Chính sách tín dụng ngân hàng góp phần giảm nghèo bền vững vùng Tây Bắc

Đào Minh Tú Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
22:44, ngày 19-10-2016

TCCSĐT - Hiện nay, kinh tế vùng Tây Bắc vẫn còn kém phát triển, hầu hết các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Do đó, quan tâm giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những yếu tố nền tảng để vùng phát triển bền vững.

Bên cạnh các chính sách đồng bộ của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững vùng Tây Bắc. Trong những năm qua, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng thương mại tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu.

Song song với nguồn vốn tín dụng thương mại, nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội ở vùng Tây Bắc trong những năm qua tập trung cho vay đối với: hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi; học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ nghèo chưa có nhà ở an toàn… Một số chương trình tín dụng ưu đãi cũng được tập trung tại vùng, như chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện nghèo…

Hoạt động ngân hàng của khu vực Tây Bắc trong những năm qua đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tính đến cuối tháng 6-2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt trên 148.000 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 2,61% so với tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc tính đến cuối tháng 6-2016 đạt trên 203.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 4% so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ mới đáp ứng được gần 73% nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng. Một phần nguồn vốn cho vay được hệ thống ngân hàng điều chuyển từ các khu vực khác sang đầu tư cho Tây Bắc. Điều này phản ánh những cố gắng của ngành ngân hàng trong việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực này.

Ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước để có những chính sách đầu tư tín dụng phù hợp, khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực, từng bước nâng cao đời sống người dân, đồng thời kết hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực sự trở thành kênh dẫn vốn quan trọng trong phát triển kinh tế. Tín dụng ngân hàng đã thực hiện đầu tư phát triển ở nhiều lĩnh vực:

- Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tính đến cuối tháng 6-2016 đạt trên 80.500 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 40% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 9% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Nhiều sản phẩm nông nghiệp trong khu vực Tây Bắc đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước, như chè Shan Tuyết, cam Hà Giang, cam Cao Phong, mận Bắc Hà... mang lại thu nhập cao cho người dân.

- Chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP, ngày 05-3-2014, của Chính phủ. Khu vực Tây Bắc được lựa chọn 2 doanh nghiệp (toàn quốc có 28 doanh nghiệp) là: (i) Công ty TNHH chè Phong Hải (tỉnh Lào Cai) để thực hiện Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, số tiền các ngân hàng thương mại cam kết cho vay với hạn mức tín dụng là 13 tỷ đồng, doanh số đã giải ngân đạt 25,95 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31-5-2016 là 11,05 tỷ đồng; (ii) Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) thực hiện Dự án mô hình liên kết sản xuất với nông dân để duy trì mở rộng vùng nguyên liệu mía đường, số tiền các ngân hàng thương mại cam kết cho vay 285,5 tỷ đồng, doanh số đã giải ngân đạt 60 tỷ đồng, dư nợ đến 31-5-2016 là 15 tỷ đồng.

- Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ tại khu vực được triển khai có hiệu quả, hỗ trợ người dân trong khu vực tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi mua và sửa chữa nhà ở, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng và bất động sản. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc đã ký hợp đồng tín dụng với 1.153 khách hàng với tổng hạn mức đã ký kết là 630 tỷ đồng, đến tháng 6-2016, giải ngân theo tiến độ đạt 616 tỷ đồng, đạt 98% so với kế hoạch.

- Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại khu vực Tây Bắc đã đạt được những kết quả tích cực, với 82 buổi hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên tất cả các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc. Ngành ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp với nhiều hình thức, như cho vay mới với lãi suất thấp, giảm lãi suất các khoản vay cũ, nâng hạn mức tín dụng... Đến nay, trên địa bàn đã có 17.308 khách hàng (trong đó có 3.731 doanh nghiệp) được các ngân hàng tháo gỡ khó khăn với tổng số tiền hỗ trợ đạt hơn 50.606 tỷ đồng, trong đó cam kết cho vay mới đạt 46.275 tỷ đồng.

- Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư đến với khu vực Tây Bắc. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Bắc lần 1 ngày 03-4-2013 (tại Tuyên Quang) và lần 2 ngày 04-4-2014 (tại Sơn La), ngành ngân hàng đã cam kết đầu tư tín dụng lên tới 23.652 tỷ đồng. Riêng Dự án thủy điện Lai Châu - dự án trọng điểm của cả nước, số tiền cam kết cho vay của các ngân hàng thương mại lên tới 15.000 tỷ đồng. Đến nay, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả và đã bắt đầu trả nợ ngân hàng, như Dự án Nhà máy sản xuất a-xít phốt-pho-ríc tại tỉnh Lào Cai, Dự án thủy điện Tà Cọ tại Sơn La, Dự án xây dựng nhà máy mía đường Tuyên Quang.

- Đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài việc chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đến các hộ nghèo, huyện nghèo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; theo dõi, kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, ngân hàng chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất và chủ động nâng mức cho vay các chương trình tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thị trường, cũng như đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước thực hiện duy trì 2% số dư tiền gửi tại ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội... Tính đến cuối tháng 6-2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt trên 31.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 21,3% tổng dư nợ toàn quốc, tăng 6,97% so với cuối năm 2015, với hơn 1,2 triệu khách hàng còn dư nợ.

Chỉ tính riêng chương trình cho vay tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ, tại vùng Tây Bắc (chưa bao gồm các huyện của tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa), tổng doanh số cho vay lũy kế từ khi thực hiện chương trình (năm 2009) đến tháng 6-2016 đạt trên 3.922 tỷ đồng, với trên 180 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; tổng dư nợ đến 30-6-2016 đạt 1.017 tỷ đồng, với hơn 28 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Trong hơn 10 năm kể từ khi thành lập, ngân hàng chính sách xã hội đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho khu vực Tây Bắc, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo; từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 6-2016, tổng doanh số cho vay đạt trên 72.300 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 42.800 tỷ đồng, đã giúp trên 4,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, góp phần giúp gần 714 nghìn hộ thoát nghèo; số lao động được thu hút, tạo việc làm là trên 400 nghìn lao động, trong đó đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là trên 27 nghìn người; giúp trên 368 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng được trên 953 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng được gần 152 nghìn căn nhà... Nhờ có vốn tín dụng ưu đãi, hộ nghèo, con em hộ nghèo, người lao động khu vực Tây Bắc có điều kiện nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết, có cơ hội tiếp cận nhiều phương pháp làm ăn để thoát nghèo,...; góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh chính trị vùng Tây Bắc.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư các chương trình/dự án hỗ trợ cho các tỉnh khu vực Tây Bắc. Trong giai đoạn 2009 - 2015, đã có nhiều chương trình/ dự án tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, với số vốn đạt trên 648 triệu USD. Một số chương trình/ dự án tiêu biểu, như dự án hỗ trợ y tế; dự án giảm nghèo giai đoạn 2; chương trình phát triển đô thị miền núi phía Bắc; dự án xây dựng đường giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn bền vững… Các chương trình/dự án sử dụng vốn vay WB/ADB đã hỗ trợ cho các tỉnh khu vực Tây Bắc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho địa phương, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho người dân. Mô hình phát triển sinh kế lấy cộng đồng làm định hướng của dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc được đánh giá cao, được nhân rộng, áp dụng rộng rãi.

Ngành ngân hàng còn quan tâm và thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tích cực hưởng ứng và đi đầu trong việc tham gia hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội ở các vùng, miền của đất nước. Giai đoạn 2009 - 2015, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội tại các tỉnh vùng Tây Bắc với tổng số tiền trên 2.200 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo với hàng chục nghìn ngôi nhà cho người nghèo, hàng trăm trường học các cấp và nhiều trạm y tế xã được xây dựng; hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng đường xá, cầu cống, nhà văn hóa, công trình tưởng niệm... Qua đó đã góp phần giúp người dân Tây Bắc cải thiện được điều kiện sống, xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm...

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cùng với các chương trình an sinh xã hội của ngành đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực Tây Bắc. Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% (năm 2010) xuống còn 18,26% (năm 2014), bình quân giảm 3,91%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ trong vùng đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, giảm 5,55% so với cuối năm 2013 và giảm 25,58% trong cả giai đoạn (bình quân giảm trên 6%/năm).

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo thông qua hoạt động tín dụng chính sách vùng Tây Bắc cho thấy, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, nhưng so với tỷ lệ trung bình của cả nước vẫn còn cao; nhiều địa phương, nhiều hộ nghèo chưa tự lực vươn lên thoát nghèo… Theo số liệu ước tính kết quả điều tra hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khu vực Tây Bắc vẫn là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn quốc. Do vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng nói chung và vốn tín dụng chính sách nói riêng, các định hướng mà ngành ngân hàng sẽ thực hiện trong thời gian tới là:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để ngân hàng chính sách xã hội thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Tây Bắc nhằm góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ba là, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống của người dân Tây Bắc.

Bốn là, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường nguồn vốn dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn theo phương châm ưu tiên đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, giúp người vay có vốn sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Năm là, tập trung nguồn vốn để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị.

Sáu là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của ngành ngân hàng về tín dụng ưu đãi.

Bảy là, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình an sinh xã hội vùng Tây Bắc, góp phần thiết thực giúp người dân cải thiện điều kiện sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo đa chiều bền vững vùng Tây Bắc./.