Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
TCCSĐT - Nhằm mục đích cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp các cam kết cơ bản của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) và thông tin thị trường các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu, ngày 27-7-2016, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo giới thiệu thị trường các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thông qua VN - EAEU FTA.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (bao gồm Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) gọi tắt là VN - EAEU FTA được ký kết vào ngày 29-5-2015 tại Burabay, Kazakhstan. Hiệp định bao gồm các chương chính về Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Phòng vệ thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS); Quy tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa hải quan; Phòng vệ thương mại; Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Công nghệ điện tử trong thương mại; Cạnh tranh; Pháp lý và thể chế.
Hiệp định được các bên phê chuẩn và dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 9-2016. Hiệp định VN - EAEU FTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu rộng lớn, với tổng diện tích hơn 20 triệu km2, dân số 183,3 triệu người và GDP đạt 2.200 tỷ USD, chiếm 3,2% GDP toàn cầu.
Ngày 29-5-2015, tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng với thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á - Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA).
Được chính thức khởi động đàm phán tại Hà Nội tháng 3-2013, sau hơn 2 năm đàm phán, các bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.
Theo đánh giá bước đầu của Liên minh Kinh tế Á - Âu, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 tỷ - 12 tỷ USD đến năm 2020. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ tăng khoảng 18% - 20% hằng năm.
Với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó, 59,3% xóa bỏ ngay khi Hiệp định VN - EAEU FTA có hiệu lực là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, tại Hội thảo trên, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần phải đánh giá thật cẩn thận tác dụng của Hiệp định này trên từng ngành hàng và từng thị trường cụ thể.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), việc Việt Nam trở thành đối tác ký FTA đầu tiên với EAEU mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu Hiệp định có hiệu lực ngay trong năm 2016, Việt Nam sẽ sớm có cơ hội tiếp cận với khối thị trường lớn của châu Âu. Các mặt hàng như dệt may, nông sản, thủy sản, da giày,… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc Liên minh nhờ được miễn, giảm thuế quan. Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng, để tranh thủ được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ Hiệp định đối với từng dòng thuế, từng sản phẩm của doanh nghiệp mình xuất khẩu; phải nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ, làm sao để hưởng ưu đãi theo quy định của Hiệp định. Chẳng hạn như với thủy sản, FTA này quy định nguyên liệu phải có xuất xứ từ nội khối; nhưng với mặt hàng tôm, cá ngừ thì Việt Nam được phép sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu và phải bảo đảm tỷ lệ nội địa trên 40%.
Giới thiệu về thị trường các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang khu vực này và đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ Liên minh Kinh tế Á - Âu. Việt Nam xuất khẩu các thiết bị điện tử, điện tử, hàng dệt may, giày dép, cà phê, chè, trái cây, thực phẩm chế biến, hạt điều,… và nhập khẩu nhiên liệu khoáng sản, dầu mỏ, phân bón, máy móc thiết bị điện, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, thiết bị chụp ảnh quang học, sắt, thép, xi-măng, ô-tô, khí ga tự nhiên,…
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cơ hội chiếm lĩnh thị trường hàng hóa thông qua EAEU là hiện hữu, song các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc chuẩn bị tốt các điều kiện hạ tầng cần phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước khác. Đồng thời, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị phương án đối phó với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là có thể lựa chọn phân khúc phù hợp về giá cả và chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu./.
Binh chủng Tăng thiết giáp: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 69 năm ngày thương binh, liệt sĩ  (28/07/2016)
Khởi công sân bay Long Thành vào năm 2019  (28/07/2016)
Công điện của Thủ tướng Chính phủ ứng phó với bão số 1  (27/07/2016)
Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của hợp tác với ASEAN  (27/07/2016)
Trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ  (27/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên