Quảng Ninh huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ giúp dân chống bão

BTV (tổng hợp từ chinhphu.vn, TTXVN)
22:48, ngày 19-10-2016

TCCSĐT - Gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tỉnh Quảng Ninh đã được huy động để giúp dân thu hoạch lúa mùa, đồng thời sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7.

Sau khi đi kiểm tra tuyến đê Hà Nam và khu neo đậu tàu thuyền tại thị xã Quảng Yên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh để kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến tất cả các huyện, thị xã của tỉnh.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các huyện, thị xã qua cầu truyền hình, đến nay tỉnh đã thông tin và kêu gọi được 8079/8079 tàu cá các loại về neo đậu trú tránh tại các bến, khu neo đậu của địa phương và các tỉnh (trong đó có 416/416 tàu cá xa bờ của tỉnh); 534 tàu du lịch đã vào nơi tránh trú bão (trong đó có 202 tàu hoạt động ngủ đêm).

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị quân đội đóng tại tỉnh đã huy động sẵn sàng gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ với gần 200 phương tiện các loại.

Trong ngày hôm qua và hôm nay, các lực lượng quân đội và doanh nghiệp đã huy động 2.300 chiến sĩ và dân quân tự vệ, 40 máy gặt để hỗ trợ các hộ dân tại các địa phương gặt lúa cả ngày và đêm. Đến nay cơ bản diện tích lúa chín đã thu hoạch xong.

Lực lượng công an và cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh đã huy động 100% quân số với trên 4.000 người thường trực 24/24 giờ tại trụ sở và các địa bàn xung yếu để sẵn sàng tham gia ứng phó khi có yêu cầu. Các lực lượng này sẽ tổ chức điều tiết, phân luồng, bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường, vận động di dời các hộ dân ở các khu vực nguy cơ lũ, lụt, sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn.

Cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với Công ty Âu Lạc - Tuần Châu tổ chức cứu hộ đưa 17 khách du lịch nước ngoài trên tàu nghỉ đêm khu vực gần đảo Titov và lai dắt tàu du lịch về bờ an toàn; kêu gọi 534 tàu du lịch, 74 tàu khách cao tốc tuyến cố định các đảo và trên 8.150 các phương tiện đánh bắt thủy sản và phương tiện thủy nhanh chóng di chuyển vào các nơi trú tránh an toàn.

Phối hợp với các địa phương hỗ trợ nhân dân gia cố 435 nhà bè nuôi trồng thủy sản, tập trung di chuyển người già và trẻ em lên bờ, hoàn thành trước 11h ngày 18-10. Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, khu vực dân cư bị ảnh hưởng của bão, không để kẻ xấu lợi dụng mưa, bão để phạm tội, nhất là trộm cắp, cướp giật tài sản.

Đến nay, các vị trí dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy khi có mưa lớn đã được khơi thông; các khu vực ngầm tràn, cảng, bến đã cử cán bộ trực, canh gác, cảnh báo không cho người qua lại; các vị trí có nguy cơ sạt lở trên từng địa bàn đã được các địa phương chỉ đạo xuống từng hộ dân đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu di chuyển trước khi bão đổ bộ vào và khi có mưa lớn, cắt tỉa cây xanh đường phố, công viên; chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu nước đệm, bảo đảm tiêu thoát nước khi mưa lớn xảy ra.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước trong và ngoài các khai trường mỏ, kiểm tra hệ thống bơm thoát nước đang vận hành tại các mỏ, triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ khai trường, thiết bị.

Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác


Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ khi bão đổ bộ.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia của các lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão số 7. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tỉnh Quảng Ninh không được chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão để triển khai biện pháp ứng phó hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu Quảng Ninh và các địa phương ven biển cần nhanh chóng kiểm đếm, rà soát lại để bảo đảm tuyệt đối không có phương tiện nào hoạt động trên biển, tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các công trình cao tầng hoặc trong các lều bạt, nhà tạm. Đối với tàu thuyền đã đưa vào khu neo đậu, cần liên tục kiểm tra để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Phó Thủ tướng lưu ý, Quảng Ninh phải có các giải pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch, các công trình hạ tầng, điểm đến du lịch.

Ngành than không được chủ quan, phải chủ động ứng phó mưa bão

Sau khi đi kiểm tra khai trường, khu vực bãi thải của mỏ than Hà Tu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7 tại mỏ nói riêng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nói chung.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo TKV không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đối phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Yêu cầu thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của bão để ứng phó kịp thời; rà soát, kiểm tra công tác phòng chống mưa bão tại các đơn vị, chú trọng các vị trí xung yếu như bãi thải Đông Cao Sơn; Nam Lộ Phong; Chính Bắc - Hà Tu; đập Giáp Khẩu...

Các đơn vị sàng tuyển, kho vận, cụm chế biến sàng tuyển than có phương án di chuyển, bảo vệ các phương tiện tránh bão, bảo vệ kho than là nhiệm vụ trọng tâm, tránh trôi than. Ngoài ra, các đơn vị tập trung rà soát, có phương án phòng chống mưa bão tại các đơn vị sản xuất của Khối Khoáng sản - Hóa chất, Điện lực… “Yêu cầu toàn ngành than tập trung cao nhất cho phòng chống mưa bão, phối hợp với địa phương triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn về người và thiết bị, bảo đảm sau bão đi vào sản xuất được ngay”, Phó Thủ tướng nói.

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 7 đã suy yếu, tuy nhiên, dự báo trong khoảng 8 giờ đồng hồ nữa, bão sẽ đi thẳng vào đất liền khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, gây mưa. Tuy nhiên, lượng mưa cũng sẽ giảm hơn so với các dự kiến từ ngày hôm qua. Mưa toàn vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ sẽ chỉ còn khoảng 50-80 mm, rải đều trong ngày.

Báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng, lãnh đạo TKV cho biết hiện đang có nhiều nhóm công tác đi kiểm tra hiện trường các đơn vị như Than Núi Béo, Than Hòn Gai, Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu, Than Uông Bí, Mông Dương, Khe Chàm, Hạ Long… cũng như các đơn vị thuộc khối tiêu thụ than, nhiệt điện, cơ khí. Tại các đơn vị lộ thiên, kiên quyết yêu cầu các khu vực bãi thải nạo vét hệ thống thoát nước; gia cố tuyến đê bao dọc các tầng thải, đập chắn đất đá chân bãi thải, phân tách dòng chảy theo đúng phương án khai thác và ứng phó với mưa bão đã được phê duyệt.

Tại các đơn vị khối hầm lò, TKV đã chỉ đạo bố trí cán bộ trực canh gác và theo dõi công trình để kịp thời phát hiện nguy cơ có thể xảy ra sự cố. Tổ chức sơ tán người và thiết bị tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn nếu cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí xung yếu để ứng phó khi xảy ra sự cố. Yêu cầu các đơn vị cần đặc biệt chú ý phương án phòng chống ngập mỏ; kiểm tra bề mặt địa hình, san lấp các hố tụ thủy, trám lấp các vết nứt và khu sụt lún; kiểm tra, khởi động máy phát điện diesel bảo đảm sẵn sàng phát điện khi bị mất điện lưới; chuẩn bị phương án sơ tán người và thiết bị đến nơi an toàn và sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa to gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất… Mặt khác, các đơn vị kiểm tra nhà xưởng, kho tàng, triển khai giằng néo bảo đảm chắc chắn, đề phòng tốc mái, có phương án tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian bão đổ bộ.

Theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, đến 14 giờ ngày 19-10, toàn tỉnh chưa có bất kỳ thiệt hại nào do bão số 7 gây ra.

Mực nước ở các hồ thủy lợi ở mức an toàn, thậm chí có hồ đang ở mức thiếu nước do lượng mưa nhỏ, không bù đủ số nước xả đi trước đó theo chỉ đạo của tỉnh.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 7 sẽ đổ bộ vào lúc 13 giờ ngày 19-10 tại thành phố vùng biên giới Móng Cái, tuy nhiên vào lúc 11 giờ cùng ngày, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 14 giờ ngày 19-10, thành phố Móng Cái vẫn an toàn trước bão số 7, chưa có bất cứ thiệt hại nào xảy ra.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Móng Cái Ngô Hoàng Ngân yêu cầu các doanh nghiệp, chính quyền địa phương chủ động triển khai ngay các phương án đối phó với bão số 7; chỉ đạo Ban Quản lý Cửa khẩu Móng Cái tiếp tục rà soát tàu thuyền trên sông, vận động tuyên truyền người lao động và chủ tàu thuyền khẩn trương neo đậu về nơi trú ẩn an toàn.

Các đơn vị làm nhiệm vụ tại cửa khẩu có phương án cụ thể xử lý các tình huống trong bão và sau bão cũng như các tình huống lũ trên sông Ka Long. Chiều 19-10, một số huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh vẫn có mưa nhỏ, gió nhẹ./.