TCCSĐT - Ngày 17-10, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 với chủ đề “Hợp tác - Phát triển bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tham dự Hội nghị.

Cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Văn Cần, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết: Với lợi thế địa kinh tế, vai trò quan trọng của cả hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An đã, đang có chiến lược dài hạn để tận dụng các lợi thế này nhằm nâng cao hơn tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Long An có gần 1 triệu lao động, trong đó khoảng 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, chiếm đến gần 70% dân số của tỉnh, nguồn nhân lực này có đến hơn 60% số lao động đã qua đào tạo, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, Long An đã, đang quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, trong đó có 4 quốc lộ lớn đi qua, 1 đường cao tốc; dự kiến thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ được Trung ương đầu tư thêm 2 tuyến đường xe lửa, tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 của Thành phố Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn, tuyến xe buýt tần suất nhanh tuyến Tân An - Bến Lức - Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời Long An cũng đang được tập trung đầu tư hạ tầng giao thông thủy, với 2 trục chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với mục tiêu kết nối với các tỉnh lân cận khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tốt hơn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An nhấn mạnh: Với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Long An sẽ tạo hành lang tốt nhất về thủ tục, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Long An.

Chia sẻ tại Hội nghị, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp GS, TS. Võ Tòng Xuân nhìn nhận: Long An chiếm đến 2/3 diện tích của khu vực Đồng Tháp Mười, nên có lợi thế lớn về phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, GS. Xuân cho rằng sắp tới Long An nên nâng ngành này lên một mức mới, bằng việc tạo ra cơ chế phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao. Bởi vì, Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường lớn, gần 10 triệu dân với nhu cầu rất cao về các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, trong khi Long An có nhiều sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng, như lúa đặc sản Huyết Rồng, Nàng Thơm - Chợ Đào, nếp Long An, khóm Đức Hòa,… Nhưng muốn đạt được mục tiêu, cần phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm, có đầu óc về kinh tế vĩ mô.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Long An cần đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông để phát triển các khu vực Bến Lức, Đức Hòa thành đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh, tận dụng tối đa các lợi thế cửa ngõ của mình. Về lâu dài, tư duy phát triển của Long An phải chuyển từ tư duy kinh tế địa phương sang tư duy kinh tế vùng. TS. Trần Du Lịch gợi ý: Không có cách nào khác là, Long An phải giải quyết ngay kết nối vùng; giải quyết bài toán về nguồn nhân lực và thị trường; đội ngũ lãnh đạo tỉnh Long An cần chú trọng xây dựng bộ máy hành chính thấu hiểu được những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Làm sao để nhà đầu tư chọn Long An làm điểm đến?

Đó là một trong những câu hỏi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị để đề nghị các lãnh đạo tỉnh Long An nghiên cứu thật nghiêm túc, thông qua các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của địa phương; cũng như xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ giỏi chuyên môn, liêm chính, thấu hiểu để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà Long An đã đạt được, đặc biệt là những cam kết mạnh mẽ về thu hút đầu tư và tăng trưởng trong cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian qua. Thủ tướng khen ngợi tinh thần dám nghĩ, dám làm của địa phương trong việc chủ động thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; sự cần cù, chịu khó, khắc phục khó khăn vươn lên của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp đó, Thủ tướng đã thống nhất với các mục tiêu, cũng như chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, tỉnh Long An nên chú trọng vào các nguồn lực lợi thế của mình về địa kinh tế; nguồn nhân lực dồi dào, đã qua đào tạo; có cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế; người dân cần cù và quỹ đất rộng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An cần làm rõ: Động lực nào để cán bộ, công chức liêm chính, thấu hiểu trước các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp? Phải trả lời cho được các câu hỏi về lợi thế thu hút đầu tư như các học giả, nhà nghiên cứu đã gợi ý. Làm sao phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo cho các chính sách thu hút đầu tư? Khi làm rõ các vấn đề đó, Long An phải nghiên cứu một cơ chế nào đó phù hợp để đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, chẳng hạn như thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách với các nhà đầu tư để cải thiện về chính sách, môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von, người xưa có câu “đất lành chim đậu”, “tiếng lành đồn xa”,… Vì thế, tỉnh Long An cần phải có chiến lược dài hạn để phát triển các khu đô thị vệ tinh như các nhà nghiên cứu đã gợi ý, bên cạnh đó là phát triển các cụm khu công nghiệp để thu hút nguồn nhân lực, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương.

Được biết, trước đó, vào chiều 16-10-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thị sát và làm việc tại Cảng Quốc tế Long An. Đây là cảng nước sâu có quy mô tổng số vốn đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2023. Cảng có thể tiếp nhận tàu tải trọng 30.000 DWT, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016./.