Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
TCCSĐT - Ngày 18-7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện một số bộ, ngành Trung ương và đại biểu các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Kết quả nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm của Bộ là triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Cụ thể, Bộ đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12/13 đề án, văn bản và đến nay Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 11 thông tư; 7 thông tư liên tịch.
Các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường được ban hành bám sát yêu cầu của thực tiễn; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch; phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội. Bộ cũng đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện trình Quốc hội Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn (2016 - 2020) và triển khai xây dựng đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài được tăng cường. Toàn ngành đã tiến hành 1.038 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 3.002 tổ chức, cá nhân; đã xử phạt vi phạm hành chính 601 tổ chức với số tiền hơn 35,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 3.160 ha đất; tiếp nhận, phân loại và xử lý 5.941 lượt đơn khiếu nại, tố cáo. Bộ đã thẩm tra, xác minh 15/21 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao; 20/30 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết 5 vụ việc; đã ban hành quyết định giải quyết 8 vụ việc. Tiếp 2.848 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 162 đoàn khiếu nại đông người.
Bộ cũng đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/2016, ngày 28-4-2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017; Nghị quyết số 35, ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ thiết lập 2 đường dây nóng tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân, doanh nghiệp về tình trạng vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, vi phạm pháp luật về đất đai và nhũng nhiễu trong quá trình cấp gấy chứng nhận; lập tổ công tác kiểm tra giải quyết các phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Bộ đã đi đầu trong việc chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đối với các Tổng cục, các Cục. Qua 3 năm thực hiện, điểm trung bình đã tăng từ 74,93/100 điểm (năm 2013) lên 81,59/100 điểm (năm 2015).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận những nỗ lực mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được trong 6 tháng vừa qua. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, Bộ đã tập trung chỉ đạo tăng cường hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới trong công tác điều hành, tác phong, lề lối làm việc với phương châm hướng về địa phương cơ sở, phục vụ người dân. Qua đó giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài nguyên minh bạch hơn, góp phần hạn chế được tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên kém hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm, cấp bách về quản lý khai thác khoáng sản, sự cố môi trường. Đặc biệt là vụ cá biển chết bất thường tại 4 tỉnh Miền Trung trong tháng 4 vừa qua. Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm ra nguyên nhân cá chết và thủ phạm liên quan. Buộc thủ phạm phải công khai xin lỗi, nhận bồi thường thiệt hại và phải cam kết phục hồi lại môi trường biển ở khu vực này.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước mà Bộ cần nhanh chóng khắc phục. Đó là một số chiến lược, quy hoạch đã được xây dựng nhưng chưa được rà soát cập nhật để bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Tổ chức bộ máy của ngành còn có sự chồng chéo với các ngành khác, trong khi công tác phối hợp còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn chưa kịp thời. Thiếu cơ chế điều tiết liên vùng dẫn đến chồng chéo trong quy hoạch, thiếu sự điều phối phát triển dựa trên các tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu ra 10 nhiệm vụ Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện, để khắc phục những tồn tại bất cập, phấn đấu triển khai đạt kết quả cao trong kế hoạch 6 tháng cuối năm. Đó là tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước hết, Bộ cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thể chế hóa những nội dung đổi mới của Nghị quyết Đại hội XII; loại bỏ các quy định đang là rào cản, điểm nghẽn, xung đột chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; rà soát bổ sung các quy định đáp ứng yêu cầu hội nhập theo các cam kết mà Việt Nam đã tham gia để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tạo thêm xung lực cho phát triển kinh tế-xã hội giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Cùng với việc khắc phục sự chồng chéo trong công tác quản lý; lấp đầy chỗ trống về pháp luật, ngành tài nguyên - môi trường ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai...
Bên cạnh đó, Bộ cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm. Thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi đánh giá thống nhất từ Trung ương tới địa phương với sự tham gia của người dân. Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, huy động các nguồn lực tri thức, công nghệ và tài chính hỗ trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường./.
Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ với Slovakia  (18/07/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 11-7 đến ngày 17-7-2016)  (18/07/2016)
Toàn văn tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Slovakia  (18/07/2016)
Toàn văn tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Slovakia  (18/07/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón, hội đàm với Thủ tướng Slovakia  (18/07/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên