BRICS đoàn kết vượt qua thách thức

Tuấn Phương (tổng hợp)
22:31, ngày 20-10-2016

TCCSĐT - Với chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể”, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 diễn ra vào trung tuần tháng 10-2016 tại Goa (Ấn Độ) với sự góp mặt của lãnh đạo 5 nền kinh tế mới nổi đã bàn thảo về vai trò của BRICS trong việc dẫn dắt sự tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, tăng cường hợp tác nội khối trước những triển vọng cũng như thách thức của khu vực và thế giới.

 
 Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 tại Goa (Ấn Độ). Ảnh: brics2016.gov.in

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu mốc tròn 15 năm ra đời và phát triển của BRICS, với những kết quả đáng khích lệ cùng không ít thách thức còn tồn tại trong nội khối.

Thành quả và những thách thức

Kể từ khi khái niệm “những nền kinh tế mới nổi hàng đầu” ra đời, thế giới đã đặt nhiều sự chú ý cũng như kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của nhóm các nước này. Sự hình thành của BRICS phản ánh sự liên kết giữa các quốc gia không muốn chịu ảnh hưởng của bộ ba châu Âu - Mỹ - Nhật. Với đặc điểm chung là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và 42% dân số thế giới (khoảng 3 tỷ người), BRICS bao gồm các nền kinh tế đang nổi, có tiềm lực lớn, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao.

Trong hơn 10 năm qua, BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Nếu như năm 2000, 5 nền kinh tế này chỉ chiếm hơn 8% GDP toàn cầu, thì chỉ 10 năm sau (năm 2010), con số này là 18% và đến nay là 28%. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, tương đương 16.000 tỷ USD. Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. Nhóm BRICS đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Không chỉ đơn thuần là một tập hợp của một số quốc gia, BRICS còn là sự hội tụ của các quốc gia mạnh trong nhiều lĩnh vực. Brazil có thế mạnh về khai khoáng và nông nghiệp, Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ, Ấn Độ duy trì lợi thế về công nghệ thông tin, Trung Quốc với danh hiệu công xưởng của thế giới, và Nam Phi được xem là một trung tâm tài chính mạnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang biến cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) hay Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Tuy vậy, những thành tựu của BRICS được đánh giá là chưa xứng tầm với tiềm năng của nhóm. Đó là chưa kể, sau 15 năm hình thành, giờ đây BRICS lại đang đứng trước những thách thức lớn. Giá dầu mỏ trên thế giới giảm mạnh, khiến nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng giảm sút mạnh. Brazil và Nam Phi cùng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép. Ấn Độ tuy có nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự bứt phá, số người nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao trong xã hội. BRICS còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản đối với tăng trưởng và phát triển, trong đó có cả các mối đe dọa về y tế hay còn thiếu thế mạnh về giáo dục, đào tạo… Các thách thức khác cũng được nhắc đến, đó là khoảng cách thu nhập lớn, tài chính thiếu minh bạch và cơ sở hạ tầng không đồng đều. Thêm vào đó, môi trường kinh tế bên ngoài không thuận lợi cũng tác động lớn đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Tất cả những dấu hiệu này đòi hỏi BRICS cần phải có chiến lược mới cho chặng đường tiếp theo nhằm thúc đẩy tăng trưởng các nước thành viên và vực dậy vị thế của nhóm.

Trước thực trạng trên, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm nay được đánh giá là cơ hội để các nước nhìn lại chặng đường đã qua, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức và phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời hoạch định chính sách phát triển dài hạn cho khối trong tương lai dài hạn.

Tăng cường hợp tác nội khối và quốc tế

Tại Hội nghị lần này, lãnh đạo các quốc gia thuộc BRICS hướng sự tập trung vào những chiến lược tăng cường tăng trưởng toàn cầu và các vấn đề hợp tác nội khối. Những mục tiêu đặt ra trong Hội nghị từ tháo dỡ các rào cản đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đến thúc đẩy vai trò lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi tại các định chế chủ chốt của thế giới như IMF và nhóm G20, theo giới quan sát, cần sự phối hợp lớn hơn nữa giữa các thành viên. Đây là cách tốt nhất để vượt qua các thách thức.

Sau hai ngày làm việc (ngày 15 và ngày 16-10), các nhà lãnh đạo BRICS đã thông qua Tuyên bố về kết quả hội nghị cũng như Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên, trong đó đề ra hoạt động cụ thể của nhóm trong năm tới. Ngoài ra là Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau trong tạo lập khuôn khổ cho các nghiên cứu nông nghiệp, tình hình của Ủy ban hợp tác thuế quan BRICS, cũng như Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau giữa các học viện ngoại giao 5 nước.

Trong bối cảnh Mỹ sắp có bầu cử Tổng thống mới, tình hình kinh tế - xã hội tại châu Âu vẫn còn nhiều vấn đề thì cộng đồng thế giới cần có sự lãnh đạo có trách nhiệm, và các nước đang phát triển có thể đóng góp vào vai trò này. Đây là mục tiêu Hội nghị hướng tới khi môi trường quốc tế đang đứng trước các thách thức về tài chính, an ninh và môi trường. Phương Tây đã không thể hiện được vai trò lãnh đạo hiệu quả, trong khi các chính sách của Mỹ ở Trung Đông và Bắc Phi đang gây biến động cho khu vực này. Trong khi đó, các nước phát triển đang bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt nguồn từ các nước phát triển. Hiện nay, các cơ chế như BRICS và G20 có thể giúp cải tiến và tăng cường cơ chế quản trị toàn cầu. Tất cả các nước BRICS đều là thành viên của G20. Kết hợp cùng với nhóm các nước đang phát triển với vai trò ủng hộ BRICS và G20, các nước phát triển có thể tạo ra sự ủng hộ và lan tỏa lớn. Các mục tiêu của BRICS và G20 hiện đang trùng lắp và bổ trợ lẫn nhau. Năm 2016, cả hai nhóm này đều nhấn mạnh tính sáng tạo và phát triển dành cho tất cả mọi người. Do vậy, Hội nghị là cơ hội để BRICS thúc đẩy việc cải tiến hệ thống quản trị toàn cầu.

Đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, chương trình nghị sự của Hội nghị tập trung vào xu hướng phát triển kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng của các nước trong khối đối với thương mại toàn cầu. Trước đó, các nước BRICS cũng đã nhóm họp không chính thức tại Hàng Châu (Trung Quốc). Các nhà lãnh đạo BRICS cho rằng, hiện nay kinh tế thế giới đang ở thời kỳ chuyển đổi nội lực từ cũ sang mới, sự phục hồi chậm, môi trường quốc tế thay đổi không xác định. Trước tình hình mới, nhóm BRICS cần nắm rõ xu thế quốc tế, tăng cường đoàn kết, hợp tác và phối hợp giải quyết thách thức, làm sâu sắc lòng tin lẫn nhau. Theo đó, thực hiện hiệu quả “Chiến lược đối tác kinh tế BRICS” đã thông qua tại Hội nghị Ufa năm 2015, tạo cục diện mới cho hợp tác thương mại và đầu tư, lưu thông tiền tệ và tài chính, kết nối hạ tầng cơ sở; chung sức quản trị nền kinh tế toàn cầu; duy trì trật tự quốc tế công bằng, hợp lý.

Trước thềm Hội nghị, giới chức tài chính - ngân hàng 5 nước đã kêu gọi sự phối hợp lớn hơn nữa giữa các thành viên để bảo vệ những lợi ích của mình. Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương BRICS, các nước nhất trí rằng, các nền kinh tế BRICS có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại. Các nước BRICS cần phải hợp tác và phối hợp trong các vấn đề của G20. Giới chức tài chính - ngân hàng BRICS cũng thảo luận về những chiến lược tăng cường tăng trưởng toàn cầu, các vấn đề hợp tác quan trọng theo chương trình nghị sự của G20, cấu trúc tài chính quốc tế và cách thức hướng tới những lĩnh vực hợp tác mới.

Kết quả là, dựa trên 5 mục tiêu và chủ đề hợp tác chính của Hội nghị, đó là xây dựng thể chế, thực thi, hội nhập, sáng tạo và duy trì tính tiếp nối, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới đã đạt được kết quả hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp phi thuế quan, tạo thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có việc kích hoạt một dịch vụ cổng điện tử cho các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ trong BRICS.

Nhóm BRICS cũng đã nhất trí đẩy nhanh quá trình thành lập một cơ quan đánh giá tín dụng của riêng mình nhằm thu hẹp khoảng cách trong cấu trúc tài chính toàn cầu, phục vụ tốt hơn cho các nền kinh tế đang phát triển, đối trọng với các cơ quan tương tự như Moody's, Standard & Poor's và Fitch có trụ sở ở các nước phương Tây. Kế hoạch thành lập cơ quan đánh giá tín dụng được đưa ra 1 năm sau khi BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Đến nay, NDB đã cho vay tổng cộng 900 tỷ USD, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo dành cho các nước thành viên. NDB sẽ tiếp tục ưu tiên cho năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh, bền vững.

Bên cạnh việc kêu gọi “hành động tập thể”, liên kết kinh tế nội khối để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, các nước BRICS cũng thể hiện quyết tâm tiếp tục đóng góp tích cực đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các thể chế tài chính đa phương. Các nước thành viên BRICS ủng hộ ý tưởng cải cách IMF. Các nhà lãnh đạo BRICS đề nghị IMF chú ý đến ý kiến của các quốc gia nghèo khó nhất và tăng số lượng đại diện từ các nước nghèo trong hệ thống tài chính này. Năm nước thành viên kêu gọi các hệ thống kinh tế châu Âu thực hiện cam kết của mình và nhường hai vị trí lãnh đạo trong Hội đồng điều hành IMF cho các nước nghèo. IMF cũng cần tăng tiếng nói và quyền đại diện của các nước thành viên nghèo nhất, bao gồm cả các nước khu vực châu Phi hạ Sahara trong vấn đề cải cách IMF.

Khẳng định xóa đói, giảm nghèo là thách thức toàn cầu lớn nhất, các nhà lãnh đạo BRICS cam kết tiếp tục làm việc hướng tới thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển, thực hiện cam kết và hỗ trợ mạnh mẽ cho các nước đang phát triển. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng bảo đảm sẽ nỗ lực làm việc và thực hiện đầy đủ để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề “nóng” trên toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề chống khủng bố... Trong tuyên bố chung, các nước thành viên BRICS nhất trí hợp tác trong mọi vấn đề căn cứ theo luật pháp quốc tế. Theo đó, các nước này nhắc lại quan điểm chung về những biến đổi sâu sắc hiện nay trên thế giới theo hướng chuyển sang trật tự quốc tế đa cực, dân chủ và công bằng trên cơ sở vai trò trung tâm của Liên hợp quốc. Năm nước cũng khẳng định cần phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu và hợp tác thiết thực trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết và tin tưởng nhau. Các bên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực tập thể trong giải quyết các vấn đề quốc tế, giải quyết hòa bình những tranh cãi bằng con đường chính trị và ngoại giao trên cơ sở tuân thủ mọi quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.

Nhóm 5 nước khẳng định thực thi các nguyên tắc về trách nhiệm, hợp tác và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước để loại bỏ tình trạng áp đặt các biện pháp đơn phương mà không căn cứ vào luật pháp quốc tế. Các nước đồng thời lên án hành động can thiệp quân sự và trừng phạt kinh tế đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế; nhấn mạnh không một quốc gia nào được tăng cường an ninh của nước mình bằng cách gây bất lợi cho an ninh của các nước khác.

Lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố gần đây, nhóm các nền kinh tế đang nổi lên đang tìm kiếm một khuôn khổ pháp lý thuộc Liên hợp quốc cho nỗ lực chống khủng bố hiệu quả. Các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi sớm kết thúc đàm phán về Công ước toàn diện chống chủ nghĩa khủng bố. Ấn Độ cùng với các quốc gia BRICS khác, gồm Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi bày tỏ lo ngại rằng, các cuộc xung đột liên tiếp tại một số khu vực trở thành vùng đất “màu mỡ” cho các hoạt động khủng bố. Trong Tuyên bố chung, BRICS nhắc lại sự “lên án mạnh mẽ” của họ về chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó. Các bên nhất trí mở rộng hợp tác chống khủng bố trong BRICS, trong đó có các biện pháp như không để khủng bố tiếp cận nguồn tài chính, trang thiết bị, vũ khí và đạn dược hòng thực hiện hoạt động khủng bố. Các quan chức cũng nhấn mạnh cần phải có một cơ chế pháp lý toàn cầu để đối phó với mối đe dọa khủng bố toàn cầu. Các bộ trưởng ngoại giao BRICS cũng tái khẳng định sự cần thiết cải cách toàn diện Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, với quan điểm làm tăng tính đại diện và hiệu quả hơn.

Về vấn đề Syria, các nước thành viên BRICS kêu gọi tất cả các bên quan tâm vấn đề này phối hợp để giải quyết toàn diện một cách hòa bình cuộc xung đột, có tính đến những mong muốn hợp pháp của người dân Syria, trên cơ sở đối thoại dân tộc và tiến trình chính trị, căn cứ theo Thông cáo Geneva ngày 30-6-2012 và các Nghị quyết 2254 và 2268 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà người Syria đang thực hiện. Năm nước cũng kêu gọi đấu tranh chống các nhóm vũ trang mà Liên hợp quốc coi là khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Mặt trận Al-Nusra, vốn được coi là nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria. Các bên thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời tuyên bố ủng hộ mọi nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia trong khu vực đó.

Bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh tại Afghanistan và các hoạt động khủng bố gia tăng đáng kể tại quốc gia Trung Á này, các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương cấp khu vực trong vấn đề Afghanistan, trước tiên là các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể...

Quyết tâm đã đặt ra, song nhóm BRICS còn nhiều thách thức cần giải quyết để tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong vai trò là động lực dẫn dắt nền kinh tế thế giới./.