TCCSĐT - Ngày 27-9-2016, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu, với chủ đề “Thị trường EU - Cơ hội và thách thức mới”.

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 28-11-1990 và đến nay quan hệ đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhất là thương mại đã tăng hơn 10 lần, đạt tổng kim ngạch 41,4 tỷ USD năm 2015. Tính đến tháng 6-2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 16,2 tỷ USD, tăng 9,5%. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; là khu vực chiếm tỷ trọng 90% kim ngạch xuất, nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu.

Việt Nam và EU đã chính thức triển khai đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào tháng 6-2012. Sau 14 vòng đàm phán, FTA Việt Nam - EU đã chính thức hoàn thành vào tháng 12-2015 tại Brussels. FTA Việt Nam - EU đang được ví như một hiệp định hiện đại và đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế.

Chỉ tính về thương mại, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ký kết chính thức sẽ giúp tăng 4-6% kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam vào EU (chưa tính phần tăng thêm hằng năm) so với không ký kết. Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao trên thế giới. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín doanh nghiệp thì các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối giao thương cũng cần được các doanh nghiệp chú trọng hơn.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường EU phải tuân thủ tính minh bạch và đặt rất cao vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua nhiều biện pháp và chính sách bảo hộ. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ, hàng hóa vào thị trường này ngày càng được yêu cầu cao, người tiêu dùng không chấp nhận hàng hóa có chất lượng trung bình hoặc thấp. Do vậy, những sản phẩm của các doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội và môi trường ngày càng ít có chỗ đứng ở thị trường EU.

Thống kê cho thấy, có khoảng 90 dòng thuế áp dụng cho các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam và EU sẽ được giảm xuống ở mức thấp, thậm chí là 0%. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU tập trung vào các sản phẩm cần nhiều lao động, như hàng lắp ráp điện tử, điện thoại, giày dép, may mặc và dệt may, cà-phê, hải sản và nội thất; trong khi một số mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU sang Việt Nam, bao gồm các sản phẩm công nghệ cao như máy và sản phẩm cơ khí, máy móc và thiết bị điện, dược phẩm và xe cộ. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa chất lượng cao, thực phẩm sạch, hàng thủ công mỹ nghệ, giảm tỷ trọng hàng chất lượng trung bình, hàng nông sản thô./.