Thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Canada đi vào chiều sâu
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam, cũng như những đóng góp của ngài Stephane Dion cho quan hệ Việt Nam-Canada thời gian qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Canada, sẵn sàng cùng Canada đưa quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiêu sâu, thực chất và hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoai giao Phạm Bình Minh. Qua hội đàm, hai bên đều thấy rõ tiềm năng hợp tác còn rất lớn, và đồng tình nhất trí nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực hơn. Việt Nam và Canada đã có nhận thức chung, rằng việc thúc đẩy quan hệ không vì lợi ích của mỗi bên, mà còn nhằm mục tiêu đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Bày tỏ hài lòng về quan hệ hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao cam kết của Canada tiếp tục dành ODA cho Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà Canada có thế mạnh, như ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo và an toàn thực phẩm; cảm ơn Canada về khoản viện trợ 15 triệu USD dành cho Dự án giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu mà Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion vừa tuyên bố trong chuyến thăm.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, Quốc hội Canada sớm thông qua TPP để hiệp định này đi vào thực thi nhằm thúc đẩy thương mại tự do tiêu chuẩn cao ở khu vực. Chủ tịch nước đề nghị, cùng với tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư, thời gian tới hai bên cần mở rộng các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh hợp tác về giáo dục - đào tạo. Với số lượng sinh viên đứng đầu trong các nước Đông Nam Á ở Canada, hợp tác giáo dục - đào tạo sẽ giúp hai nước hiểu nhau hơn thông qua cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và học tập ở Canada - những đại sứ thúc đẩy quan hệ hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion thông báo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về chính sách đối ngoại của Chính phủ Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau chủ trương tăng cường quan hệ và gắn kết hơn nữa với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, coi trọng vai trò của ASEAN và mong muốn đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam. Canada coi trọng và đánh giá cao vai trò của các cơ chế, diễn đàn đa phương ở khu vực như APEC, EAS, ADMM+ và mong muốn tham gia đầy đủ, tích cực vào các cơ chế này.
Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion khẳng định, Canada ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion đã trân trọng chuyển tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang lời mời sớm thực hiện chuyến thăm Canada. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Nhân dịp này, qua Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời cảm ơn về những tình cảm quý báu của gia đình Thủ tướng Justin Trudeau đối với Việt Nam; mong Chính phủ hai bên cùng nỗ lực để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Dion đã trao đổi về việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông; nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
* Cũng trong ngày 05-9, tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion đã nói chuyện với đông đảo sinh viên các trường Học viện Ngoại giao, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội.
Với chủ đề: “Vai trò của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu: biến đổi khí hậu và an ninh”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion cho rằng, môi trường ở bất cứ đâu cũng có thể bị tổn thương nếu không có sự phát triển bền vững. Các quốc gia không thể chỉ hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá mà phải cân nhắc đến những vấn đề môi trường sống, thiên nhiên, đa dạng sinh học như trữ lượng cá, nguồn nước sạch, sức khỏe của người dân. Những hành động hiện tại sẽ tác động đến thế hệ tương lai.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Stéphane Dion, quá trình phát triển bền vững, bảo đảm tương lai cho thế hệ sau, bảo vệ được đa dạng sinh học, đại dương, rừng, trữ lượng cá, nước sạch,…; các vấn đề về môi trường và khí hậu là những thách thức không chỉ đối với Việt Nam, mà cả thế giới. Tuy nhiên, không quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết được những vấn đề này. Vì vậy, các nước hãy cùng chung tay chia sẻ những năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của mình để duy trì sự sống hành tinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion đã đề cập đến một số thách thức từ biến đổi khí hậu mà Việt Nam cũng như nhiều nước đang phải gánh chịu như vấn đề quản lý nước, nước biển dâng, phát thải khí nhà kính tăng, dẫn đến tình trạng ấm lên toàn cầu,...
“Việt Nam, Canada và tất cả các nước tham dự Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu 2015 - COP 21 đã cùng ký Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2°C. Chúng ta cần hết sức tôn trọng những cam kết này. Việt Nam cần có những giải pháp để vừa phát triển vừa bảo đảm giữ đúng cam kết. Các quốc gia cũng cần chung tay để đạt được mục tiêu đề ra tại Hội nghị COP 21”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion nhấn mạnh.
Tại buổi nói chuyện, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphane Dion đã trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên về những giải pháp cần thiết để có một Thỏa thuận chung tầm thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam; những rào cản liên quan đến mối quan hệ hợp tác để vượt qua những khó khăn trong ứng phó với biến đổi khí hậu;.../.
Hội nghị hợp tác các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10  (05/09/2016)
Khai mạc cuộc họp SOM trù bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào  (05/09/2016)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc mừng năm học mới 2016 - 2017  (05/09/2016)
Mỹ - Nga không đạt được thỏa thuận nhằm giảm bớt giao tranh ở Syria  (05/09/2016)
Họp bất thường, bầu bổ sung Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn  (05/09/2016)
Việt Nam đánh giá cao chính sách đối ngoại tích cực của Canada  (05/09/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển