỏ qua tiêu chí, điều kiện về nguồn nhân lực.

Trên cơ sở phân tích hạn chế như phân tích nêu trên, các đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phạm Quang Thanh cho rằng thanh tra du lịch là cần thiết. Đại biểu Tuyết đề nghị phải là thanh tra chuyên ngành về du lịch, để đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch.

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia. Trong khi đại biểu Phạm Phú Quốc đề nghị bổ sung thêm ý khu du lịch quốc gia không phân biệt thành phần sở hữu, không phân biệt công tư, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân mạnh dạn đầu tư các khu dịch lịch mang tầm vóc quốc gia, có sức chứa hơn 500.000 khách thì đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết lại không khỏi băn khoăn với quy định khu du lịch quốc gia phải có 1000 ha và đón 500.000 lượt khách/năm với nhận định không rõ cơ sở để xây dựng tiêu chí này.

“Có nhất thiết phải có khu du lịch quốc gia không hay là ở Việt Nam khuyến khích có các khu du lịch lớn phục vụ cho các du khách với nhiều hoạt động hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của du khách và không nhất thiết phải do trung ương quản lý”, đại biểu Tuyết đặt vấn đề.

Theo đại biểu, những khu vực đặc sắc, có giá trị cao về văn hóa, bảo tồn, thiên nhiên mà ở đó cần được lưu giữ, khai thác và phát huy một cách bền vững, làm tăng thêm giá trị của các kỳ quan, công trình đó thì nhà nước nên công nhận và xây dựng thành khu du lịch quốc gia./.